Phát hiện mảnh xương đùi 10.000 năm tuổi

J, Theo Trí Thức Trẻ 10:52 08/09/2013

Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ học nhận định, xương đùi này có niên đại khoảng 10.000 năm tuổi.

Mới đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương đùi của một người ở phía Bắc nước Anh tại hang động ở Cumbria (Anh). Qua phân tích mảnh xương chân, các nhà khoa học đến từ ĐH Liverpool và ĐH Nottingham nhận thấy, đây là xương chân lâu đời nhất của người miền Bắc nước Anh từng được ghi nhận, có niên đại khoảng 10.000 năm.

Bên cạnh mảnh xương chân này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy xương ngựa và nai sừng tấm tồn tại ở thời kỳ Băng hà cuối cùng khoảng 10.000 năm trước đây.

Phát hiện mảnh xương đùi 10.000 năm tuổi 1
Mảnh xương chân được khai quật từ một hang động ở Cumbria có niên đại khoảng 10.000 năm tuổi.

Tiến sĩ Dave Wilkinson, nhà sinh thái học tại LJMU và là một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: "Đây được coi là bằng chứng sớm nhất cho con người ở phía Bắc nước Anh sau khi thời kỳ Băng hà kết thúc". 

Nghiên cứu sâu hơn bằng các xét nghiệm DNA, nhiều nhà khoa học nhận định, đây là xương của một người lớn. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định sẽ cần thời gian để phân tích hóa học trong xương, giúp xác định chính xác giới tính của bộ hài cốt này.

Phát hiện mảnh xương đùi 10.000 năm tuổi 2
Tiến sĩ Dave Wilkinson (trái) và Ian Smith (bên phải) trong phòng thí nghiệm xương tại ĐH Liverpool.

Nhà khảo cổ Ian Smith nói: "Xương đùi của bộ hài cốt mới phát hiện này và xương đùi được tìm thấy ở các hang động phía Nam nước Anh đã cho thấy có một vài điểm trùng lặp nhất định. Có khả năng, họ đã thực hiện nhiều nghi lễ giống nhau ở trong các hang động". Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để hiểu hơn về cuộc sống con người thời cổ xưa.

Những kết quả phân tích carbon phóng xạ của nghiên cứu này được công bố trong Tạp chí khoa học Quaternary, mở ra hy vọng trong việc nghiên cứu về nhân trắc học của người xưa.

(Nguồn tham khảo: Livescience)