“Khách du lịch mang tiền đến là được tôn trọng”: Liệu có đúng thế không, Khoa Pug?

Bài viết: Minh Đức; Thiết kế: Minh thần kỳ, Theo Trí Thức Trẻ 08:32 07/11/2019

Dù Khoa Pug có biện minh như nào đi nữa, sai một ly của anh đã đi cả ngàn dặm, từ Nhật Bản cho tới Việt Nam, chứ không chỉ còn là một dặm nữa. Nếu tới bất cứ quốc gia nào, bạn phải cẩn trọng một với văn hóa bản địa thì tới Nhật Bản, bạn phải cẩn trọng mười.

Trong đoạn comment giải thích phía dưới clip của mình, Khoa Pug chia sẻ rằng vì Nhật là bậc thầy du lịch và làm PR quảng cáo, khách du lịch mang tiền đến là được tôn trọng. 

Nhưng sự thật có là như vậy? Liệu bất cứ khách du lịch nào, mang tiền đến nhưng lại thiếu đi sự tôn trọng tối thiểu về văn hoá và con người - cũng sẽ nhận được sự tôn trọng từ người dân chính đất nước ấy?

Cách đây vài năm, Youtuber nổi tiếng thế giới Logan phải lên tiếng xin lỗi sau câu chuyện giễu cợt tại khu rừng tự tử khét tiếng Nhật Bản. Sự phẫn nộ quá lớn từ người Nhật và toàn thế giới đã khiến trò đùa vô duyên ấy trở thành một tai tiếng với Logan. Tên tuổi của Logan đã bị ảnh hưởng, và có lẽ anh sẽ không bao giờ dám quay lại Nhật Bản để thực hiện vlog nữa. 

Reviewer, Youtuber khá nổi tiếng Việt Nam - Khoa Pug, mới đây cũng đã có một chuyến đi tới Nhật Bản với những video review đồ ăn, ghi lại trải nghiệm trong suốt hành trình. Không lâu sau video với tiêu đề "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn", Khoa Pug đã phải hứng chịu nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng, cả Việt Nam và Nhật Bản. Hiện tại video đã có 2,4 triệu lượt xem - đúng như nhiều người nhận định, càng gây tranh cãi thì kênh Youtube càng “đắt khách”. 

Điều khác biệt của Khoa Pug với Logan có lẽ vì Khoa Pug không được nổi tiếng khắp thế giới như Logan và cậu ta chưa đụng tới vấn đề rất nhạy cảm: Người chết vì tự tử. Dù người hâm mộ có nói hay nói dở ra sao, video trên cũng phần nào phản ánh thái độ thiếu tôn trọng của Khoa Pug với văn hóa Nhật Bản và người phụ nữ phục vụ nhà hàng.

“Khách du lịch mang tiền đến là được tôn trọng”: Liệu có đúng thế không, Khoa Pug? - Ảnh 1.

Tiếng flash điện thoại và câu chuyện chụp ảnh không xin phép

Đã bao giờ bạn tự hỏi nhiều thiết bị điện thoại ở Hàn Quốc hay Nhật Bản không thể tắt tiếng flash lúc chụp ảnh chưa? Vì họ muốn hạn chế các vấn đề chụp ảnh trộm, nghiêm trọng hơn là vấn đề quấy rối và xâm hại tình dục bằng việc chụp dưới váy phụ nữ ở những nơi công cộng. Có một ranh giới với du khách khi tới Nhật Bản: Chụp ảnh. Bạn phải chuẩn bị rất nhiều trước khi tới Nhật Bản du lịch. Một trong những quy tắc cần nhớ là chỉ được chụp ảnh khi có sự cho phép của nhân vật, nếu đó là một bức ảnh cá nhân hoặc một nhóm nhỏ rõ mặt. Khoa Pug có vẻ đã quên mất điều này hoặc cố tình ngó lơ nguyên tắc tối kỵ của người Nhật Bản.

“Khách du lịch mang tiền đến là được tôn trọng”: Liệu có đúng thế không, Khoa Pug? - Ảnh 2.

Vào thời điểm trào lưu chụp ảnh mẫu ở Việt Nam “sốt” với avatar xóa phông lung linh, nhiều người nghĩ rằng được chụp ảnh cho phải là một điều sung sướng của các mẫu. Một cô gái xinh đứng cạnh bông hoa là biết bao người chụp, chẳng rõ là ai với ai. Tuy nhiên, không phải đâu cũng vậy. Tại Nhật Bản, bạn phải xin phép khi muốn chụp ai đó, kể cả ở trên đường phố. Trong trường hợp một số người cố tình lờ đi và vẫn chụp, họ có thể sẽ phải trò chuyện với cảnh sát Nhật Bản. Thiếu tôn trọng văn hóa bản địa đã không còn chỉ là lời nhắc nhở hay sự khó chịu của người địa phương - bạn có thể gặp rắc rối và vi phạm pháp luật.

Mới đây, chính quyền khu vực phố cổ Gion - một địa điểm tham quan nổi tiếng tại cố đô Kyoto, Nhật Bản đã ban bố lệnh cấm chụp ảnh tại một số con phố trong khu vực. Nguyên nhân đưa ra là do ý thức kém của một bộ phận khách du lịch như chụp ảnh các geisha và maiko nhưng không có sự cho phép, đeo bám họ để chụp ảnh hay selfie, thậm chí là lẻn vào trong nhà riêng để chụp ảnh. Người dân ở đây sẽ phát hiện và trình báo với công an những trường hợp vi phạm lệnh cấm. Chính quyền cũng sẽ đặt các camera theo dõi để xử phạt. 

“Khách du lịch mang tiền đến là được tôn trọng”: Liệu có đúng thế không, Khoa Pug? - Ảnh 3.

Những ví dụ như vậy là đủ để hiểu, người dân Nhật Bản rất tôn trọng và đề cao quyền riêng tư, kể cả việc chụp ảnh khi chưa cho phép. Khoa Pug có giải thích sau đó về việc đã xin phép nhà hàng chụp ảnh. Tuy nhiên, nhà hàng chỉ có thể cho phép chụp ảnh món ăn, nội thất, trang trí chứ không thể đại diện cho quyền của nhân viên. Họ đang làm phục vụ nhà hàng chứ không phải người mẫu để hợp đồng có điều khoản cho phép công chúng chụp ảnh (chắc cũng không có cái điều khoản nào như vậy trên đời). Cô nhân viên nhà hàng đã nhiều lần nói “làm ơn dừng lại, hãy ghi hình sau khi tôi đi ra ngoài, thành thật xin lỗi” hay “Tôi không phải là một thứ đồ vật để ngắm nhìn, làm ơn dừng lại”.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự hiểu nhầm không đáng có trên có thể do yếu tố người dịch khi không hiểu điều cô gái phục vụ muốn nói. Luận điểm trên không thuyết phục khi Khoa Pug không hỏi ý kiến cô gái này trước khi quay chụp và chúng ta đều biết rằng, có những biểu cảm cơ thể, nét mặt là ngôn ngữ mang tính khá đại chúng - trừ một số trường hợp khác biệt hẳn. Biểu cảm khó chịu là một điều ra dấu cho người đối phương hãy dừng lại hành động đang làm.

“Khách du lịch mang tiền đến là được tôn trọng”: Liệu có đúng thế không, Khoa Pug? - Ảnh 4.

Với các nhà hàng truyền thống, cung cách ăn uống cũng là điều được coi trọng. Giống như việc bạn cứ nói liên tục trong bàn ăn hay nhai nhồm nhoàm sẽ gây khó chịu với văn hóa ẩm thực của nhiều nước, cô gái phục vụ kia có lẽ cũng cảm thấy sự thiếu tôn trọng món ăn khi bày ra trước mắt nhưng người camera vẫn chỉ chăm chăm ghi hình, dù đây không phải một buổi quay được báo trước.

Thiếu tôn trọng phụ nữ

Một thời, người Việt hay rủ tai nhau câu “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”. Người phụ nữ Nhật thường được đánh giá là rất biết cách chiều chồng, chăm sóc chu toàn cho gia đình, có sự khiêm nhường và lễ nghĩa chỉn chu. Câu nói đấy đôi khi bị hiểu theo ý khác khi nhiều người cho rằng phụ nữ Nhật Bản thường có địa vị thấp kém hơn so với đàn ông. Video với thumbnail Khoa Pug ngồi ăn, cô gái phục vụ quỳ dưới bàn với dòng tít vơ đũa cả nắm “Phụ nữ Nhật quỳ khóc…” khiến nhiều người xem cảm nhận thấy cái tư tưởng bề trên rõ ràng trong câu chuyện.

Quỳ gối và cúi đầu trong tiếng Nhật gọi bằng cái tên Zarei. Zarei ít phổ biến hơn trong xã hội hiện đại và thường chỉ thấy ở các nghi thức văn hóa trang trọng như trong biểu diễn cắm hoa, trà đạo hay Kendo. Việc nhân viên quỳ trong nhà hàng để phục vụ khách thể hiện đó là một nhà hàng trang trọng, theo phong cách truyền thống. Nhân viên phục vụ quỳ để phục vụ khách là cung cách lịch sự, không phải vì thương cho người quay phim kia mà quỳ xuống rồi khóc.

Phụ nữ Nhật - rõ ràng trong câu chuyện trên có một người phụ nữ cụ thể, nhưng Khoa Pug lại dùng cụm từ “Phụ nữ Nhật” như đại diện cho cả một nhóm người trong xã hội Nhật. Phụ nữ Nhật Bản cũng không dễ “quỳ khóc” khi Khoa Pug liên tục sử dụng các từ ngữ thậm xưng quá đà trên video của mình. Nhân viên phục vụ đã không dưới ba lần tỏ ra khó chịu với mức độ ngày càng tăng nhưng việc quay phim vẫn chưa dừng lại, thậm chí đến khi cô ấy phải nói “Tôi không phải là một thứ đồ vật để ngắm nhìn, làm ơn dừng lại”, hai người vẫn hồn nhiên như không có chuyện gì.

Nếu theo cách giải thích của Khoa Pug, mọi thứ đều chỉ là sự hiểu nhầm về mặt ngôn ngữ và những “ngộ nhận tưởng là”, liệu Khoa Pug nên có một lời xin lỗi và xóa video gây nhiều tranh cãi như vậy? Mất đi một video hơn 2 triệu view không làm Khoa Pug thiệt hại quá lớn khi anh cũng có bộ sưu tập video triệu view. Nhưng nếu mất danh tiếng, những nội dung của Khoa Pug có thể sẽ đi vào bánh xe đổ như nhiều Youtuber khác.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày