"Mắt chữ A, mồm chữ O" với hiện tượng thiên nhiên kỳ thú

Quốc Trung, Theo 00:00 10/10/2011

Bầu trời bị "xé toạc", sông băng màu xanh tuyệt đẹp và cuộc di cư lạ lùng của loài cua đỏ.

Bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên với những hiện tượng thiên thiên kỳ thú và sự hình thành hay ho của các địa danh trên Trái Đất!

1. Bão chớp ở cửa sông Catatumbo, Venezuela

Vào buổi tối tại cửa sông Catatumbo thuộc địa phận Venezuela, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy bầu trời bị “xé toạc” khoảng 150 – 200 lần mỗi phút bởi ánh chớp. Tuy vậy, hiện tượng này đặc biệt ở chỗ hầu như không có tiếng sấm đi kèm.


Ánh chớp "xé toang" màn đêm.

Giới khoa học gọi đây là hiện tượng “chớp Catatumbo” hay “lò sản xuất ozone” lớn nhất thế giới, được hình thành do khí ozone (O3) liên tục được sản sinh do tương tác của tia chớp với oxy trong khí quyển. Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng "chớp Catatumbo" xảy ra do sự tiếp xúc của các khối khí lạnh từ dãy Andes với không khí nóng ẩm từ khu vực hồ lân cận.




Ước tính, hiện tượng này xảy ra khoảng 150 đêm/năm, xuất hiện nhiều nhất trong khi độ ẩm môi trường lên cao.

2. Hồ Hắc ín ở Trinidad và Tobago

Đây là một trong những địa điểm tham quan kỳ thú nhất của quốc đảo Trinidad và Tobago, thuộc vùng biển Ca-ri-bê. Hồ Hắc ín rộng 40ha với bề mặt được bao phủ bởi một lớp hắc ín màu xám chì, thoạt nhìn trông rất giống một bãi đất sét hoặc lớp da voi nứt nẻ.



Có ý kiến cho rằng, chiếc hồ kỳ quái này là sự trừng phạt của Chúa đối với loài người. Nhưng đối với giới khoa học, đây là chiếc hồ hắc ín tự nhiên lớn nhất thế giới. Điểm sâu nhất của hồ đạt mức 90m, nơi hắc ín liên tục được bổ sung từ vết nứt ngầm dưới đáy hồ.

Mỗi ngày, có tới 300 tấn hắc ín tự nhiên được khai thác tại đây. Hắc ín có rất nhiều công dụng, từ việc trở thành chất keo ốp ván tàu, giúp chống thấm nước, trải đường cho đến thuốc xịt động vật.


Mặt hồ hắc ín.

3. Sông băng Lambert biến thành màu xanh ở Nam Cực

Lambert là sông băng dài nhất thế giới, mang theo trên mình 8% tổng lượng băng của Nam Cực. Sông băng này có chiều dài 400km và rộng tới 200km khi tiếp xúc với thềm băng Avery. Thềm băng này còn là một phần mở rộng của sông băng với những tảng băng màu xanh vỏ chai xen kẽ, được hình thành do chứa những hợp chất hữu cơ.





Mặc dù đây là một địa điểm du lịch hết sức kỳ thú song do hành trình kéo dài và tốn kém, mỗi năm chỉ có chừng 1 - 2 thuyền khách đến thăm vùng đất này.



4. Thung lũng khô cằn và hồ Don Juan ở Nam Cực băng tuyết

Nam Cực không chỉ có băng và tuyết. Sâu bên trong lục địa này còn là những thung lũng khô cằn, chiếm khoảng 3000km2 diện tích. Đây là nơi các nhà khoa học tìm ra dấu vết các loài tảo, nấm và vi khuẩn sống cách đây 200.000 năm trong đá.


Hồ Don Juan khi nhìn từ xa.

Địa chỉ độc đáo nhất vùng đất này có thể kể đến là hồ Don Juan. Gọi là hồ nhưng kích cỡ thực tế của nó chỉ như một chiếc ao nhỏ với độ sâu là 10 cm! Đây là vùng nước mặn nhất trên Trái Đất khi độ muối của hồ cao gấp 14 lần nước biển. Do vậy, nước trong hồ không hề đóng băng dù nhiệt độ bên ngoài là – 55° C.


Nhưng khi tiến lại, "hồ" Don Juan chỉ là một... vũng nước, không hơn không kém.

5. Cuộc di cư của loài cua đất đỏ, đảo Giáng Sinh - Úc

Loài cua đất đỏ trên đảo Giáng Sinh của Úc thường trú ngụ trong những khu rừng rậm. Rất hiếm khi con người có dịp trông thấy loài sinh vật này. Tuy nhiên, vào khoảng tháng 10 - 11 hàng năm, hơn 100 triệu cá thể cua đất đỏ sẽ tràn ra khỏi khu rừng, băng qua các con đường cao tốc của hòn đảo để hướng về đại dương.




Mục đích của cuộc di cư vĩ đại này nhằm giúp những con cua cái kịp đẻ trứng trên bờ biển Ấn Độ Dương đúng lúc nước triều lên.