“Tôn sư trọng đạo” là một trong những truyền thống vô cùng đáng quý của Việt Nam từ ngàn đời nay. Nhân dịp kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, hãy cùng nhìn lại đôi điều thú vị về hệ thống giáo dục thời xưa trên đất nước ta.
Trong suốt thời kỳ từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, nền giáo dục của nước ta đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Nho học từ Trung Quốc. Chữ Nho được dùng như loại chữ chính thống trong nhà trường, thi cử cho tới khi Pháp đô hộ nước ta.
Vào thời kì này, chỉ có duy nhất đàn ông được trở thành thầy giáo và được gọi là thầy đồ. Họ là những nhà Nho có học vấn uyên thâm, có thể đỗ đạt hoặc không, nhưng đều yêu thích nghiệp “gõ đầu trẻ”.
Yêu cầu đối với một thầy đồ là vô cùng khắt khe, quy củ: Họ phải là người phải có cuộc sống đạo đức, gương mẫu, được môn sinh và dân chúng địa phương kính trọng hết mực.
Có điều đặc biệt là mỗi môn sinh vào thời đó chỉ có duy nhất một thầy mà thôi. Thầy đồ đóng vai trò rất lớn trong việc nuôi dạy một con người, cả về học thức lẫn lễ giáo.
Có lẽ vì thế mà người xưa đã từng tổng kết: “Quân”, “Sư”, “Phụ”, có nghĩa là trước phải kính vua, sau là thầy và thứ ba là cha.
Cha mẹ muốn con mình theo học thầy đồ đều chuẩn bị, sắm sửa lễ vật cho đúng với lễ giáo, quy tắc của đạo Nho. Lễ vật bao gồm: cau, trầu, rượu, hương, đèn, xôi, gà để làm lễ trước bàn thờ Khổng Tử rồi mới được nhận vào học.
Trường học thời xưa cũng vô cùng khác so với hiện nay. Trường không do triều đình mở ra mà được dựng ngay trong khuôn viên nhà thầy giáo hoặc trong các đình làng, tùy vào hoàn cảnh mỗi nơi.
Thông thường, trường là một ngôi nhà lớn, bề ngang độ chín, mười thước, bề dọc độ ba bốn mươi thước.
Trong trường được đặt những phản gỗ hay giường tre cao khoản bốn, năm tấc, sắp xếp gần nhau để học sinh cùng một lớp ngồi cạnh nhau học bài hoặc tập viết. Một trường có từ 30 cho đến trên 100 học trò.
Trong một lớp học, học sinh học cùng với nhau được gọi là đồng môn. Mỗi lớp đều có một người gọi là trưởng tràng, thường là người có địa vị trong làng do thầy chỉ định hoặc do các học trò cùng bầu ra để lo sinh hoạt của lớp.
Chương trình học tập được chia làm 4 cấp Ấu học, Sơ học, Trung học, Cao học. Đối với học sinh thời đó: Tam tự kinh, Tứ thư, Ngũ kinh được coi là những cuốn sách gối đầu giường từ thuở còn tấm bé cho tới khi trưởng thành.
Tam tự kinh là cuốn sách dạy vỡ lòng cho trẻ con mới bắt đầu đi học. Sách gồm tập hợp những câu ngắn gọn đơn giản, chỉ có 3 chữ để dễ học.
Nội dung sách bao trùm khá nhiều lĩnh vực, từ đạo đức, cuộc sống cho tới địa lý, lịch sử được nhà Nho - Vương Ứng Lân người Trung Quốc biên soạn vào đời nhà Tống (năm 960 - 1279).
Chế độ thi cử cũng rất tập trung và nghiêm ngặt. Không tồn tại những kì thi học kì, hay kiểm tra một tiết như ngày nay, mà các cuộc thi đều được diễn ra từ cấp vùng cho tới cả nước.
Cụ thể, từ thời Lê sơ (1428 – 1528), người xưa đã đặt ra ba kì thi theo mức độ tăng tiến dần để tuyển chọn người tài phục vụ đất nước là thi Hương, thi Hội, thi Đình.
Các kì thi diễn ra định kì 3 năm một lần và đồng loạt trên cả nước. Thí sinh thi tập trung tại trường thi, thường là ở các tỉnh lớn, trong một khu đất rộng, bằng phẳng rộng hàng trăm mẫu.
Số lượng thí sinh thường rất đông, ví như kì thi Hương năm 1894, có tới 11.000 học trò từ khắp nơi tới dự thi trường thi ở Nam Định.
Trường đại học đầu tiên của nước ta chính là Quốc Tử Giám ở Hà Nội, được xây dựng vào năm 1076, thuộc đời nhà Lý. Người đầu tiên giữ chức Tu nghiệp Quốc Tử Giám (tương đường hiệu trưởng trường đại học ngày nay) chính là thầy đồ, nhà nho nổi tiếng Chu Văn An.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: AsiaFinest, Wikipedia, Advite...
Bạn có thể xem thêm: