Cắt giấy - nghệ thuật “vẽ bằng dao” siêu ấn tượng

Oksein, Theo Mask Online 00:00 08/04/2012

Tác phẩm giấy tuyệt đẹp về ngọn núi khổng lồ hóa thành tí hon xếp trên xe đẩy, đường cao tốc thu nhỏ lại như dải lụa dưới đôi tay người thợ may...

Cắt giấy là nghệ thuật truyền thống đã tồn tại từ lâu trong nhiều nền văn hóa phương Đông. Ở Trung Hoa, nghệ thuật cắt giấy (Jianzhi) đã xuất hiện dưới thời Đường từ hơn 1.000 năm trước. Vào các dịp lễ tết, ngày cưới, mừng thọ... mọi người thường dùng những tấm giấy vuông, tròn cắt thành hình chữ hoặc hình con vật để gửi đến nhau những lời chúc tốt lành. Những bức tranh giấy màu đỏ dán trên cửa nhà, cửa sổ, đèn lồng, đặc biệt là chữ “Song hỉ” đỏ rực vào ngày cưới chắc không ai còn xa lạ.

Ngày nay, khi kỹ thuật cắt giấy đã không còn xa lạ thì các nghệ sĩ lại càng thôi thúc mình phá vỡ những ranh giới và tìm tòi phong cách mới.

Một bức tranh cắt trên giấy bản Trung Quốc...

... đây là loại giấy làm từ sợi hoặc vỏ cây trộn với rơm, có màu trắng mịn và dễ cắt.

Tuổi thơ của Bovey Lee gắn bó với đất nước Trung Hoa. Chính nơi đây đã nuôi dưỡng cô nữ nghệ sĩ này tình yêu sâu sắc với nét đẹp văn hóa dân gian, đặc biệt là nghệ thuật cắt giấy truyền thống. Bộ tranh giấy của cô chính là sự kế thừa và đổi mới những nguyên tắc lâu đời của nghệ thuật này.


Sóng thần.

Hậu quả của sóng thần.

Cả nhà cùng làm bánh.

Quả địa cầu.

Ấn tượng đầu tiên khi xem tranh của Bovey Lee là hệ thống chi tiết cực kỳ đồ sộ. Mỗi bức tranh thường có nhiều chi tiết kết nối với nhau trong một bố cục chặt chẽ, không tách rời. Hình ảnh thiên về tả thực kết hợp với hư cấu, kích thước nhân vật cũng hoàn toàn trái ngược với tỉ lệ thông thường: những ngọn núi khổng lồ hóa thành tí hon xếp trên xe đẩy, đường cao tốc thu nhỏ lại như dải lụa dưới đôi tay người thợ may...

Dời núi.

May đường cao tốc.


 Chi tiết phức tạp, nội dung trừu tượng khiến người xem khó mà hiểu được ý nghĩa bức tranh ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Quá trình sáng tạo tác phẩm gồm ba phần: vẽ phác thảo bằng tay trước khi tạo nên một bản mẫu kỹ thuật số trên máy tính; in bản mẫu ra và dựa vào đó để xác định bố cục hình ảnh tác phẩm; cuối cùng là công đoạn cắt giấy bằng tay, sử dụng các loại dao trổ đặc biệt. Tác giả tâm sự: “Tôi định nghĩa công việc của mình là “vẽ bằng dao”. Cắt giấy là một phản ứng bản năng, là cách phản hồi tự nhiên của tôi với cội nguồn và tình yêu tôi dành cho vẻ đẹp của sự chính xác, chi tiết và tinh tế”.

Những bức vẽ phức tạp thường mất đến hàng tuần để tạo hình và cắt giấy.



Những bức tranh quy mô như thế này không cho phép một sai lầm dù nhỏ nhất.

Lấy cảm hứng từ quá trình công nghiệp hóa sôi động ở Trung Quốc từ những năm 80, tác phẩm của Bovey Lee thể hiện tình yêu đối với cuộc sống lao động, ca ngợi sức mạnh của đôi tay và khối óc con người. Thông qua sự đan cài giữa nét truyền thống và hiện đại, bộ tranh cũng gửi gắm những trăn trở của tác giả về sức sống của văn hóa dân gian khi đất nước ngày càng đổi mới.

Ballet tre.

Bẹo má.

Dắt bò.

Nấu cơm.

San phẳng đại dương.

Bức tranh mô tả quá trình lao động của những người công nhân.

Cột điện cao thế hóa những cánh diều, bay đến mọi miền đất nước.

Thành phố thu nhỏ trên một chiếc thuyền - những tòa cao ốc chọc trời kề bên khu nhà gỗ truyền thống.

Đất nước Trung Quốc phát triển hiện đại, kiến thiết và đổi mới không ngừng nhưng vẫn gìn giữ được nét đẹp của văn hóa truyền thống.