Điểm mặt những loài chim bé nhỏ mà... có độc

Jeanny, Theo 00:00 23/05/2011

Thêm một điều kỳ thú nữa của tự nhiên mà rất ít người biết đến.

Trái với suy nghĩ thông thường của chúng ta về loài sinh vật hiền lành, bé nhỏ, vô hại này, những loài chim đặc biệt dưới đây “trang bị” chất độc trong cơ thể như một phương thức tự vệ chống lại những kẻ săn mồi. Chúng không có khả năng tiêm nọc độc nhưng lại rất nguy hiểm khi ăn hoặc chạm vào. Nguồn gốc chất độc trong người là do loại thức ăn mà chúng ăn hàng ngày, thường là các loại côn trùng độc hại.

1. Pitohui

 
Loại chim này được tìm thấy ở New Guinea, thuộc họ chim Pacycephalidae. Chúng có bộ lông với màu sắc sặc sỡ và là loài ăn tạp. Ở đây, người ta gọi chúng là loài chim “rác” vì thứ mùi hôi đặc trưng trên người.

Ăn thịt chim này có vị đắng khó chịu và có thể gây bệnh. Đây là loài chim đầu tiên được giới khoa học phát hiện là mang trong mình loại độc batrachotoxin (khiến người gặp nạn tê liệt, chảy máu nội bộ, các cơ quan bị huỷ hoại và chết dần chết mòn). Hiện nay có 6 loài chim thuộc giống Pitohui và nguy hiểm nhất là loài Hooded Pitohui.

2. Blue-capped Ifrita

 
Loài chim này được tìm thấy tại khu vực rừng mưa nhiệt đới cũng tại New Guinea. Chúng có bộ lông màu vàng nâu và phần đỉnh đầu có màu đen pha nâu hết sức nổi bật. Thức ăn ưa thích của chúng là các loài côn trùng có độc nên da và lông của chúng đặc biệt nguy hiểm. Khi chạm vào loài chim này bạn sẽ cảm thấy tê và ngứa ran. Cái tên “Blue-capped Ifrita” có nguồn gốc trong tiếng địa phương là “slek-yakt” hay chim đắng.

3. Little Shrikethrush

 
Loài chim bé nhỏ xinh xinh này nhìn vậy mà mang trong mình loại chất độc batratoxin-A rất nguy hiểm. Thuộc họ nhà Colluricinclidae, chúng được tìm thấy nhiều ở các rừng nhiệt đới tại New Guinea, Úc và Indonesia.

4. Ngỗng cựa cánh

 
Loài ngỗng đặc biệt này thuộc họ nhà Anatidae, họ hàng gần với loài ngỗng thông thường và loài vịt hoang (shelduck) thường sống ở vùng ven biển tuy nhiên mang nhiều đặc điểm khác biệt.

Chúng được tìm thấy ở vùng đầm lầy tại Sahara ở châu Phi. Đây là loài ngỗng lớn nhất trên thế giới với con trưởng thành có chiều dài là từ 75-115 cm và cân nặng là 4-6,8 kg, trong đó kích thước của con đực lớn hơn con cái. Chúng có bộ lông màu đen với phần mặt trắng, trên da và mô tế bào có độc do thức ăn ưa thích là loài bọ cánh cứng độc.

5. Chim cút thường

 
Đây là một loài chim nhỏ (khoảng 17 cm) thuộc họ nhà Phasianidae, được tìm thấy rất nhiều ở các châu lục. Điểm đặc biệt là dù có đôi cánh dài nhưng chúng thích “đi lại” hơn là bay. Con đực được phân biệt vì có cằm màu trắng. Chúng cũng mang độc trong người, tuy nhiên chỉ vào một số thời điểm nhất định trong năm hoặc trong lúc đi di trú nên người ta khuyến cáo không nên săn bắn chúng trong giai đoạn này.

6. Vẹt đuôi dài Carolina

 
Đây là đại diện duy nhất của loài chim độc đến từ Bắc Mỹ. Người ta phát hiện thấy những con thú nhỏ đều bị chết khi ăn loài chim này. Nguyên nhân là do thức ăn ưa thích của chúng là hạt cây cocklebur rất độc. Loài chim này đã bị tuyệt chủng vào đầu những năm 1900 do nhiều lý do khác nhau.