Ký sinh trùng là sinh vật siêu nhỏ thường ký sinh trên cơ thể vật chủ nhằm hút chất dinh dưỡng hay hút máu vật chủ để sống.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ tự hỏi trên cơ thể mình có tồn tại loại ký sinh nào không? Danh sách dưới đây sẽ khiến bạn "hoảng hốt" bởi lượng ký sinh có thể đang sống trên cơ thể mình.
1. Ký sinh trùng Leishmania - ăn mòn cơ thể người
Loại ký sinh trùng đơn bào này là nguyên nhân gây ra căn bệnh nhiệt đen (Leishmania) - loại bệnh được truyền từ động vật sang người, chủ yếu là vết đốt của loài muỗi cát.
Sau khoảng thời gian ủ bệnh, ký sinh trùng này sẽ gây ra những vết đỏ lớn trên da, sau đó vùng da đốt chuyển màu đen. Bệnh nhân sẽ trải qua cơn sốt cao, mệt mỏi, thiếu máu.
Nếu không được chữa trị kịp thời, loại ký sinh trùng này sẽ ăn dần ăn mòn các tế bào miễn dịch, tạo cơ hội để những ký sinh trùng khác tấn công, có thể gây ra viêm phổi, tỷ lệ tử vong sẽ lên tới 100%.
2. Ký sinh trùng Loa Loa
Loa Loa là một trong ba loài giun tròn ký sinh trùng gây ra bệnh giun tròn ký sinh ở người. Chúng được quan sát rõ nhất khi di chuyển qua các mô kết mạc ở mắt, do đó, chúng còn có tên gọi là giun mắt châu Phi.
Qua nghiên cứu, các chuyên gia nhận thấy, loài ký sinh trùng này sẽ xâm nhập vào cơ thể người thông qua vết cắn của một chú ruồi nai.
Tuy không thực sự ảnh hưởng đến tầm nhìn của bệnh nhân nhưng khi Loa Loa di chuyển sẽ gây ra sự khó chịu, cộm mắt, đau đớn cho người bệnh.
Bên cạnh đó, ký sinh trùng Loa Loa luôn di chuyển tới nơi có mô cho đến khi trưởng thành. Khoảng thời gian này có thể kéo dài từ 1 - 4 năm, khi đã "lớn", chúng sẽ tiếp tục di chuyển ở các mô dưới da, giao phối và đẻ trứng.
3. Giun đũa (Ascaris lumbricoides)
Với chiều dài 15 - 35cm, đây là loài có kích thước lớn nhất trong những loài giun tròn ký sinh trong ruột người. Trứng của loài ký sinh trùng Ascaris lumbricoides nhiễm vào cơ thể người qua con đường ăn uống. Trứng sẽ nở và nhanh chóng xâm nhập vào thành ruột - môi trường thuận lợi giúp loài ký sinh này phát triển.
Từ thành ruột, Ascaris lumbricoides sẽ dần dần xâm nhập vào phổi - nơi chúng gây ra những cơn ho và rất có thể lại quay ngược lại ruột.
Khi ký sinh trong cơ thể người, giun đũa sẽ "hút" hết chất dinh dưỡng của cơ thể, gây ra những rối loạn tiêu hóa và rối loạn thần kinh ở trẻ nhỏ. Khi đó, người nhiễm giun đũa trở nên xanh xao, mệt mỏi, tiêu chảy...
4. Giun chỉ Onchocerca volvulus
Bệnh giun chỉ là bệnh gây ra do nhiễm phải một loại giun mang tên Onchocerca volvulus dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng trong mắt, làm tổn thương cấu trúc quan trọng và thường gây mù vĩnh viễn.
Ký sinh trùng dài khoảng 0,5m và có thể sống trong cơ thể người tới 15 năm.
Đây là căn bệnh khủng khiếp với mức gây mù lòa cao và xảy ra ở những cộng đồng có dịch bệnh này lan tràn. Bệnh này thường gây khủng hoảng trong cộng đồng do những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội mà nó gây ra.
Quá trình bệnh xảy ra khi một loại côn trùng truyền bệnh - loài ruồi đen (Simulium damnosum) chích vào da người để hút máu và truyền những ấu trùng giun chưa trưởng thành từ người bệnh sang những người khác.
Những ấu trùng này nhiễm vào cơ thể vật chủ mới, phát triển và tạo nên các đám ấu trùng trưởng thành dưới da có dạng như các nốt.
5. Ký sinh trùng Toxoplasma gondii - khiến con người dễ tự tử
Ký sinh trùng Toxoplasma gondii không chỉ cư trú trên mèo mà còn có thể sống trên bất kỳ động vật máu nóng nào. Con người có thể bị nhiễm ký sinh trùng T. gondii khi tiếp xúc với phân mèo, hoặc ăn thịt nấu chưa kỹ, rau chưa rửa.
Cận cảnh ký sinh trùng T. Gondii.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, loại ký sinh trùng này khi đã vào cơ thể thường xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương của con người, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như bệnh tâm thần phân liệt, loạn thần kinh chức năng và ung thư não.
Hầu hết mọi người đã tiếp xúc với ký sinh trùng Toxoplasma gondii này và sinh ra kháng thể miễn nhiễm với nó.
Nhưng một vài cá nhân có hệ miễn dịch yếu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến tử vong do nhiễm bệnh. Triệu chứng nhiễm bệnh thường là cúm, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu.
6. Ký sinh trùng gây bệnh ngủ Trypanosoma brucei
Ký sinh trùng Trypanosoma brucei chính là tác nhân gây ra bệnh ngủ châu Phi. Trypanosoma brucei là một trùng roi ký sinh trong máu, do ruồi Glossina truyền vào cơ thể qua véc-tơ truyền.
Ký sinh trùng Trypanosoma brucei sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm tổn thương hệ thần kinh người bệnh.
Giai đoạn đầu của bệnh, ký sinh trùng tăng sinh ở mô dưới da, máu và bạch huyết với dấu hiệu: sốt, nhức đầu, đau khớp và ngứa. Giai đoạn sau đó, ký sinh trùng vượt qua hàng rào máu - não để gây nhiễm cho hệ thần kinh trung ương.
Ở giai đoạn này, các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn: thay đổi hành vi, lú lẫn, rối loạn cảm giác, rối loạn giấc ngủ, ban đầu là đảo lộn nhịp ngủ, sau đó ngủ mê man. Nếu không được điều trị, bệnh nhân sẽ suy kiệt dẫn đến tử vong.
Nguồn: IFL Science