Nghiên cứu quái vật khổng lồ, phát hiện voọc quý ở Hà Giang

Lê Giang, Theo Mask Online 10:51 24/05/2012

Cùng các cập nhật: Dùng điện thoại nhiều có nguy cơ mắc bệnh ADHD, chó hiện đại bị "mất gốc"...


Kiểm tra gene của người khổng lồ bí ẩn 


Các nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford (Anh) và Bảo tàng Động vật Lausanne đang đề nghị những ai cho rằng quái vật khổng lồ bí ẩn thực sự tồn tại cung cấp bằng chứng để họ thực hiện giám định gene.

Nhà di truyền học Bryan Sykes ở Đại học Oxford nói: “Xin mời các nhà nghiên cứu sinh vật học bí hiểm đưa ra bằng chứng thay vì phàn nàn rằng khoa học đang phản đối những gì họ muốn nói". Sykes không hy vọng sẽ tìm được bằng chứng đáng tin cậy về Người Tuyết hay quái vật Bigfoot nào, nhưng ông vẫn cởi mở và sẵn sàng thu thập bằng chứng của các sinh vật đáng ngờ hoặc chưa từng được khám phá trước đây.

Dù những đồn đại về sinh vật khổng lồ bí hiểm được lưu truyền nhiều năm nay nhưng chưa ai đưa ra được bằng chứng chắc chắn.

Câu chuyện về quái vật đầy lông khổng lồ ở vùng núi Himalaya bắt đầu được mọi người truyền tai nhau vào năm 1951, khi nhà leo núi người Anh Eric Shipton kết thúc chuyến thám hiểm đỉnh Everest với một số bức ảnh chụp những vết chân khổng lồ trên tuyết. Sinh vật bí hiểm được gọi với nhiều tên khác nhau ở các vùng khác nhau, như Yeti hay Migoi ở vùng Himalaya, Bigfoot hay yêu quái khổng lồ ở Mỹ và Canada, Almasty ở vùng núi Caucasus, Orang Pendek ở Sumatra. Các câu chuyện về những sinh vật như thế luôn được lan truyền khắp thế giới kể từ đó đến nay, nhưng chưa có bằng chứng thực sự nào tồn tại. Vì thế, câu chuyện về chúng có vẻ như nói về động vật nào đó đã từng được biết đến.

Sykes không muốn chỉ nhận được các mẫu da, tóc bừa bãi, mà người giao mẫu vật còn phải gửi mô tả chi tiết về các mẫu Người Tuyết. Sau khi xem xét các chi tiết về đặc điểm, mô tả nguồn gốc và ý tưởng quanh mẫu vật, Sykes và các đồng nghiệp sẽ gửi mẫu thích hợp đi để nghiên cứu kỹ lưỡng. Một giả thuyết về Người Tuyết cho rằng, nó thuộc về một giống có hình dáng gần giống con người, như người Neanderthal hay Denisovan. Nhưng Sykes nói rằng ý tưởng này khó có thể chứng minh là sự thật.

(Nguồn tham khảo: Discovery)

Chó hiện đại bị "mất gốc"


Các nhà nghiên cứu Anh nói rằng, việc lai giống chó trong hàng ngàn năm qua đã khiến loài vật này trong thời hiện đại "bị tách rời" với tổ tiên cổ xưa của chúng. Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Durham (Anh) thừa nhận, kết quả phân tích cấu trúc di truyền của loài chó thời hiện đại cho thấy những giống chó hiện tại hầu như không có điểm chung với tổ tiên cổ xưa của chúng. Điều đó khiến việc lần ra nguồn gốc di truyền cổ của các con vật cưng ngày nay trở nên cực kỳ khó khăn.


Nhóm nghiên cứu cho biết, kết quả các cuộc nghiên cứu về di truyền cho thấy các giống chó như Akita, Afghan Hound và Chinese Shar-Pei, vốn thường được xếp loại “cổ”, chẳng gần gũi hơn với những con chó nhà đầu tiên bao nhiêu so với các giống chó khác. Điều này đã gây trở ngại cho việc xác định lịch sử ban đầu của việc thuần hóa chó bao gồm nơi chốn, thời điểm và số lần diễn ra. 

Chuyên gia sinh học tiến hóa Gregor Larsen nói:  “Loài vật đáng yêu này đã đồng hành với chúng ta qua mọi thời kỳ, châu lục. Song, trớ trêu thay, sự hiện diện khắp nơi của chó cùng với lịch sử bí ẩn của chúng đã khiến nguồn gốc của loài vật này trở nên mơ hồ và khiến chúng tôi khó biết được chó đã trở thành bằng hữu tốt nhất của con người như thế nào”. Ông cũng nhấn mạnh: “Tất cả các con chó đã trải qua nhiều lần lai giống đến mức chúng ta không thể lần dò ngược lại được những tổ tiên ban đầu của chúng”.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Phát hiện voọc mũi hếch quý hiếm ở Hà Giang


Tổ chức Bảo tồn Động Thực vật Quốc tế (FFI) tìm thấy một quần thể voọc mũi hếch quý hiếm tại rừng Khau Ca, tỉnh Hà Giang. Nhóm chuyên gia của FFI cho biết, họ thấy khoảng 80 con voọc mũi hếch, trong đó 16 con mới được sinh ra. Theo thông báo của FFI, loài linh trưởng nói chung, trong đó có voọc mũi hếch chỉ xuất hiện theo mùa nên sự hiện diện nhóm đông của loài này được cho là hiếm và là tin vui cho giới khoa học.

Voọc mũi hếch là một trong số 25 loài linh trưởng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu và là loài đặc hữu của Việt Nam. Hiện trên thế giới chỉ có bốn loài voọc mũi hếch, trong đó ba loài ở Trung Quốc và một loài sống ở nước ta.

Nhóm voọc tìm thấy ở Hà Giang.

Mặc dù pháp luật Việt Nam quy định nghiêm ngặt, chúng vẫn đang bị săn bắn và số lượng ngày càng giảm nghiêm trọng. Ước tính, chỉ còn khoảng 110 con voọc mũi hếch trong tự nhiên. Trong thời gian qua, các tổ chức bảo tồn thế giới như FFI, trường Đại học Colorado, các Vườn thú Denver, San Diego của Mỹ và sở thú Singapore là những đối tác hỗ trợ Việt Nam bảo vệ và tăng số lượng voọc mũi hếch ở Khau Ca.

Voọc mũi hếch có tên khoa học là Rhinopithecus strykeri. Chúng có bộ lông màu nâu đen, lông trên đầu và quanh mặt trắng nhạt. Chúng không có mào lông trên đỉnh đầu. Vùng ngực, bụng, mặt trong chi trước và chi sau có màu trắng mờ. Mảng lông trắng này kéo chùm ra phía bên ngoài khuỷu tay. Đuôi dài hơn thân, lông xù. Voọc con mới đẻ lông màu vàng nhạt, khi lớn chuyển màu như voọc trưởng thành.

(Nguồn tham khảo: Datviet)

Dùng điện thoại nhiều có nguy cơ mắc bệnh ADHD


Tạp chí Korean Daily News mới đưa tin, một nghiên cứu mới nhất của Viện nghiên cứu thông tin điện tử Hàn Quốc cho biết, thanh thiếu niên sử dụng điện thoại trong thời gian càng lâu thì càng có nguy cơ cao mắc bệnh ADHD (chứng rối loạn hành vi và thiếu chú ý).


Nghiên cứu cho thấy ở những người trẻ tuổi, lượng hấp thu bức xạ điện từ điện thoại di động cao hơn 40% so với người trưởng thành, điều này khiến họ dễ bị tổn hại do bức xạ điện từ gây ra. Ủy ban truyền thông Hàn Quốc - những người tiến hành cuộc điều tra này cho biết, để giảm thiểu những tổn hại do bức xạ điện từ của điện thoại di động gây ra, họ sẽ đặt ra quy chế hướng dẫn sử dụng điện thoại cho giới trẻ trong năm nay. Được biết, đây là bản báo cáo đầu tiên trên thế giới về mối liên hệ trực tiếp giữa sử dụng điện thoại di động và bệnh ADHD.

Mới đây, trên thế giới xuất hiện khá nhiều kết quả nghiên cứu cho rằng nồng độ chì trong máu càng cao thì tỉ lệ thanh niên mắc bệnh ADHD ngày càng lớn. Một giáo sư của Hàn Quốc cho biết, đối với những thanh niên có nồng độ chì trong máu cao hơn mức bình thường 50%, việc sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc chứng rối loạn hành vi và thiếu chú ý.

(Nguồn tham khảo: Vietnam+)