Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng với không ít người, dường như nỗi đau vẫn còn đó. Hình ảnh về cuộc chiến đấu với đạn bom, khói lửa giờ đây đã trở thành ký ức nhưng sự mất mát, giọt nước mắt đau thương vẫn lẩn khuất đâu đó trong tim những người ở lại.
Nước mắt của sự mừng vui, đoàn tụ ngày độc lập có là bấy nhiêu so với giọt nước mắt của người mẹ khóc con chết trận, người vợ mất chồng hay giọt nước mắt sợ hãi của đứa con thơ khi nhìn cảnh tượng kinh hoàng...
Nhưng nhiều hơn nữa có lẽ là nước mắt khóc cho những điều mà chiến tranh qua đi còn để lại cho ngày hôm nay - đó là giọt nước mắt dành cho những người phải gánh chịu nỗi đau chiến tranh - một nỗi đau chưa kết thúc...
Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, chúng ta cùng nhìn lại những bức hình chứa đựng khoảnh khắc đầy nước mắt và nỗi đau mà chiến tranh mang lại.
Từ những giọt nước mắt đau thương thời chiến...
Bức ảnh chụp vào tháng 6/1965 ghi lại cảnh một gia đình thường dân sống sót sau trận chiến kéo dài 2 ngày đêm ở Đồng Xoài.
Ở một góc khác, hai người phụ nữ và đứa trẻ này đã may mắn sống sót sau trận đánh ác liệt ở Đồng Xoài ngày 6 tháng 6 năm 1965. Nhìn vào bức hình ta phần nào cảm nhận được nỗi đau thể xác và tinh thần hiện hữu rõ trên gương mặt họ.
Quá sợ hãi trước sự tàn phá của bom Mỹ, người mẹ này đã cùng 4 đứa con của mình lội qua một dòng sông ở Bình Định để tìm nơi ẩn nấp. Gương mặt thất thần, giọt nước mắt sợ hãi là những gì mà người xem cảm nhận được ở bức hình được chụp năm 1965 này.
Bức ảnh cho thấy những giọt nước mắt đau đớn, xót xa khi người phụ nữ nhận ra thi thể người chồng của mình đang được bọc trong chiếc túi nilon màu đen.
Bên cạnh thi thể của anh là khoảng 47 thi thể khác cũng được tìm thấy. Bức ảnh được ghi lại tại Huế vào ngày 11 tháng 4 năm 1969.
Bức ảnh "Em bé Napalm" này được Nick Ut - phóng viên hãng AP chụp vào ngày 8 tháng 6 năm 1972. Nhân vật chính trong bức ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc cùng một số trẻ em Việt Nam vừa đi vừa khóc sau khi bom napalm dội xuống Trảng Bàng, Tây Ninh.
Bức ảnh sau đó đã nổi tiếng toàn thế giới và giúp phóng viên Nick Ut giành giải thưởng Pulitzer danh giá trong lĩnh vực báo chí vào năm 1973.
Cách đó không xa, một nhiếp ảnh gia đã ghi lại được bức hình một phụ nữ ở làng Trảng Bàng, Tây Ninh bế đứa trẻ bị bỏng nặng do bị ảnh hưởng bởi vụ dội bom napalm. Bức ảnh chụp này đã phần nào lột tả sự đau thương kinh hoàng mà người dân Tràng Bảng phải hứng chịu.
... đến giọt nước mắt "nén trong tim" ở thời bình
Có một sự thật là đôi khi chiến tranh qua đi nhưng tàn dư mà nó để lại còn đáng sợ hơn những thứ mà đã cướp đi trong trận chiến. Đây cũng là bi kịch mà không ít người đã phải chịu sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc - nỗi đau đó mang tên "da cam".
Trong thời kì chiến tranh Việt Nam từ 1961 - 1971, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng một loại chất thuốc diệt cỏ, làm rụng lá cây nhằm phá hủy lớp thảm thực vật trong vùng khí hậu nhiệt đới, làm lộ nơi ẩn nấp của kẻ thù.
Thành phần chính trong thuốc diệt cỏ - có tên gọi "chất độc màu da cam" này là Dioxin - một hợp chất hữu cơ cực độc, bền vững và rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Không những thế, chỉ với lượng nhỏ nhưng chất độc này cũng tác động mạnh đến cơ thể, gây ra nhiều biến chứng như ung thư, dị dạng, rối loạn chức năng cơ thể...
Bên cạnh đó, tác nhân da cam còn gây ra nhiều căn bệnh khác như thiểu năng sinh dục nam, nữ, di truyền đến con cái… Nhiều nghiên cứu chỉ ra, ảnh hưởng của chất độc này có thể kéo dài hơn 20 năm, di truyền qua nhiều thế hệ.
Nhìn những hình ảnh này, không ai không cảm thấy xót xa, đau đớn cho những số phận không may mang trong mình di chứng của chất độc màu da cam.
Dù chiến tranh qua đi nhưng hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn chưa vơi khi hàng triệu người Việt Nam và những thế hệ sau vẫn đang phải gánh chịu nỗi đau trên da thịt này.
Những tiếng than khóc cho số phận giờ đây khó có thể bật thành tiếng bởi nỗi đau, giọt nước mắt đã ngấm vào xương tủy, phải kìm nén trong tim... Bởi cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục và dù thế nào mỗi cá thể trong xã hội đều phải gắng sức để tồn tại.
Hy vọng rằng, ước mơ đòi lại công lý của những nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam sẽ sớm trở thành hiện thực. Đây sẽ như một động lực giúp cho họ có thể bớt khó khăn hơn và đứng vững trước sóng gió cuộc đời.
Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) được tổ chức hàng năm nhằm tưởng nhớ những người thương binh, liệt sĩ đã ngã xuống, hi sinh trong các cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Ngày lễ này được ghi nhận như là một biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của người Việt Nam. |
Nguồn: The Guardian, HowStuffworks, Wikipedia