Đi tìm sự thật về "ấu trùng quái vật"

Lê Giang, Theo Mask Online 10:36 29/08/2012

Cùng các cập nhật: Gián phát sáng để đánh lừa kẻ thù, phát hiện côn trùng cổ đại nhất thế giới, côn trùng tắm nắng để phòng bệnh...

Đi tìm sự thật về "ấu trùng quái vật"


Mới đây, nhà sinh vật học Keith Crandall ở ĐH George Washington đã giải mã được thứ gọi là “ấu trùng quái vật” được tìm thấy trong ruột cá là gì và những sinh vật mình dày đó có phải đã trưởng thành hay không. 

Ấu trùng Cerataspis monstrosa thực ra chính là “thời thơ ấu” của một loài tôm Plesiopenaeus armatus sống dưới tầng nước sâu. 

di-tim-su-that-ve-au-trung-quai-vat
Ấu trùng có hình thù kỳ dị (trái) chính là một loài tôm (phải).

Ấu trùng C. monstrosa có mình dày nằm trong lớp áo giáp và có những cái râu khác lạ và quái dị. 

Cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây đen và cá heo rất thích loài động vật “kỳ quái và chẳng ra hình dáng gì” của C. monstrosa nên các nhà khoa học tìm thấy rất nhiều ấu trùng này trong ruột chúng. Khi trưởng thành, loài tôm Plesiopenaeus sống ở Đại Tây Dương trông gần giống tôm hùm. 

Nhà sinh vật học Crandall thu thập thông tin ADN của các loài giáp xác từ nhiều năm nay, tạo cơ sở dữ liệu để so sánh gen của Cerataspis và Plesiopenaeus. Họ tìm ra rằng 99,96% trình tự 5 gene của hai sinh vật này là giống nhau. 

(Nguồn tham khảo: Datviet/Livescience)

Phát hiện côn trùng cổ đại nhất thế giới


Các nhà khoa học vừa tìm thấy xác nguyên vẹn của ba con côn trùng trong hổ phách tại Italy và cho rằng, chúng là những côn trùng cổ xưa nhất trên Trái đất.

di-tim-su-that-ve-au-trung-quai-vat
Hai con ve bét trong hổ phách ở vùng đông bắc Italy. Chúng thuộc hai loài ve riêng biệt.

Niên đại của ba xác côn trùng vào khoảng 230 triệu năm, nghĩa là chúng ra đời trong kỷ Tam Điệp và cùng thời với khủng long. Chúng gồm hai con ve bét và một con ruồi. Hai con ve bét rất nhỏ nên quan sát chúng bằng mắt thường là việc rất khó. 

Khác với những xác sinh vật trong hóa thạch, xác sinh vật trong hổ phách được bảo quản tốt hơn nhiều do chúng không bị nén. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể thấy nhiều chi tiết trên cơ thể chúng.

(Nguồn tham khảo: AP) 

Gián phát sáng để đánh lừa kẻ thù


Các nhà sinh học vừa phát hiện loài gián huỳnh quang, dùng ánh sáng của mình để đánh lừa các côn trùng ăn thịt. 

Loài côn trùng mới này được đặt tên khoa học là Lucihormetica luckae sống tại các vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Ánh sáng chúng phát ra là do những phản ứng sinh hóa xảy ra trong cơ thể chúng. Đó là hiện tượng khá hiếm hoi chỉ có ở một nhóm nhỏ côn trùng, một số sâu đất và điển hình nhất là ở loài đom đóm.

di-tim-su-that-ve-au-trung-quai-vat
Hình ảnh loài gián phát sáng mới được phát hiện.

Các nhà khoa học cho rằng, gián bắt chước cách phát sáng ở những người láng giềng chung sống trong các khu rừng nhiệt đới là loài bọ cánh cứng có tên khoa học là Pyrophorus, dùng chất độc tiết ra làm vũ khí chống lại kẻ thù. Chúng phát ra ánh sáng như những tín hiệu cảnh báo côn trùng ăn thịt chớ đến gần.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet/Sciencenow)

Côn trùng tắm nắng để phòng bệnh


Loài rệp Boxelder ở Bắc Mỹ thường tập trung thành nhóm để phơi nắng tại tỉnh British Columbia, Canada nhằm ngăn chặn những bào tử nấm xâm nhập vào cơ thể chúng. 

di-tim-su-that-ve-au-trung-quai-vat

Các nhà sinh học của ĐH Simon Fraser (Canada) tìm hiểu và nhận thấy, dường như ánh sáng Mặt trời kích hoạt quá trình tổng hợp monoterpene - một hợp chất có mùi mạnh và có khả năng bao bọc bào tử nấm trên cơ thể của rệp. Nhờ monoterpene mà bào tử nấm không thể xâm nhập vào cơ thể rệp.
 
Theo giáo sư Gries ở ĐH Simon Fraser, nếu rệp Boxelder dùng năng lượng Mặt trời để phục vụ các quá trình hóa học trong cơ thể mà không cần tới sự hỗ trợ của những vi khuẩn cộng sinh thì khả năng này là một kỳ tích đáng nể trong thế giới sinh vật sống.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Video: Giọng người đầu tiên phát đi từ hành tinh lạ


Tàu thám hiểm tự hành Curiosity của NASA mới đây đã truyền về Trái đất một thông điệp được ghi sẵn từ trước. Đây là giọng người đầu tiên từng được phát đi từ một hành tinh xa lạ.

Từ trên Sao Hỏa, tàu thám hiểm Curiosity đã truyền phát một thông điệp của lãnh đạo NASA Charlie Bolden dành cho nhóm quản lý sứ mệnh. Trong đó, ông Bolden gửi lời chức mừng những người tham gia sứ mệnh đã đưa cỗ máy “triệu đô” đổ bộ an toàn xuống bề mặt Hành tinh Đỏ.

Các chuyên gia tại trụ sở Phòng thí nghiệm khoa học của NASA đang nghe lại thông điệp chúc mừng của ông Bolden mà tàu Curiosity từ sao Hỏa gửi về Trái đất.

(Nguồn tham khảo: Youtube/Vietnamnet)

Truyền lời bài hát từ Sao Hỏa về Trái đất


Đêm qua, lúc 23h (theo giờ Việt Nam) robot thăm dò Sao Hỏa Curiosity của NASA vang lên bài hát “Reach for the Stars” (Vươn tới các vì sao) của nghệ sĩ, nhà sáng tác nhạc rap Will.i.am sau hơn 2 tuần đáp xuống Hành tinh Đỏ. 

Dù Curiosity không được trang bị loa, bài hát được phát qua sóng radio về Trái đất trong một sự kiện giáo dục tại Phòng thí nghiệm động cơ tên lửa đẩy của NASA ở Pasadena, California. 

NASA viết trong một thông báo, “Các thành viên của đội điều khiển robot Curiosity hạ cánh thành công xuống Sao Hỏa sẽ giải thích với các sinh viên về sứ mệnh và công nghệ đằng sau quá trình truyền bài hát từ Sao Hỏa về Trái đất”. Will.i.am sau đó sẽ hát bài “Reach for the Stars” - tác phẩm thể hiện niềm đam mê khoa học, công nghệ và khám phá vũ trụ của Will.i.am. 


(Nguồn tham khảo: Space/youtube)