Đến thăm "ngôi nhà" trên vũ trụ

Thủy Chip, Theo 09:27 21/10/2010

Việc xây dựng thành công trạm vũ trụ quốc tế ISS đã đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình chinh phục vũ trụ của loài người. <img src='/Images/EmoticonOng/24.png'>

Trạm vũ trụ Quốc tế (International Space Station) là một tổ hợp công trình nhằm nghiên cứu không gian, đang ở giai đoạn lắp ráp trên quỹ đạo cận Trái Đất, nhờ sự hợp tác của năm cơ quan không gian: NASA (Hoa Kỳ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu).
 
Trạm vũ trụ quốc tế được coi là kết quả của sự hợp nhất hai dự án lớn, nhưng thiếu kinh phí để có thể thực hiện riêng biệt là Trạm vũ trụ Tự do (Freedom) của Hoa Kỳ và Trạm vũ trụ Hòa Bình 2 (Mir-2) của Nga. Theo kế hoạch, Trạm vũ trụ Quốc tế sẽ hoàn thành vào năm 2011 và sẽ hoạt động đến năm 2016. Từ năm 2007, ISS đã trở thành vệ tinh nhân tạo lớn nhất trong quỹ đạo Trái Đất, lớn hơn bất kỳ trạm vũ trụ nào khác. Trạm vũ trụ Quốc tế là trạm vũ trụ duy nhất có người thường trực, thực hiện các công việc nghiên cứu.
 
 
Tháng 12 năm 1998, phi hành đoàn tàu con thoi STS-88 bắt đầu tiến hành xây dựng Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Trạm ISS hiện nay gồm có 7 mô-đun điều áp chính gồm 2 mô-đun của Nga mang tên Zarya (Bình minh) và Zvezda (Ngôi sao), 3 mô-đun của Hoa Kỳ mang tên Destiny (Vận mệnh), Unity (Thống nhất) và Harmony (Hòa hợp), module Columbus của châu Âu và KIBO (Hi vọng) của Nhật Bản.
 
 
Bộ phận đầu tiên của trạm vũ trụ quốc tế - Khối chức năng hàng hóa Zarya, được phóng lên quỹ đạo vào tháng 11 năm 1998 bằng tên lửa Proton của Nga. Zarya nhận năng lượng từ 2 tấm pin năng lượng mặt trời. Zarya là mốc quan trọng đánh dấu một kỷ nguyên hợp tác mới trong công nghệ vũ trụ giữa hai cường quốc Nga và Mỹ sau nhiều thập niên đối đầu.
 
 
Sau khi ở trên quỹ đạo vài tuần, vào ngày 6/12/1998 Zarya được kết nối với module Unity của Mỹ bởi tàu con thoi Endeavour. Unity được phóng lên quỹ đạo trên tàu Endeavour trong nhiệm vụ STS-88 vào ngày 4/12/1998. STS-88 cũng là chuyến bay con thoi đầu tiên tham gia vào việc lắp ráp trạm ISS.
 
 
Hình ảnh tàu con thoi Endeavour đang nằm chờ trên bệ phóng ngày 14/11/2008. Một ngày sau đó, tàu con thoi Endeavour đã được Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ NASA phóng thành công vào không gian, bắt đầu sứ mệnh kéo dài 15 ngày lên Trạm Vũ trụ quốc tế ISS, theo Reuters.
 
Tàu Endeavour rời bệ phóng 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ).
 
 
Bức hình ghi lại hình ảnh tàu con thoi Atlantis đang bay trên vùng núi sát bờ biển vào ngày 16/2/2001. Tàu con thoi Atlantis là một trong 3 tàu con thoi vẫn còn hoạt động trong đội tàu con thoi của NASA. (Hai tàu còn lại là Discovery và Endeavour.)
 
Atlantis là tàu con thoi thứ tư được đóng. Atlantis được đặt tên theo một tàu 2 buồm hoạt động từ 1930 đến 1966 của Viện Hải dương học Woods Hole.
 
 
Đây là một hình nộm có tên là Phantom Torso tại phòng thí nghiệp Destiny trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Thiết bị này dùng để đo mức ảnh hưởng của phóng xạ lên các cơ quan trong cơ thể con người bằng cách sử dụng một hình nộm có chiều cao và cân nặng như một người nam giới trung bình.
 
Dụng cụ này giống với thiết bị dùng để huấn luyện các bác sĩ trên trái đất. Người ta đặt vào hình nộm này thiết bị dò phóng xạ, và đo lượng phóng xạ tác động lên não, tuyến giáp, dạ dày, ruột già, tim và phổi mỗi ngày.
 
Chính những số liệu thu được này sẽ đánh giá được việc cơ thể con người phản ứng và tự bảo vệ các cơ quan của mình như thế nào trước sự ảnh hưởng của phóng xạ, quyết định thời gian của chuyến bay trong không gian đối với mỗi người.
 
 
Bức ảnh chụp phi hành đoàn trong phòng thí nghiệm Destiny trên Trạm vũ trụ quốc tế vào ngày 17/8/2001. Họ gồm có phi hành đoàn Expendition 3 (áo trắng), phi hành đoàn tàu con thoi STS-105 (áo sọc) và phi hành đoàn Expendition 2 (áo đỏ).
 
 
Phi hành đoàn không gian Expedition 1 là nhóm phi hành gia đầu tiên tới Trạm vũ trụ Quốc tế vào ngày 2 tháng 11 năm 2000, đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch đưa người làm việc lâu dài trong không gian của ISS.
 
Phi hành đoàn không gian hiện tại mang tên Expedition 16. Bức ảnh chụp từ bên ngoài tàu con thoi Atlantis, đây là một phần khoang trọng tải và hệ thống lắp ghép do nhóm phi hành đoàn Expedition 16 mang lên vũ trụ.
 
 
Đây là hình ảnh tàu vũ trụ có người lái Soyuz TAM-4 của Nga rời bệ phóng tại sân bay không gian Baikonur ở Kazakhstan và đã vào quỹ đạo 9 phút sau đó trong hành trình 2 ngày lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS).
 
Ba phi hành gia đi trên tàu là Gennady Padalka, người Nga; Michael Fincke, người Mỹ và Andre Kuipers, người Hà Lan.
 
 
Tàu vũ trụ có người lái Soyuz 14 (TAM-10) đang tiến đến Trạm vũ trụ quốc tế, lắp ghép vào khối chức năng hàng hóa Zarya vào ngày 9/4/2007.
 
 
Đây là một trong những bức ảnh đầu tiên của Trạm vũ trụ quốc tế với những tấm thu năng lượng mặt trời mới được lắp đặt. Bức ảnh chụp vào ngày 9/12/2000. Sau 7 ngày kết nối với trạm vũ trụ, tàu con thoi Endeavour đã dời trạm vũ trụ và quay trở về trái đất.
 
 
Hình ảnh ấn tượng này là bong bóng nước bay lơ lửng trên tàu vũ trụ, khúc xạ khuôn mặt của phi hành gia Leroy Chiao, chỉ huy trưởng phi hành đoàn Expedition 10. Bức ảnh chụp vào ngày 15/1/2005.
 
 
Những tấm thu năng lượng mặt trời và Canadarm2 là hình ảnh đặc trưng của Trạm vũ trụ quốc tế ISS.
 
Đây là một cánh tay robot có thể được sử dụng để cầm các vật nặng cũng như giúp di chuyển các phi hành gia trong các chuyến đi bộ không gian. Canadarm2 có tên gọi kỹ thuật là hệ thống tay máy điều khiển từ xa (Remote Manipulator System - RMS).
 
Canadarm2 được phóng lên trên chuyến bay STS-100 tháng 4 năm 2001.
 
 
Đây là hình ảnh phi hành gia C.Michael Foale, chỉ huy phi hành đoàn Expedition 8 và là cán bộ khoa học của NASA hoạt động trên ISS đang luyện tập tại Trạm vũ trụ quốc tế vào ngày 12/4/2004.
 
 
Trên nền mây trắng xóa là hình ảnh Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Ảnh được chụp từ tàu Discovery vào ngày 6/8/2005 sau khi nó rời khỏi ISS.
 
 
Quay ngược thời gian, ngày 1/2/2003 đã xảy ra một thảm họa đáng sợ khi tàu con thoi Columbia – con tàu đầu tiên trong phi đội tàu con thoi của NASA có khả năng bay lên vũ trụ - đã vỡ tan trong quá trình hạn cánh chuyến bay thứ 28 của tàu, làm toàn bộ 7 thành viên phi hành đoàn tử nạn.
 
 
Phi hành gia Stephen Robinson đang “kết nối” với Canadam2 dài 17m trong sứ mệnh STS-114 của tàu con thoi Discovery vào tháng 8/2005. Các Canadam2 có nhiều khớp nổi, và có khả năng nâng trọng tải 116 tấn.
 
 
Tàu con thoi Atlantis đã hoàn thành 32 chuyến bay, trải qua quãng đường dài gần 195 triệu km, bằng quãng đường của 505 chuyến bay từ Trái Đất đến Mặt Trăng và quay trở lại.
 
Bức ảnh chụp trạm vũ trụ quốc tế vào ngày 19/7/2007, sau khi tàu con thoi Atlantis với phi đoàn Expedition 15 rời nó, hoàn thành sứ mệnh STS-117.
 
 
Đây là hình ảnh bộ quần áo không còn cần thiết với các phi hành gia đang “lơ lửng” ngoài vũ trụ, và bắt đầu quanh xung quanh trái đất, sau khi nó bị phi hành đoàn Expedition 12 “thải” ra khỏi Trạm vũ trụ quốc tế vào ngày 3/2/2006.
 
Một chiếc áo như thế này sẽ có 3 bộ pin, bộ cảm biến bên trong, máy phát vô tuyến điện.
 
 
Phi hành gia Robert L. Curbeam và Christer Fuglesang đang nối một đoạn giàn mới cho Trạm vũ trụ quốc tế và bắt đầu nâng cấp mạng lưới điện ở đây. Bức ảnh chụp vào ngày 12/12/2006. Từ góc máy này, nhà nhiếp ảnh đã ghi lại được cả hình ảnh của New Zealand và eo biển Cook Strait ở phía xa.
 
 
Sau 9 ngày làm việc tại Trạm vũ trụ quốc tế, tàu con thoi Discovery với phi hành đoàn Expedition 17 đã hoàn thành sứ mệnh STS-124 và bắt đầu tách ra khỏi trạm vũ trụ để trở về trái đất vào ngày 11/6/1008.
 
Bức ảnh này được chụp từ tàu con thoi Discovery khi nó rời trạm.
 
 
Bức ảnh chụp ngày 18/11/2008, ghi lại nhiệm vụ STS-126 Trên trạm vũ trụ quốc tế ISS. Trong 6 giờ 52 phút đi bộ ngoài không gian, hai phi hành gia Steve Bowen Heidemarie Stefanyshyn-Piper (không có trong ảnh) thực hiện nhiệm vụ làm sạch và bôi trơn mạn bên phải khớp nối Alpha cho phép các tấm pin mặt trời quay đúng hướng, đồng thời chuyển bồn chứa nitơ đã cạn vào khoang hàng hóa của tàu con thoi Endeavour.
 
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày