Kỳ bí khung cảnh "ảo như tranh" ở sa mạc Namib

Shiva, Theo 12:00 28/11/2011

Đảm bảo sẽ khiến bạn thay đổi những định kiến về vùng đất khô cằn này đấy!

Có lẽ, khi nhắc đến miền sa mạc ở châu Phi, bạn sẽ nghĩ ngay đây là những nơi có khí hậu khắc nghiệt với những bãi cát khô cằn và cái nóng như thiêu đốt của mặt trời. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng nếu bạn thử nhìn ngắm những phong cảnh lạ lùng của Namib.

Sa mạc Namib được du khách tham quan bằng khinh khí cầu.


Cây sống ở sa mạc.

Sa mạc Namib là sa mạc lớn nhất của nước Namibia và miền Tây Nam Angola, thuộc vườn quốc gia Namib - Naukluft lớn nhất châu Phi. Tên "Namib" trong tiếng Nama có nghĩa là "to lớn". Dù không thể lớn như Sahara nhưng đây lại là sa mạc "nhiều tuổi" nhất thế giới (khoảng 80 triệu năm) và có diện tích khoảng 55.000km² (chiều dài 1.500km và chiều rộng khoảng từ 80km đến 160km dọc theo bờ biển Đại Tây Dương).

Những đụn cát của sa mạc Namib nối tiếp bờ biển Đại Tây Dương.


Nhiệt độ ban đêm trung bình là 0°C và nhiệt độ ban ngày trung bình là 50°C. Với nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn như vậy, sa mạc Namib là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật lạ lùng nhất trên thế giới.

Những loại cây sống trong sa mạc có khả năng sinh tồn mạnh mẽ, sống chủ yếu nhờ những hơi nước còn đọng lại từ sương mù được gió biển thổi vào.


Một số loài động vật và thực vật khác thường đã được tìm thấy tại sa mạc này. Trong số đó, nổi bật hơn cả, có thể kể đến Welwitschia Nirabilis vốn là loại cây bụi mọc hoang dại, có 2 dây leo phát triển liên tục trong suốt thời gian tồn tại. Loại dây leo này có thể dài cả mét, sống bám trên cây và có thể tự xoắn lại trước những cơn gió sa mạc.


Quần thể động vật tại Namib hầu hết là động vật chân khớp và động vật nhỏ, những loài có thể sống ở các khu vực khô cằn. Ngoài ra, cũng có thêm một số loài động vật lớn và đặc trưng khác như linh dương sừng kiếm, đà điểu châu Phi hay voi ở một số vùng sa mạc đặc biệt. Namib là sa mạc duy nhất trên thế giới có loài voi sinh sống.


Hai chú voi trong một buổi chiều tà ở sa mạc.

Đàn đà điểu châu Phi sinh sống ở sa mạc.

Một chú báo đang trên đường đi săn mồi.


Ở sa mạc Namib còn có Sossusfley – vùng đất rộng lớn tại khu vực trung tâm phía ven biển - được biết đến là cồn cát đỏ lớn nhất thế giới. Với chiều cao có thể lên đến 400m, trong suốt thời kỳ ẩm ướt (wet period), khu vực này thường được lấp đầy bởi nước sông Tsohab vào tháng 2. Loại thực vật chính ở Sossusfleya là cây keo lạc đà (Acacia erioloba). Người ta thường gọi Sossusfley bằng một cái tên khác Dead Fley vì nơi đây như một đầm lầy chết, có khung cảnh chụp lên kỳ bí như những tranh vẽ.



Những bức ảnh chụp cây keo lạc đà ở Sossusfley làm người ta gợi nhớ đến vẻ kỳ bí trong những bức tranh cổ quái.