Cận cảnh nghề stylist cho Nữ hoàng Anh

Hải Hiền, Việt Anh, Theo Mask Online 00:00 01/10/2014

Cùng câu chuyện thú vị về việc may quần áo cho Tổng thống Mỹ.

Tổng thống Mỹ và Nữ hoàng Anh luôn được coi là hai trong số những người có quyền lực nhất hành tinh. Từng cử chỉ, hành động hay lời nói của họ luôn được giới truyền thông săn đón.

Bởi vậy đối với cả hai, việc chọn một phong cách thời trang hay sử dụng trang phục phù hợp trong từng sự kiện luôn được một ekip "săn sóc" chu đáo. 

Hãy cùng tìm hiểu sự phức tạp và cầu kì đằng sau những bộ cánh mà hai nhân vật này khoác lên người hàng ngày qua so sánh thú vị dưới đây.

… Từ đội ngũ stylist chuyên lo quần áo cho Nữ hoàng Anh



Cũng như Tổng thống Mỹ, Nữ hoàng luôn được coi là biểu tượng của cả Vương quốc Anh. Vì vậy, để có được vẻ ngoài quyền quý và sang trọng mỗi lần xuất hiện trước công chúng, mọi công việc liên quan tới quần áo của bà đều do một nhóm stylist đảm nhiệm từ A - Z.




Đội ngũ này bao gồm rất nhiều người và thực hiện những nhiệm vụ khác nhau: may quần áo, làm phụ kiện, găng tay, làm mũ… Tuy nhiên, tất cả các ý tưởng phải được thống nhất, hòa làm một bộ trang phục hoàn chỉnh với sự đồng ý của Nữ hoàng. 

Thông thường, nhóm stylist này phải tính toán mức độ quan trọng của mỗi lần xuất hiện, phong cách nào phù hợp với vóc dáng Nữ hoàng, điều kiện thời tiết và khí hậu…




Angela Kelly - trợ lý riêng của Nữ hoàng Elizabeth II từng chia sẻ về sự cầu kì trong thiết kế trang phục cho Nữ hoàng. Để thể hiện thiện chí trong lễ đăng quang của bà, tất cả các bộ váy phải có đủ biểu tượng của các vùng thuộc Vương quốc Anh như hoa hồng của Anh, tỏi tây của xứ Wales, hoa chuông lá tròn của Scotland, cây me đất của Bắc Ireland.




Một trường hợp điển hình khác là khi Nữ hoàng ra ngoài, trang phục phải được may bằng chất liệu co dãn, rộng rãi và màu sắc tươi sáng. 

Điều này cho phép bà lên xuống xe thoải mái, trang phục không bị nhăn, thuận tiện khi vẫy chào công chúng và nổi bật ở mọi góc nhìn. 




Chưa dừng lại ở đó, quần áo của Nữ hoàng phải được thiết kế “đẹp tới từng cm”. Điều đó có nghĩa, từng chi tiết nhỏ trên trang phục của người đứng đầu nước Anh cần được trau chuốt. 

Karl - Ludwig, một người từng thuộc đội stylist này cho biết: “Chúng tôi phải chắc chắn rằng, từng nút áo của Nữ Hoàng sẽ nổi bật trên trang phục của bà trong các bức ảnh được giới truyền thông ghi lại”.




Bên cạnh trang phục, Nữ hoàng Anh còn có đội quân chuẩn bị mũ, găng tay, giày dép... Những phụ kiện đi kèm này phải thay đổi liên tục trong ngày nên yêu cầu rất nhiều thiết kế khác nhau song vẫn phải đảm bảo đúng ý của Nữ hoàng. 

Theo Freddie Fox - người từng đảm nhận phần thiết kế mũ cho Nữ hoàng Elizabeth II thì trong 34 năm làm việc, ông đã làm tổng cộng 350 chiếc khác nhau.




Về găng tay và túi xách hoàng gia, Nữ hoàng Anh thay đổi chúng theo từng buổi trong ngày. Buổi sáng, bà sử dụng những đôi găng bông và túi xách da màu be, hoặc đen. 

Tới buổi tối, bà lại đổi sang găng làm từ nilon đi kèm với túi xách nạm vàng hoặc bạc trong các bữa tiệc chiêu đãi.




Cuối cùng là khâu thiết kế và lựa chọn giày cho Nữ hoàng. Trong trường hợp của Nữ hoàng Elizabeth II, bà thích dùng những đôi giày làm từ da bê màu đen, be hoặc xanh hải quân với gót giày có chiều cao khoảng 6cm. 

Riêng buổi tối, những đôi giày màu satin, bạc hay vàng luôn là lựa chọn tối ưu cho Nữ hoàng.

... đến những bộ vest may thủ công dành riêng cho Tổng thống Mỹ…


Mỹ là một trong số các quốc gia sản xuất ít quần áo nhất trên thế giới hiện nay. Nhân công và địa điểm rẻ ở các nước đang phát triển kéo các doanh nghiệp may mặc Mỹ chấp nhận từ bỏ thương hiệu "Made in USA" để chuyển xưởng sản xuất của mình ra bên ngoài. 

Vậy đâu là nơi đảm nhiệm việc may quần áo âu phục cho Tổng thống Mỹ? Câu trả lời chính là xưởng may Martin Greenfield ở Brooklyn (New York) - một trong xí nghiệp quần áo danh giá nhất Hoa Kỳ. 


Chân dung Martin Greenfield - một thợ may âu phục kì cựu đang tự tay cắt quần áo cho khách hàng của mình

Xưởng may này do ông Martin Greenfield xây dựng. Ông mua lại nhà máy sản xuất quần áo GGG Brooklyn năm 1977 và đổi theo tên mình như hiện nay. 

Điểm độc đáo của xưởng sản xuất này là sản phẩm ở đây đều được làm thủ công bằng tay hoàn toàn. Chính việc này đã tạo nên sức hút và sự nổi tiếng cho xưởng may của Martin. 




Để cho ra đời một bộ vest hoàn chỉnh dành cho Tổng thống, các công nhân phải làm trong 16 giờ với 108 công đoạn khác nhau. 

Điều đó đồng nghĩa với việc có khoảng 100 thợ may trong xưởng sẽ cùng phụ trách để biến những mảnh vải thường thành một bộ âu phục đẹp đẽ. 



Cựu Tổng thống Mỹ - Bill Clinton cũng từng sử dụng vest được may tại xưởng của Martin Greenfield. Đây là bức ảnh thân mật giữa chính trị gia và ông chủ xưởng may. Theo Martin Greenfield, những bộ quần áo may bằng tay sẽ giúp khách hàng của ông thể hiện được cá tính và cái tôi cá nhân. 

Đó là lý do vì sao đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama hay những ngôi sao nổi tiếng như Michael Jackson, Leonardo DiCaprio cũng đều may âu phục tại xưởng của ông.




Martin Greenfield đã có thể tiết kiệm nhiều tiền và thời gian bằng cách dùng máy thực hiện nhiều công đoạn. Nhưng ông cho rằng, điểm làm nên danh tiếng của mình chính là sự khác biệt trong từng sản phẩm. 

Mỗi khách hàng có những đặc điểm riêng và nhiệm vụ của ông là may nên bộ vest duy nhất phù hợp với họ tới từng mm. Vì thế, gần nửa thế kỷ kinh doanh, xưởng may của ông vẫn sản xuất vest thủ công.



Theo Martin, điểm thuận lợi của việc may vest thủ công bằng tay so với máy móc đó là người thợ có thể tùy chỉnh đường may từ những vị trí nhỏ nhất. 

Vì vậy, khách hàng như Tổng thống có thể có yêu cầu riêng như nâng vai, để phần lót rộng hơn… Đây là điều không thể có được khi mua quần áo của các thương hiệu may sẵn.


Sản phẩm vest hoàn chỉnh.



Phòng thử đồ cho khách nằm ngay trong xưởng. Điều này cho phép khách hàng tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất công phu và chuyên nghiệp bậc nhất của xưởng may này.


(Nguồn: Business Insider, Dailymail)