Hiroshima 70 năm trước: một trong những chương đen tối nhất của lịch sử loài người

Minh Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:35 06/08/2015

Và cùng điểm lại khoảnh khắc quan trọng trước và trong khi hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Cách đây 70 năm, ngày 06 tháng 08 năm 1945, Hoa Kỳ ném quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên “Little Boy” xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Sau đó 3 ngày, quả bom nguyên tử thứ hai “Fat Man” đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki.

Tổng cộng có ít nhất 129.000 người đã thiệt mạng trong hai vụ nổ bom, với phần lớn là dân thường. Việc sử dụng bom nguyên tử được xem là đã buộc Nhật Bản chấp nhận đầu hàng vô điều kiện quân Đồng minh, chấm dứt hoàn toàn Chiến tranh Thế giới thứ II.

Nhiều năm đã trôi qua, sự hủy diệt khủng khiếp của hai vũ khí nguyên tử đầu tiên trong chiến tranh vẫn ám ảnh người dân trên toàn thế giới. Đồng thời, còn nhiều ý kiến tranh luận về quyết định ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Tuy nhiên, vào thời điểm khi hai quả bom nguyên tử phát nổ có thể coi là một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử loài người, minh chứng cho sự tàn khốc và phi nghĩa của chiến tranh.

Bài viết sau sẽ cùng bạn điểm lại những khoảnh khắc quan trọng trước và trong khi hai quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Những diễn biến trước vụ ném bom…

Tháng 05/1945, sau khi kéo dài 6 năm, Chiến tranh Thế giới thứ II đã dần đi vào hồi kết với sự đầu hàng của Đức Quốc xã. Thời điểm đó, phát xít Nhật vẫn từ chối đầu hàng vô điều kiện, khiến cuộc chiến tại Thái Bình Dương kéo dài.

Các nước Đồng minh đã chuẩn bị một kịch bản với mức thương vong dự đoán rất cao khi sử dụng bộ binh tại Nhật. Và chính phủ Nhật Bản quyết định huy động toàn dân chống lại bất kỳ sự xâm lược nào.

150805war07-5c7d4

Theo ước tính của Quincy Wright và William Shockley - hai nhà khoa học làm việc cho Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ, quân Đồng minh có thể chịu thiệt hại từ 1,7 triệu đến 4 triệu người. Về phía Nhật Bản, con số có thể lên tới 5 -10 triệu người.

Ngày 16 tháng 07 năm 1945, Dự án Mahattan do quân đội Hoa Kỳ khởi xướng đã kích nổ thành công một thiết bị hạt nhân tại sa mạc thuộc Bang New Mexico. Đây chính là bước đệm cho các thảm họa chưa đầy một tháng sau đó.

Ngày 26 tháng 07 năm 1945, tổng thống Hoa Kỳ, Harry Truman và các lãnh đạo phe Đồng minh lặp lại tối hậu thư, yêu cầu lực lượng vũ trang Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện. 

Lời đe dọa được trích dẫn trong Tuyên bố Potsdam: "Sự lựa chọn khác cho Nhật Bản là sự hủy diệt toàn bộ ngay lập tức". Tuy nhiên, tuyên bố không hề đề cập đến sự hiện diện của bom nguyên tử.

150805war06-5c7d4

Sau ngày 26/07, các tờ rải truyền đơn cuối cùng được máy bay Đồng minh thả xuống Nhật Bản vẫn bị phớt lờ, chính phủ Nhật cương quyết không chấp nhận tối hậu thư.

Ngày 31 tháng 07 năm 1945, thiên hoàng Hirohito tuyên bố quyền lực của Hoàng đế phải được bảo vệ bằng mọi giá.

… thời khắc của sự hủy diệt

Rạng sáng ngày 06 tháng 08 năm 1945, chiếc máy bay B29 "Enola Gay" thuộc phi đoàn 509 cất cánh từ căn cứ không quân North Field trên đảo Tinian, Tây Thái Bình Dương. Chiếc máy bay mang theo quả bom “Little Boy” chứa tới 64 kg uranium-235 hướng về Hiroshima.

150804war02-69895
Hiroshima là mục tiêu đầu tiên mà bom nguyên tử đầu tiên của quân đội Mỹ hướng đến vào năm 1945.

Tại thời điểm đó, Hiroshima là một thành phố quan trọng cả về mặt quân sự và kinh tế, bao gồm các doanh trại quân sự, căn cứ hậu cần, trung tâm liên lạc của quân đội Nhật. Dân số tại thành phố vào lúc này là 350.000 người.

Vào 8 giờ sáng, trạm radar tại Hiroshima phát hiện máy bay lạ tiến vào. Nhưng do số lượng máy bay quá ít - chỉ 3 chiếc - quân đội Nhật đã bãi bỏ lệnh đánh chặn bằng không quân để tiết kiệm nhiên liệu và giữ gìn lực lượng.

15 phút sau, tức 8 giờ 15, quả bom “Little Boy” được thả trên bầu trời tại trung tâm Hiroshima. Quả bom nổ cách mặt đất 800m, có sức công phá tương đương 13 nghìn tấn thuốc nổ TNT đã ngay lập tức giết chết ít nhất 70.000 người, trong đó có 20.000 binh sĩ. 

150804bom01-9e671
Cột khói hình nấm bốc lên bầu trời thành phố Hiroshima hôm 6 tháng 8 năm 1945.

Bán kính hủy diệt của “Little Boy” là 1,6 km và gây cháy trên diện tích 11 km vuông. Ước tính 90% nhà cửa ở Hiroshima đã bị hủy diệt hoặc hư hại.

Sau khi Hiroshima bị phá hủy, chính phủ Nhật vẫn không tỏ dấu hiệu chấp nhận đầu hàng. Thậm chí các lãnh đạo cấp cao trong quân đội Nhật còn chuẩn bị ban hành thiết quân luật trên toàn quốc nhằm ngăn cản những ai mong muốn một thỏa thuận hòa bình. Cạn kiên nhẫn, Hoa Kỳ tiếp tục thả thêm một quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki.

150804hiro01-9408a
Hình ảnh vụ nổ bom nguyên tử thứ hai tại Nagasaki ghi nhận từ trên không ngày 9/8.

Nagasaki lúc bấy giờ là một thành phố cảng lớn của Nhật Bản, đồng thời là nơi quy tụ nhiều hoạt động chiến lược như sản xuất vũ khí, thiết bị quân sự, tàu thuyền,…Ước tính dân số tại Nagasaki vào thời điểm bị ném bom là 263.000 người.

Vào 11 giờ 01, ngày 09 tháng 08 năm 1945, quả bom nguyên tử mang tên "Fat Man" chứa 6,4kg plutonium được thả từ máy bay B29 xuống thung lũng của thành phố. 

Quả bom có đương lượng nổ 21 kiloton khiến ít nhất 22.000 người chết ngay lập tức, trong đó chỉ có 150 là binh sĩ. Bán kính hủy diệt của "Fat Man" là 1,6km và gây cháy trên bán kính 3,2km về phía Nam của quả bom.

150804war03-69895
Cảnh hoang tàn tại Hiroshima sau khi bị đánh bom.

Dù có sức công phá mạnh hơn “Little Boy” nhưng “Fat Man” lại được thả vào thung lũng. Năng lượng của quả bom bị hấp thụ bớt bởi các ngọn đồi xung quanh nên quy mô phá hủy nhỏ hơn.

Ngày 15 tháng 8 năm 1945, thiên hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, khép lại cuộc chiến đen tối nhất trong lịch sử loài người.

 … và hậu quả của cuộc chiến

Cả hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki không chỉ gây hậu quả lập tức khiến hơn 100.000 người tử vong tại chỗ, mà còn để lại di chứng khiến hàng chục ngàn nạn nhân sau này chết dần vì các vết thương và nhiễm độc phóng xạ.

Đã có nhiều ý kiến không lên án việc ném bom của Mỹ bởi họ cho rằng, đó là hành động cương quyết và cần thiết. Chiến tranh nhờ đó đã kết thúc sớm nhiều tháng, góp phần giới hạn thương vong trong 2 thành phố.

150804war04-69895
Những nạn nhân vô tội phải gánh chịu đau thương sau hai cuộc ném bom ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, phần đông các nhà khoa học và chính trị gia phản đối điều này. Dù nhìn ở góc độ nào thì việc thả bom có sức công phá lớn nhắm vào dân thường là hành vi trái với đạo đức, không thể biện minh. 

Đó là tội ác chiến tranh, là tội ác chống lại loài người. Dù 70 năm đã trôi qua nhưng người dân Nhật Bản và trên toàn thế giới vẫn luôn hướng về những con người - những nạn nhân đã hi sinh trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Nguồn: Wikipedia