Giả thuyết lời nguyền xác ướp, ảo ảnh "hãm hại" tàu Titanic

A, Theo Mask Online 10:36 15/04/2012

Tất-tần-tật cập nhật về Titanic trong ngày kỷ niệm 100 năm thảm họa - 15/4.

Những giả thuyết kỳ lạ về thảm họa Titanic


Tàu Titanic đã đâm vào một tảng băng trôi vào rạng sáng ngày 15/4/1912. Giả thuyết chính thức cho rằng con tàu đã đi với tốc độ cao và va chạm với tảng băng. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp nhận điều này. Sau đây là 6 giả thuyết khác do những người thích tìm hiểu về bí ẩn thảm họa Titanic đưa ra.


Tàu Titanic.

Hỏa hoạn

Giả thuyết cho rằng, lửa đã bắt đầu cháy bên trong hầm than từ trước khi Titanic ra khơi. Cuối cùng, hỏa hoạn đã gây ra một vụ nổ và khiến tàu đâm vào tảng băng trôi. Ray Boston, người nghiên cứu về tàu Titanic suốt 20 năm qua, cho rằng lửa đã cháy bên trong khoang thứ 6 vào ngày 2/4 và người ta đã không thể dập tắt. Chủ tàu, John Pierpont Morgan, quyết định để tàu Titanic chạy nhanh đến New York, cho khách xuống tàu, rồi sau đó dập lửa. Chính vì vậy, theo ông, tàu đã được cho ra khơi với một đám cháy. Có thể đây là lý do khiến thuyền trưởng Edward John Smith từng lo sợ tàu có thể bị nổ tung trước khi đến New York. Đó cũng là lý do vì sao Titanic chạy với tốc độ cao vào ban đêm, khi nguy cơ đâm phải băng đặc biệt lớn, bất chấp cảnh báo về băng trôi.

Tàu ngầm Đức tấn công

Một số người tin rằng băng trôi không thể đánh chìm con tàu huyền thoại, mà nó bị tàu ngầm của Đức phá hủy bằng ngư lôi. Chỉ huy tàu ngầm Đức được cho là có liên quan đến một trong những chủ nhân của Titanic. Nhưng giả thuyết này không có nhiều bằng chứng thuyết phục. Cả hành khách và thủy thủ đoàn sống sót không hề nhận thấy có ngư lôi lao vào tàu.

Lời nguyền xác ướp

Lord Canterville, nhà sử học đi trên tàu Titanic, đã mang theo một chiếc quách chứa xác ướp của một nữ tu (có tài liệu cho rằng là của một nữ hoàng) Ai Cập cổ đại. Do xác ướp có giá trị lịch sử và văn hóa lớn, người ta cho rằng nó nên được đặt gần đài chỉ huy của thuyền trưởng, thay vì trong khoang chứa hàng. Những người ủng hộ giả thuyết này cho rằng xác ướp đã gây tác động đến quyết định của thuyền trưởng Smith. Kết quả là ông đã không quan tâm đến vô số cảnh báo về băng, không cho con tàu chạy chậm lại.

Lái tàu mắc sai lầm

Trong cuốn tiểu thuyết Good as Gold, Lady Louise Patten, cháu gái của sĩ quan cấp cao Charles Lightoller trên tàu Titanic, cho biết thủy thủ đoàn đã dành nhiều thời gian để tránh băng trôi. Tuy nhiên, hạ sĩ quan Robert Hichens, người cầm lái, đã hoảng loạn và lái tàu nhầm hướng, khiến tàu đâm phải tảng băng trôi. Thông tin này đã được gia đình Lightoller, sĩ quan cấp cao nhất sống sót trong vụ đắm tàu, giữ bí mật gần 100 năm sau. Trên thực tế, Lightoller là người duy nhất biết sự thật, nhưng che giấu thông tin do sợ chủ tàu White Star Line có thể bị phá sản. Người vợ Sylvia sau này biết sự thật đã kể lại cho cháu gái. Theo Lady Patten, tàu Titanic đã chìm rất nhanh bởi nó không thể giảm tốc độ ngay sau vụ va chạm.

Titanic muốn giành giải thưởng

Có giả thuyết cho rằng Titanic muốn giành giải Blue Riband, giải thưởng danh giá cho tàu vượt Bắc Đại Tây Dương nhanh nhất. Có rất nhiều người ủng hộ giả thuyết này, trong đó có nhiều nhà văn. Năm 1912, giải thưởng này được tàu RMS Mauretania của hãng Cunard Line (Anh) nắm giữ. Cunard là đối thủ chính của White Star Line. Nhiều người cho rằng Bruce Ismay, Chủ tịch của White Star Line, đã thuyết phục thuyền trưởng Smith đến New York sớm hơn 1 ngày so với dự kiến để có thể giành giải thưởng. Đó là lý do vì sao Titanic chạy nhanh trong vùng biển nổi tiếng nguy hiểm. Nhưng giả thuyết bị bác bỏ bởi Titanic không thể đạt đến tốc độ phá kỷ lục 26 hải lý như RMS Mauretania.


Một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy tảng băng làm chìm tàu Titanic đã bị đẩy vào lộ trình tử thần đó bởi hiện tượng Mặt trăng đến gần Trái đất nhất trong vòng 1.400 năm. Theo đó, hiện tượng này đã tạo ra siêu thủy triều vào ngày 12/1/1912, làm ngập và cuốn trôi cả một vùng băng rộng lớn ở ngoài khơi Canada, khiến chúng trôi nổi về phía nam 3 tháng trước khi xảy ra thảm họa Titanic. Chính siêu thủy triều đã đánh bật một lượng lớn băng trôi ra khỏi các vùng nước nông ở Labrador và Newfoundland, cuốn chúng vào các dòng chảy đang nam tiến và “nhảy xổ” vào đường đi của tàu Titanic.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Nghiên cứu phụ nữ thường gặp bất lợi khi đắm tàu


Các nhà nghiên cứu tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) đã dựa trên những người sống sót từ 18 thảm họa hàng hải trong ba thế kỷ qua để chỉ ra rằng, việc ưu tiên cứu phụ nữ và trẻ em khi tàu chìm phần lớn chỉ là huyền thoại, ngược lại, phụ nữ thường gặp bất lợi khi xảy ra thảm họa chìm tàu. Trong khi đó, thuyền trưởng và các nhân viên trên tàu lại có tỷ lệ sống sót cao hơn.

Thảm họa đắm tàu Titanic cách đây 100 năm được xem là một ngoại lệ hiếm hoi vì thuyền trưởng đã đe dọa bắn chết những người không tuân theo mệnh lệnh, đó là để phụ nữ và trẻ em xuống thuyền cứu sinh trước. Tuy nhiên, ưu tiên cho phụ nữ và trẻ em vẫn là quy tắc thông dụng trong trường hợp khẩn cấp.


Vụ đắm tàu HMS Birkenhead vào ngày 26/2/1852 được xem là khởi đầu cho ý tưởng ưu tiên cứu phụ nữ và trẻ em. Do có quá ít thuyền cứu sinh trên tàu nên phụ nữ và trẻ em được ưu tiên trong khi đàn ông phải tự bơi trên biển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết thì mỗi người đàn ông lại tự lo cho mình. Trong khi đó, phụ nữ và trẻ em không đủ khả năng tự lo mà luôn phải trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần I, khoảng cách giới trong tỷ lệ tử vong vì thảm họa đắm tàu đã được thu hẹp. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ và trẻ em đã được ưu tiên hơn.

(Nguồn tham khảo: BBC)

Nguyên nhân bí ẩn khiến Titanic bị chìm


Theo James Delgado - giám đốc di sản hàng hải tại quan Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) cho biết, những giả thuyết và nghiên cứu mới rất quan trọng, nhưng điều cơ bản nhất vẫn là do thuyền trưởng không chú ý đến cảnh báo về các tảng băng trôi và con thuyền đã đi quá nhanh.
 

Một trong những giả thuyết đưa ra nói rằng, Titanic có lẽ đã trở thành nạn nhân của một ảo ảnh tương tự như thứ mọi người thường nhìn thấy khi sắp chết khát trên sa mạc. Đây là giả thuyết của nhà sử học Tim Maltin, người từng viết 3 cuốn sách về con tàu huyền thoại, đưa ra. Cuốn sách mới nhất, với tựa đề “A Very Deceiving Night” cho rằng, bầu khí quyển đã đánh lừa thủy thủ đoàn Titanic trong một đêm trời không một gợn mây. Không khí trên biển lạnh bất thường khiến ánh sáng bị bẻ cong xuống dưới. Sĩ quan đầu tiên của Titanic, William McMaster Murdoch nhìn thấy thứ mà ông mô tả là “mây mù ở đường chân trời và tảng băng xuất hiện ngay chỗ sương mù đó”. 

Những con tàu khác, cả những người sống sót sau vụ đắm tàu nói rằng, họ nhìn thấy quang cảnh rất lạ và họ gặp khó khăn trong việc tìm đường đi quanh các tảng băng trôi. Các nhà khí tượng học của Anh sau đó đã theo dõi địa điểm của sự đảo nhiệt và nói rằng, họ phát hiện hiện tượng đảo nhiệt trong 60% thời gian họ kiểm tra. Quá trình đảo nhiệt tương tự có lẽ đã khiến những tín hiệu cứu hộ Titanic phát ra trông có vẻ thấp hơn, khiến nhân viên trên một tàu cứu nói rằng, họ có cảm tưởng tàu Titanic trông có vẻ bé hơn và cách xa hơn thực tế. 


Nhà vật lý Donald Olson và Russell Doescher tại - Texas đưa ra một giả thuyết trên tạp chí Sky & Telescope (Bầu trời và Kính thiên văn) tương đồng với giả thuyết của Maltin. Olson - người luôn gắn các sự kiện lịch sử với yếu tố thiên văn nói rằng, vài tháng trước khi xảy ra đắm tàu, Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng nằm thẳng hàng, tạo thêm lực kéo đối với thủy triều trên Trái đất. Trái đất gần Mặt trăng hơn so với cả thời kỳ 1.400 năm trước đó. 

Giả thuyết của họ dựa trên các ghi chép lịch sử và thiên văn, cùng với nghiên cứu năm 1978 bởi một chuyên gia về thủy triều.  Họ cho rằng, những đợt thủy triều bất thường khiến mảng băng ở Greenland tách ra tách ra nhiều tảng băng. Những tảng băng này bị tắc ở khu vực gần Labrador và Newfoundland, nhưng sau đó lại từ từ trôi về phương nam, rồi trôi vào đường đi của tàu Titanic. Maltin nói rằng những tảng băng trôi cũng đưa thêm dòng nước cực kỳ lạnh vào khu vực này, khiến hiệu ứng ảo ảnh lại càng được phóng đại. 

Lee Clarke, chuyên gia thiên tai ở Đại học Rutgers và là tác giả của cuốn sách “Worst Cases”, nhận xét, có thể có thủy triều và ảo ảnh bất thường vào thời gian đó, nhưng sự thật cơ bản không thể chối cãi vần là con tàu đi quá nhanh trong vùng nước nguy hiểm, “Nếu Titanic dừng lại vào đêm đó vì có băng giống như tàu Californian của Anh thì “thủy triều và ảo ảnh” cũng không gây ra vấn đề gì".

Chuyên gia thảm họa Charles Perrow ở Đại học Yale nói rằng, lý thuyết về ảo ảnh có thể đúng, vì không khí lạnh từng là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay năm 1979 ở Nam Cực, mà trước đó người ta cho rằng đó là lỗi của phi công. 

(Nguồn tham khảo: Datviet)

* Và cuối cùng là một hình ảnh độc đáo - hình xăm tưởng niệm 100 năm thảm họa Titanic của một người đàn ông tên Derek Chambers: