Ảnh chuồn chuồn tình tứ, UFO "hút" nhiên liệu Trái đất

Lê Giang, Theo Mask Online 10:58 15/03/2012

Cùng các cập nhật: "Cam máu" bành trướng thế giới, phát hiện virus mới gây bệnh dại...

Động vật ăn thịt bị mất khả năng cảm nhận vị ngọt


Tạp chí Mỹ - Proceedings of the National Academy of Sciences vừa đăng nghiên cứu của các nhà khoa học châu Âu và Mỹ cho rằng nhiều loài thú ăn thịt dường như mất khả năng cảm nhận vị ngọt theo thời gian. Theo các nhà khoa học tại Trung tâm các giác quan hóa học Monell ở Pennsylvania (Mỹ) và Đại học Zurich (Thụy Sĩ), hầu hết những động vật có vú được cho là có khả năng cảm nhận các vị ngọt, thơm, đắng, mặn và chua.

Sau khi đã mô tả quá trình vị giác ngọt bị mất ở mèo nhà và mèo rừng do một khiếm khuyết gene, nhóm các nhà khoa học này đã nghiên cứu 12 loài động vật có vú khác nhau sống chủ yếu bằng thịt và cá, đồng thời chú ý đến các gene thụ cảm vị ngọt là Tas1r2 và Tas1r3.


Kết quả cho thấy, 7 trong số 12 loài này có các mức độ biến đổi khác nhau trong gene Tas1r2 khiến chúng không thể cảm nhận vị ngọt, trong đó bao gồm sư tử biển, hải cẩu tai lớn, hải cẩu cảng, rái cá vuốt bé châu Á, linh cẩu đốm và cá heo mũi chai. Sư tử biển và cá heo - 2 loài được cho là đã tiến hóa từ những loài động vật có vú sống trên cạn từ hàng chục triệu năm trước, có xu hướng nuốt toàn bộ thức ăn và không thể hiện bất cứ sự ưa thích vị ngọt nào. Ngoài ra, cá heo dường như có ba gene thụ cảm vị giác không hoạt động, chứng tỏ chúng không cảm nhận được vị ngọt, thơm hay đắng.

Tuy nhiên, các loài động vật có vú thường tiếp xúc với các vị ngọt, như gấu trúc Mỹ, rái rá Canada, gấu bốn mắt và cáo đỏ, vẫn giữ được các gene Tas1r2, chứng tỏ chúng vẫn có thể cảm nhận được vị ngọt cho dù chỉ ăn thịt là chính.

Ông Gary Beauchamp, tác giả cao cấp và là nhà sinh vật học hành vi tại Monell khẳng định:“Phát hiện của chúng tôi cung cấp thêm bằng chứng cho thấy cái mà động vật, kể cả con người, thích ăn phụ thuộc đáng kể vào chức năng sinh học thụ cảm vị giác cơ bản của chúng".

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Phát hiện virus mới nguy hiểm gây bệnh dại


Một loại virus gây bệnh dại từ cầy hương vừa được các nhà khoa học ở Đại học Glasgow và Cơ quan thí nghiệm thú y của Anh phát hiện. Virus được phát hiện ra sau khi các chuyên gia nghiên cứu một em bé bị cầy hương cắn. Trước đây, cầy hương được cho là miễn nhiễm với bệnh dại.


Các thử nghiệm gene cho thấy đây là loại virus dại chưa từng được mô tả trước đây, nhưng nó tương tự với virus bệnh dại từ dơi ở vùng Caucasian thuộc Đông Âu.
Các nhà khoa học tin rằng virus mới có khả năng xuất phát từ dơi rồi lây nhiễm sang cầy hương và những động vật có vú khác. Vẫn cần thêm nghiên cứu để khẳng định mức độ nguy hiểm của loại virus này đối với sức khỏe con người.

Virus mới khó có khả năng đe dọa nhiều tới con người như bệnh dại ở chó. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng chúng ta vẫn cần thận trọng và chú ý để mắt tới động vật.

(Nguồn tham khảo: Datviet)

"Tình tay ba" của chuồn chuồn kim


Nhiếp ảnh gia Mark Bridger đã tình cờ chụp được bức hình độc đáo của những chú chuồn chuồn kim vào mùa hè năm ngoái. Mark Bridger kể lại: “Tôi có một vài giờ nghỉ trước khi đi làm. Do đó, tôi quyết định đi chụp ảnh những chú bói cá ở Khu bảo tồn động vật hoang dã Sevenoaks (Anh). Khi đến nơi, tôi lại bị muộn và không có thời gian chụp những bức hình mình dự định. Rồi tôi đi ngang qua những chú chuồn chuồn đang tình tứ và chụp hình chúng. Bất ngờ một con khác bay tới và có vẻ như muốn tham gia vào cuộc vui. Đến tối khi xem lại những bức ảnh tôi mới nhận thấy con chuồn chuồn thứ ba nhìn như một mũi tên lao vào hình trái tim mà 2 con chuồn chuồn kia tạo thành. Điều đó thật là tuyệt”.

Mark đã đặt tên cho bức hình này là “Mũi tên của thần Cupid”.


Trước khi chuồn chuồn kim giao cấu, chúng sẽ dành thời gian tiếp xúc với nhau để đánh giá bạn tình tiềm năng. Nghiên cứu thực địa cũng đã chỉ ra rằng con cái phân biệt đối xử với con đực do hình dạng và kích thước của chúng.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Nhìn thấy phi thuyền UFO đang "hút" nhiên liệu?


Những bức ảnh chụp Mặt trời hôm 12/3 bằng kính thiên văn cho thấy một vật thể mờ mờ có kích thước gần bằng một hành tinh nối với Mặt trời bởi một sợi dây có màu tối. Nhiều bức ảnh ghép lại cho thấy vùng ánh sáng tỏa ra từ mặt trời bao trùm lấy vật thể, sau đó vật thể hình cầu tách khỏi Mặt trời và phóng vào vũ trụ.

Các nhà khoa học ở Trung tâm bay vũ trụ Goddard của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã dựng lên đoạn phim bằng cách ghép lại các bức ảnh được chụp bởi Đài thiên văn động lực học mặt trời. Sau khi được đưa lên YouTube, đoạn phim nhanh chóng thu hút sự chú ý. Một số người cho rằng vật thể trong thước phim là một phi thuyền UFO đang nạp nhiên liệu bằng cách hút các hạt mang điện tích từ mặt trời hay ít nhất thì đó là một hành tinh mới vừa chào đời. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học NASA cho biết họ rất hay gặp hiện tượng này. Đây là một kiểu hoạt động của mặt trời mà họ gọi là “tai lửa”. Joseph Gurman, nhà khoa học đang công tác tại Trung tâm Goddard giải thích, “tai lửa” được tạo thành khi các hạt plasma có nhiệt độ thấp hơn nhưng mật độ lớn hơn bao quanh một quầng hào quang nóng khoảng 2 triệu độ C. Vẫn chưa rõ những "tai lửa" phát triển như thế nào, nhưng những vầng plasma dày đặc có thể cách bề mặt mặt trời tới hàng nghìn dặm. Gurman nói thêm, “Khi những tai lửa càng cách ra rìa mặt trời thì đó thường là dấu hiệu cho thấy chúng sắp nổ, như trong trường hợp vừa rồi”.


C. Alex Young - nhà vật lý học thiên thể của NASA và là người đang điều hành trang web The Sun Today giải thích rằng, tai lửa nằm dưới 1 đoạn dây nối trông như sợi tóc. Những cấu trúc này không có gì bất thường vì các nhà khoa học rất hay quan sát được. 

Nhưng tại sao tai lửa lại tối? Gurman giải thích rằng tất cả ánh sáng trong những bức ảnh SDO đều có cùng màu - một chiều dài bước sóng cụ thể được phát ra bởi các nguyên tử sắt đã bị ion hóa 13 lần. Sợi dây tối trong bức ảnh là một phần của tai lửa đã hấp thu ánh sáng của màu sắc này, khiến vật thể xuất hiện trong các bức ảnh có màu tối. 

Trong các bức ảnh chụp liên tiếp cho thấy tai lửa được bao quanh bởi vầng sáng, sau đó tai lửa cùng với sợi dây nối nhanh chóng vụt bay vào vũ trụ. Theo Gurman, vầng sáng bao quanh tai lửa rất có thể là đợt bùng phát từ trường từ Mặt trời, gọi là sự phun trào nhật hoa.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

"Cam máu" sẽ bành trướng khắp thế giới


Các nhà khoa học Anh tuyên bố "cam máu" - loại cam có tép màu đỏ và có lợi cho sức khỏe, sẽ xuất hiện ở nhiều nơi trên hành tinh nhờ kỹ thuật biến đổi gene. Đa số cam trên Trái đất có tép màu da cam, tép chỉ có màu đỏ nếu chúng chứa anthocyanin - loại hợp chất hữu cơ thiên nhiên có khả năng tạo màu. Anthocyanin có nhiều hoạt tính sinh học rất hữu ích đối với con người - như giảm nguy cơ đột quỵ và bệnh tim. Nó cũng giúp cơ thể người chống ung thư, tia tử ngoại và viêm nhiễm. 


Anthocyanin tồn tại trong nhiều loại hoa và quả, song không phải là hợp chất phổ biến ở cam. Những giống cam chứa anthocyanin – có tép màu đỏ nên thường được gọi là “cam máu” - chỉ phát triển tại những vùng có mùa đông ngắn ngủi. Chỉ một khu vực tại Italy thỏa mãn điều kiện này. Vì thế người dân trong vùng đó trồng cam máu với quy mô công nghiệp và bán với giá rất cao.

Giờ đây giáo sư Cathie Martin - một nhà nghiên cứu của Trung tâm John Innes tại Anh, cùng các đồng nghiệp đã tìm ra một gene điều khiển quá trình sản xuất anthocyanin của cây cam. Họ tác động vào gene đó để cây cam sản xuất anthocyanin mà không cần thời tiết lạnh. Sau đó nhóm nghiên cứu cấy gene vào hạt của một số giống cam phổ biến tại vùng Valencia của Italy. Những quả đầu tiên từ các cây cam biến đổi gene sẽ ra đời trước cuối năm nay. Ông cho biết thêm, “Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai giống cam máu sẽ xuất hiện tại những khu vực trồng cam quan trọng của thế giới, như Brazil hay bang Florida tại Mỹ. Nhờ đó chúng sẽ trở thành loại trái cây phổ biến trên hành tinh và nhiều người sẽ có cơ hội hưởng thụ những lợi ích về sức khỏe mà cam máu mang lại”.

(Nguồn tham khảo: Telegraph)