Câu hỏi thú vị về cơ thể khiến bạn "đứng hình" ngay lập tức

Thanh Long, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 11/04/2015

Cùng đi tìm lời giải về cơ thể người: tinh hoàn và buồng trứng hồi nhỏ giống hệt nhau hay tóc đứt mọc lại được còn chân tay sao lại không...

Bạn hiểu rõ bao nhiêu % về cơ thể mình? Bạn có đủ tự tin để trả lời mọi câu hỏi về các đặc điểm trên người mình hay không?

Hãy cùng đến với danh sách được tổng hợp bởi trang Buzzfeed dưới đây. Bảng câu hỏi gồm 5 câu khoa học tưởng dễ mà cực “khoai”, khiến phần lớn mọi người “đứng hình” ngay sau khi nghe xong.

1. Mục đích răng khôn đến Trái đất là gì?

Răng khôn là chiếc răng hàm cuối cùng (răng số 8) và ở nhiều người, chúng thường mọc xiêu vẹo gây đau đớn, phiền toái cho chủ nhân. 

Hẳn mọi người chúng ta từng tự hỏi: tại sao chiếc răng mọc thiếu thông minh này lại được gọi là răng khôn? Tuy nhiên, không nhiều người có được câu trả lời chính xác.



Cho tới nay, lý do răng khôn xuất hiện vẫn còn gây tranh cãi. Một trong những lập luận được cho là hợp lý nhất cho rằng, răng khôn là dấu vết của quá trình tiến hóa từ thú sang người. 

Trải qua hàng trăm ngàn năm, xương hàm của chúng ta nhỏ lại và không đủ chỗ cho 4 răng khôn. Phần lớn các hàm chỉ đủ chỗ cho 28 răng, 14 hàm trên vào 14 hàm dưới. Vì vậy, răng khôn buộc phải mọc dưới lợi và gây nên đau đớn, phiền toái.



Còn về vấn đề tên gọi, răng hàm số 8 thường mọc ở giai đoạn 17 đến 25 tuổi, thời kỳ mà theo các chuyên gia, con người trưởng thành và khôn ngoan hơn. Do đó, danh xưng răng khôn vì thế mà ra đời.

2. Tinh hoàn và buồng trứng hồi nhỏ giống hệt nhau?

Câu hỏi này sẽ khiến nhiều người “đứng hình” và nghi ngờ tính đúng đắn của câu hỏi. Điều đó đương nhiên là vô lý, bởi tinh hoàn chỉ có ở nam giới còn buồng trứng thuộc sở hữu của các chị em.



Không hề đâu bạn ạ! Thực tế khi trong bụng mẹ, tinh hoàn và buồng trứng giống hệt nhau vì chung một nguồn gốc. Tuy nhiên, sau đó nếu là con trai, một gene di truyền có tên là SRY (trên nhiễm sắc thể Y) sẽ xuất hiện và ngăn cản tuyến sinh dục biến thành buồng trứng và thay vào đó sẽ biến thành tinh hoàn.

Đối với các trường hợp không có gene này, tất nhiên em bé sau này sẽ mang giới tính nữ do tuyến sinh dục phát triển thành buồng trứng như bình thường.

3. Tại sao lông, tóc, da tổn thương hoặc đứt thì mọc lại được còn chân tay thì không ?

Câu trả lời sẽ khiến bạn giật nảy mình: Tới nay các nhà khoa học cũng đành bó tay trước thắc mắc này. 


Tại sao cắt tóc thì tóc mọc lại rất nhanh còn chân tay thì không thể?

Các nhà khoa học hiện mới chỉ biết rằng, để tạo ra chân tay, cơ thể cần một lượng rất lớn những tế bào gốc của phôi thai giống như khi chúng ta vẫn còn trong bụng mẹ. Những tế bào này chính là nhân tố tạo ra toàn bộ các cơ quan trên thân thể bạn. 



Nhưng khi ta cất tiếng khóc chào đời, các tế bào gốc này đã chuyển hóa thành “tế bào vạn năng”. Nhiệm vụ của chúng từ thời điểm ấy là tự chữa trị các vết thương như biến thành da khi bị đứt tay, biến thành xương khi bị gãy tay chân hoặc biến thành tóc khi tóc cũ rụng… 

Tuy nhiên không hiểu sao, khi chân tay đứt lìa hoàn toàn, "tế bào vạn năng" lại không thể biến thành một cơ quan hoàn chỉnh mới như trước kia.

4. Gỉ mắt là gì?

Mỗi sáng thức giấc, chúng ta đều rửa mặt để loại bỏ những cục gỉ mắt khó chịu. Nhưng liệu có phải tất cả mọi người đều biết gỉ mắt là gì?

Gỉ mắt thực chất không đáng ghét như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đó là một sản phẩm phụ trong quá trình làm việc của mắt vào cuối mỗi ngày.



Theo đó buổi sáng, tuyến tiết Meibomius (tuyến dầu) sẽ hoạt động mạnh bên trong mí mắt. Cơ quan này tạo ra một chất gọi là meibum, hiểu đơn giản là lớp dầu bôi trơn giúp bạn chớp mắt và ngăn nước mắt bay hơi.



Khi ngủ, bạn không nháy mắt và rửa lớp dầu liên tục giống như khi đang tỉnh táo. Kết quả là meibum nói trên đọng lại ở khóe mắt và khô đi, tạo ra gỉ mắt như chúng ta thường biết tới.   

5. Hắt xì hơi mở mắt thì mắt sẽ bay ra ngoài?

Thoạt nghe thì điều này rất hợp lý nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể thử tập luyện việc hắt xì hơi và mở mắt. 



Theo đó, việc nhắm mắt lại khi hắt hơi chỉ là phản xạ thông thường mà thôi. Khi bộ não gửi xung điện điều khiển việc hắt hơi, một phần của cơ thể sẽ điều khiển mắt nhắm lại. 

Phát biểu trên NBC News vào năm 2013, tiến sĩ Rachel Vreeman khẳng định "chắc chắn bạn vẫn có thể giữ cho đôi mắt mở khi hắt hơi... nhưng điều này đòi hỏi phải chống lại các phản xạ thông thường".



Thậm chí, các chuyên gia còn bác bỏ thông tin hắt hơi mở mắt sẽ khiến mắt “nhảy” ra ngoài. Họ cho rằng, điều này hoàn toàn là một lầm tưởng mà thôi. 

Theo Tiến sĩ Robert Naclerio, giáo sư phẫu thuật tại ĐH Chicago Medicine, nếu mắt bạn thật sự muốn bay ra ngoài, bạn có nhắm mắt cũng không thể giữ được vì cơ mí mắt không "khỏe" như các cơ bắp khác trên cơ thể.

Nguồn: Buzzfeed