Như đã
đưa tin, vào 22h30 tối (28/9/2015) theo giờ Việt Nam, tại trụ sở NASA ở Washington, Mỹ - một buổi hội nghị khoa học nhằm công bố việc phát hiện ra nước lỏng trên bề mặt
Sao Hỏa được tổ chức.
Theo các chuyên gia của NASA, phát hiện này có bước ngoặt vô cùng lớn, nó mở ra một tương lai mới cho những cuộc thám hiểm vũ trụ sau này của loài người.
Bằng chứng cho thấy rằng có nước ở dạng lỏng trên bề mặt Sao Hỏa ngày nay
Jujendra Ojha - ứng viên tiến sĩ khoa học hành tinh ở Viện công nghệ Georgia chính là người khám phá có thể có nước mặn chảy trên Sao Hỏa năm 2011.
Lujendra Ojha cho biết, việc phát hiện ra những "sườn dốc biến thiên định kỳ" cùng hòn đá tạo nên từ muối lăn trên những vị trí này đã cho thấy dấu hiệu của dòng nước.
Bằng việc tìm hiểu các bức ảnh chụp bề mặt Sao Hỏa vào năm 2011, Jujendra Ojha nhận thấy sự chuyển động qua thời gian, giống như những dấu vết tạo thành của nước chảy.
Nước sao Hoả mặn hơn nước ở Trái đất
Phát biểu tiếp theo trong buổi họp báo: “Khả năng tồn tại sự sống trên Sao Hỏa luôn rất lớn. Tôi cho rằng bên trong bề mặt sao Hỏa có thể tồn tại một số loại vi khuẩn, nó có thể cư trú tại những vệt dài trên bề mặt Sao Hỏa”.
Bức ảnh đầu tiên mà robot thám hiểm tự hành Curiosity của NASA ghi lại được trên bề mặt Sao Hỏa.
Theo báo cáo của NASA, những vệt nước này chỉ xuất hiện khi nhiệt độ bề mặt Sao Hỏa vượt qua ngưỡng âm 23 độ C.
Ở nhiệt độ này nước vẫn ở dạng lỏng do sự xuất hiện của các loại muối đã hạ điểm đóng băng của nước xuống thấp hơn 0 độ C. Do đó, nước trên Sao Hỏa mặn hơn so với Trái đất.
Các vệt đen dài hơn 100m được cho là những dòng nước ngầm đang chảy trên Sao Hỏa.
Tuy vậy, nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy mạch nước này từ đâu ra? Nhà khoa học Alfred McEwen cho biết điều này hiện vẫn là bí ẩn đối với chúng ta. Còn theo nữ khoa học gia Mary Beth Wilhelm của NASA thì hơi nước có thể bị muối perchlorates giữ lại và khi đạt đến nhiệt độ thích hợp, hỗn hợp này sẽ có dạng nước.
Hình ảnh sau khi phân tích màu quang phổ cho thấy ngoài nước ở dạng lỏng thì Sao Hỏa còn có Pyroxen - khoáng vật silicat tạo đá quan trọng được tìm thấy trong các đá magma và đá biến chất.
Và hi vọng về sự sống tồn tại trên Sao Hỏa
Tiến sĩ - nhà khoa học ở NASA John Grunsfeld chia sẻ: “Những phát hiện này đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rõ hơn về Sao Hỏa và là một nguồn thông tin hữu ích cho những chuyến du hành vũ trụ trong tương lai.
Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ đưa con người lên sao Hỏa trong tương lai gần, thậm chí là có thể sống luôn trên hành tinh này”.
Jim Green - Giám đốc dự án hành tinh tại NASA không nêu cụ thể về khả năng tồn tại sự sống trên Sao Hỏa, nhưng ông tái khẳng định rằng sự sống trên Trái đất cần phải có nước.
Ông cho rằng dù chúng ta có thể chế tạo nhiên liệu cho tên lửa bằng những gì tìm thấy trên Sao Hỏa, nhưng phát hiện về nước mới là thứ gây chấn động.
Một bức hình khác ghi lại bề mặt Sao Hỏa bởi robot thám hiểm tự hành Curiosity vào tháng 8/2012.
Bên cạnh đó, nhà khoa học John Grunsfeld cho rằng NASA đã làm tất cả những gì có thể để làm sạch tàu vũ trụ họ phóng lên Sao Hỏa, nhưng không thể đảm bảo tất cả vi khuẩn của Trái đất được làm sạch trên thiết bị.
Chính vì vậy, NASA cần rất cẩn thận, không để cho nhiệm vụ tìm kiếm sự sống trên Sao Hỏa lại tìm thấy những gì từ Trái đất đem đến.
Nguồn: Telegraph