“Soi” vào quá trình “lột xác” của loài bướm

Hương Ú, Theo 00:00 06/02/2011

Cùng tìm hiểu quá trình biến đổi này qua các bức ảnh để biết được thiên nhiên quanh ta kì diệu như thế nào bạn nhé!<img src='/Images/EmoticonOng/03.png'>

Quá trình biến đổi tự nhiên của loài bướm để “lột xác” thành hình hài xinh đẹp luôn là đề tài hấp dẫn các nhà khoa học vì sự độc đáo, kì thú trong từng giai đoạn phát triển của nó.
 
 
Vòng đời của một con bướm bắt đầu từ giai đoạn trứng. Bướm thường đẻ trứng trên lá những loại cây là thức ăn ưa thích của chúng. Trứng rất bé và có nhiều hình dạng khác nhàu nhưng chủ yếu là dạng hình cầu.
 
Ảnh một số loài trứng bướm lạ

Mặt đáy của trứng còn có một lớp keo dán đặc biệt nhanh chóng cứng rắn để giữ cố định quả trứng trên lá. Bản chất của loại keo này vẫn là một ẩn số chỉ biết là chúng rất cứng, không thể tách rời được.

Trứng “bám” rất chắc trên lá

Ngoài ra, trứng được bao bằng một lớp sáp mỏng ở bên ngoài gọi là màng đệm để ngăn sự bốc hơi của nước trước khi ấu trùng có thời gian để phát triển đầy đủ.

Giai đoạn trong trứng này kéo dài trong vài tuần cho đến khi trứng nở ra ấu trùng (sâu bướm).

Trứng lúc mới đầu và khi sắp nở ra ấu trùng

Bữa ăn đầu tiên của sâu bướm chính là vỏ trứng của mình. Sau đó, nó sẽ dành phần lớn thời gian để ăn lá cây. Một số ít loài sâu bướm là loài ăn sâu bọ.

Sâu bướm đang ăn lớp vỏ trứng của mình

Sâu bướm thay lông rất nhiều lần trong suốt quá trình phát triển và đôi cánh của chúng cũng bắt đầu được hình thành trong giai đoạn này nhưng chúng rất nhỏ, hầu như không nhận biết được.

 
Khi sâu bướm đã hoàn toàn lớn, chúng ngừng ăn và bắt đầu đi tìm chỗ thích hợp để hóa nhộng và thường là ở mặt dưới của lá. Sau đó, chúng bám chặt vào thể nền, rụng lông lần cuối cùng và hóa nhộng , giai đoạn này chúng chẳng ăn chẳng uống cũng chẳng động đậy.
 
Bắt đầu hóa nhộng

Nghe qua thì giống như chúng đang trong tình trạng “nghỉ ngơi” nhưng thực ra đây là giai đoạn biến đổi hoàn toàn thành hình dạng khi trưởng thành của loài bướm.

Qua mấy ngày, lớp vỏ ngoài của kén dần trở nên trong mờ, có thể nhìn mờ mờ cấu trúc bên trong thì đó là giai đoạn nhộng đã biến đổi hoàn toàn.

Kén lúc ban đầu
 
Bắt đầu phát triển, lớp vỏ cũng mờ dần
 
Đã thành hình

Bướm ở trong cọ lưng vào kén để tạo thành một lỗ thủng nhỏ và cựa mình chui ra. Nhưng ở giai đoạn này bướm chưa thể bay được vì cánh của chúng vẫn chưa mở ra hẳn.

Bướm ló mình ra khỏi kén

Những con bướm mới thoát khỏi lớp kén phải dành thời gian để bơm máu vào đôi cánh của chúng và đợi cho chúng trở nên khô ráo và cứng cáp. Giai đoạn này thường phải mất 3 giờ nhưng cũng có con chỉ mất khoảng 1 giờ. Đó là lúc bướm đã “lột xác” hoàn toàn, có thể giang đôi cánh đẹp đẽ của mình và vút bay cao.

“Lột xác” thôi!

Hầu hết các loài bướm ở giai đoạn trưởng thành của mình có thể sống từ một tuần đến gần một năm tùy thuộc vào loài. Chúng giao phối, đẻ trứng và lại bắt đầu một vòng đời mới.