Giật mình với cảnh động đất ở New Zealand

QV, Theo 00:02 05/09/2010

Hậu quả rất ghê gớm, vì thế teen cũng nên biết cách đề phòng nhé.

Một trận động đất đã tàn phá miền trung New Zealand vào lúc 4h35’ ngày 4/9 hôm qua theo giờ địa phương.
 
 
Tình trạng khẩn cấp đã được thông báo tại Christchurch, thành phố lớn thứ 2 của New Zealand, sau khi một trận động đất mạnh xảy ra vào sáng sớm thứ 7.
 
 
Trận động đất, được Thị trưởng Bob Parker mô tả là kéo dài chưa đến một phút, nhưng kéo theo vài cơn dư chấn sau đó làm rung chuyển thành phố.
 

Trận động đất làm thiệt hại phần lớn các toà nhà, và phần diện tích thành phố bị mất điện nước lên đến 360 km.
 
 
Mặc dù không có ghi nhận thiệt hại về người nhưng có 2 người bị thương rất nghiêm trọng.
 
 
Trận động đất mạnh 7.0 độ Richter này là một trong những trận mạnh nhất từng được ghi nhận tại New Zealand, gây hư hại phần lớn hệ thống giao thông của thành phố.
 
Giờ thì thật khó để có thể lái xe vào trạm xăng này! 
 
Mặc dù chính quyền không ra bất kỳ cảnh báo về sóng thần nào, nhưng rất nhiều người dân sống đã sơ tán khỏi khu vực ven biển. Mỗi năm, có khoảng 14.000 trận động đất lớn nhỏ xảy ra tại New Zealand, với khoảng 20 trận mạnh trên 5.0 độ richter. Trận động đất mạnh 7.1 độ richter đã xảy ra vào năm 1968 tại phía Tây South Island, làm 3 người thiệt mạng.
 
Bên lề một tí nhé, bạn sẽ làm gì khi khu vực mình đang ở xảy ra động đất? Nếu chưa biết thì làm theo hướng dẫn dưới đây nhé, không hề thừa đâu!
 
Trước động đất
 
Những vật dụng trong nhà nên được cố định vững chắc. Những thứ như tivi, gương, máy tính, v.v. nên được dán chặt vào tường để khi lung lay cũng không rơi xuống đất gây ra thương tích.
 
Đặt các đồ đạc nặng trong nhà như kệ sách, tủ chén, v.v... xa khỏi các cửa và những nơi thường lui tới để khi chúng đổ xuống vẫn không làm cản trở lối ra.
 
Vật dụng nhà bếp cũng nên được dính chặt vào mặt đất, tường, hay mặt bàn.
 
Những vật nặng hay dễ vỡ nên để gần mặt đất.
 
Dự trữ nước uống, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, băng, thuốc men. Thay đổi chúng thường xuyên khi hết hạn.
 
Chọn một nơi tụ họp gia đình nếu mọi người không ở cùng nơi khi động đất xảy ra.
 
Trong lúc động đất
 
Nếu động đất xảy ra trong lúc bạn ở nhà, chui xuống một gầm bàn lớn hay giường nếu nó chắc chắn và có thể chịu được lực rơi đáng kể. Như thế khi nhà sập vẫn có khí thở.
 
Nếu không có gầm bàn thì tìm góc phòng hay cửa mà đứng. Tránh cửa kính.
 
Tránh xa những vật có thể rơi xuống.
 
Che mặt và đầu để khỏi bị các mảnh vụn trúng.
 
Nếu mất điện (trường hợp này gần như chắc chắn sẽ xảy ra luôn!), dùng đèn pin. Đừng dùng nến hay diêm vì chúng có thể gây hỏa hoạn.
 
Nếu động đất xảy ra trong lúc ở ngoài đường, tránh xa các tòa nhà và dây điện. Tìm chỗ trống mà đứng.
 
Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, ngừng xe ở lề đường. Tránh các cột điện, dây điện, và đường cầu.
 
Đăc biệt, nếu đang ở trong các tòa nhà cao tầng:
 
Tuyệt đối không được dùng thang máy vì khi có động đất thì hay kèm theo mất điện và nếu dùng thang máy thì sẽ bị kẹt.
 
Cũng nên tránh xa các khu vực có cửa kính, đèn điện treo.
 
Nghiên cứu cho thấy có khá nhiều người bị thương là do cố ra khỏi tòa nhà cao tầng ngay lập tức hoặc chạy sang các chỗ khác cùng tòa nhà. Hầu hết thương vong liên quan tới động đất do bị tường đổ, các mảnh kính bị vỡ và văng vào người.
 
Sau động đất
 
Kiểm tra thử xem có ai bị thương không. Đừng di chuyển người bị thương trừ khi họ ở gần dây điện hay những nguy hiểm khác. Gọi cấp cứu nếu có người tắt thở. Nếu bị nhà sập, gây tiếng động để kêu cứu.
 
Chuẩn bị cho các dư chấn kèm theo về sau, những trận động đất nối tiếp trận động đất vừa xảy ra. Tuy chúng nhỏ hơn, chúng vẫn có thể gây ra thương tích.
 
Mở ngay các phương tiện truyền thông có thể sử dụng lúc ấy để xem có tin tức gì khẩn cấp không.
 
Động đất có thể làm đứt dây điện, gas, hay nước. Nếu ngửi thấy có mùi hôi, mở cửa sổ và tắt đường gas, thông báo ngay với các cơ quan có trách nhiệm.
 
Đến nơi đã hẹn với gia đình và người thân để tụ họp.