Khám phá "quà tặng thiên nhiên": Rừng ngập mặn

Cá Thu, Theo 00:00 15/09/2011

Ở Việt Nam, rừng ngập mặn ở U Minh và khu sinh quyển Cần Giờ là điểm du lịch nổi tiếng đấy!

Rừng ngập mặn là gì? 
 
Rừng ngập mặn là một loại rừng ở những cửa sông lớn ven biển, nơi nước mặn hòa với nước ngọt. Khi nước triều lên, rừng cây sẽ bị ngập một phần, hay có khi toàn phần trong nước biển. Khi nước triều xuống, rừng lại hiện ra trên bãi đất.
 
 
Có bao nhiêu loại rừng ngập mặn? 
 
Chỉ riêng rừng ngập mặn thôi mà cũng có nhiều loại lắm nhé! Người ta thường dựa vào vị trí địa lý mà phân loại. Rừng ngập mặn Việt Nam có thể chia ra làm 4 khu vực và 12 tiểu khu như sau:
 
- Khu vực 1: Ven biển Đông Bắc, từ mũi Ngọc đến mũi Đồ Sơn.
 
- Khu vực 2: Ven biển đồng bằng Bắc Bộ, từ mũi Đồ Sơn đến mũi Lạch Trường.
 
- Khu vực 3: Ven biển Trung Bộ, từ mũi Lạch Trường đến mũi Vũng Tàu.
 
- Khu vực 4: Ven biển Nam Bộ, từ mũi Vũng Tàu đến mũi Nải – Hà Tiên. 
 
"Cây gì, con gì" sống ở đây? 
 
Thực vật ở đây là các loại cây có bộ rễ nơm như đước, sú, vẹt hay các loại tràm, mắm… Bên cạnh đó còn là các loài cây cỏ, cây bụi có khả năng sống trong điều kiện nước ngập mặn. Nơi đây cũng là vườn ươm cho các loài cá trong rạn san hô.
 
Quần thể thực vật ở rừng ngập mặn đều phải chịu được điều kiện nước mặn hòa với nước ngọt.
 
Hơn 80% các loại hải sản dành một phần đời của chúng để sống ở nơi này. Rất nhiều sinh vật biển sống trong rừng ngập mặn khi còn nhỏ bởi đó là mái nhà bảo vệ chúng trước những hiểm nguy trong lòng đại dương.
 
Nhiều loài giáp xác như tôm, cua… sinh ra ở biển khơi, ấu trùng được dòng chảy đưa vào rừng ngập mặn. Ở nơi đây, chúng sinh trưởng và phát triển. Đến khi trưởng thành, rừng ngập mặn lại là nơi cung cấp nguồn thức ăn vô cùng phong phú.
 
Các bức tranh miêu tả hệ sinh thái ở khu vực rừng ngập mặn.
 
Khi các loài thực vật trong rừng ngập mặn chết đi, chúng rơi xuống và được các vi sinh vật phân hủy thành bã mùn hữu cơ. Các bã mùn này được nước triều đưa ra biển, tham gia cấu thành nên lưới thức ăn cho các loài động vật. Đối với các loài chim di trú, rừng ngập mặn lại là nơi nghỉ ngơi, trú ẩn và tìm kiếm thức ăn giữa những cuộc hành trình dài.
 
Rừng ngập mặn là nơi cư trú của nhiều loài chim. 
 



  
Rễ cây ngập mặn thường phát triển chằng chịt. Đặc biệt, những quần thể thực vật tiên phong mọc dày đặc có tác dụng làm giảm vận tốc dòng chảy, tạo điều kiện cho trầm tích bồi tụ nhanh hơn ở các vùng cửa sông ven biển. Nếu người Hà Lan tiêu tốn biết bao tiền của để đắp đê biển thì Việt Nam ta lại đang có tấm chắn đê "sống" đấy!


Rừng ngập mặn góp phần quan trọng vào việc điều hòa khí hậu trong vùng. Bên cạnh đó, khi các chất độc hại và ô nhiễm từ các khu công nghiệp, đô thị thải vào sông suối, những chất này sẽ hòa tan trong nước hoặc lắng xuống đáy, sau đó được nước sông mang ra các vùng cửa sông ven biển. Nhưng tại đây, chúng sẽ "bị" rừng ngập mặn hấp thụ hết, tạo ra các hợp chất ít độc hại hơn đối với con người. Bạn hãy thử tưởng tượng mà xem, nếu không đi qua "bộ lọc" này, nguồn nước nhiễm độc sẽ gây tác hại ra sao đối với cuộc sống của chúng ta?
 
Rừng ngập mặn còn đóng vai trò như một "bộ lọc" hấp thu các hóa chất độc hại trong nước, bảo vệ cuộc sống con người.
 





Rừng ngập mặn đẹp lung linh trong thời điểm giao ngày.
 
Những khu rừng ngập mặn nổi tiếng
 
Rừng ngập mặn được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam có lẽ là rừng Quốc gia U Minh gồm hai phần là U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau.
 
Năm 2002, rừng U Minh được công nhận là vườn quốc gia với diện tích 8.053 ha, thuộc bộ phận của các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang, bán đảo Cà Mau. Đây được đánh giá là vườn quốc gia có giá trị độc nhất về kiểu rừng ngập mặn của Việt Nam và thế giới.
 
Rừng U Minh được đánh giá là độc đáo bậc nhất Thế giới.
  
Một rừng ngập mặn nổi tiếng khác cần phải nhắc đến là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Nhờ sự đa dạng về quần thể động - thực vật, nơi đây đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, trở thành liều thuốc hồi sinh cho Cần Giờ, vùng đất hoang hóa một thời do chất độc hóa học chiến tranh. 
 

 
Ngày 21/01/2000, khu rừng này đã được Chương trình Con người và Sinh Quyển - MAB của UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới.