Instagram tự truyện: Từ ứng dụng làm chơi theo tên một loại rượu, đến ngôi vị mạng xã hội tiềm năng nhất cho giới trẻ

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 15:21 13/07/2018

Instagram từng có tên gọi Burbn, một cái tên lạ hoắc mà dù có biết thì bạn cũng chẳng bao giờ nghĩ nó sẽ làm nên thành công vĩ đại như bây giờ.

Instagram hiện tại đang là một trong những ứng dụng nổi lên mạnh mẽ nhất làng công nghệ nói chung và cộng đồng giới trẻ dùng mạng xã hội nói riêng. Tuy nhiên, rất ít người từng nhận ra được đây thực sự là một viên ngọc quý với thành tích nổi lên vượt trội chỉ trong vài tháng đầu phát triển, đến nỗi chỉ 1 năm rưỡi sau đó, Facebook bắt buộc phải vung 1 tỷ USD ra mua ngay trước khi Instagram trở thành một đối thủ mạnh mẽ.

Nhưng câu chuyện đời Instagram vẫn còn khá nhiều góc nhỏ không phải ai cũng biết, nhất là việc ngày xưa nó từng mang một cái tên lạ hoắc - Burbn - so với nhân dạng Instagram quen thuộc hiện tại.

Burbn: Bản gốc của Instagram, bước ngoặt đầu đời của nhà sáng lập Kevin Systrom

Năm 2009, cậu sinh viên 27 tuổi Kevin Systrom (sau này là nhà sáng lập ra Instagram, từng tốt nghiệp Đại học Stanford danh giá) đang làm việc tại Nextstop - một startup tư vấn du lịch. Trước đó, Systrom cũng đã từng làm cộng tác phát triển sản phẩm tại Google và thực tập tại Odeo (tiền thân của Twitter). Giai đoạn này không có quá nhiều biến cố và đột phá, chỉ gồm nhiều cái tên "trước lạ sau quen" mà sau này sẽ khiến nhiều người phải bất ngờ.

Instagram tự truyện: Từ ứng dụng làm chơi theo tên một loại rượu, đến ngôi vị mạng xã hội tiềm năng nhất cho giới trẻ - Ảnh 1.

Systrom trước đó chưa từng có bất kỳ kinh nghiệm hay bằng cấp nào trong ngành khoa học máy tính, nhưng khi làm việc tại Nextstop, anh đã dần dần cóp nhặt kiến thức và tự học lập trình vào những buổi đêm cũng như cuối tuần có thời gian rảnh. Từ đó, anh tự dựng nên một ứng dụng có tên Burbn, với cách phát âm gần giống "bourbon", lấy cảm hứng từ sở thích về rượu whiskey và bourbon của mình.

Ban đầu, Burbn có những chức năng chính tập trung vào việc up ảnh, check in địa điểm và chia sẻ các kế hoạch, buổi hẹn. Việc thông báo về thời gian địa điểm qua các ứng dụng chia sẻ không phải là điều quá mới mẻ vào thời điểm đó, nhưng khi kết hợp với đặc trưng rằng có một ứng dụng chỉ chuyên về up ảnh, nó đã tạo nên sự khác biệt thật sự. Thời đó, đã có một vài người bạn thân của Systrom được dùng thử đầu tiên, khi mà họ đều không có một ý niệm nào rằng mình đang được trải nghiệm một trong những ứng dụng thành công nhất thế giới bây giờ.

Buổi tiệc định mệnh tại Hunch

Mọi thứ sẽ cứ vẫn đều đều diễn ra như thế cho đến khi Systrom tham dự buổi tiệc của Hunch - một công ty công nghệ khởi nghiệp có trụ sở tại Silicon Valley. Tại đây, Systrom có cơ hội được gặp và trao đổi với 2 nhà đầu tư từ Baseline Ventures và Andreessen Horowitz, giới thiệu với họ Burbn và các mô hình liên quan. Kết quả là gì? Một cuộc gặp gỡ cafe giữa 3 người ngay lập tức được lên lịch để bàn luận kỹ hơn.

Sau buổi đàm đạo mang tính chất quyết định đó, Systrom bỏ công việc hiện tại ngay lập tức và chỉ tập trung vào Burbn, phát triển tính năng, trải nghiệm. Chỉ sau 2 tuần, anh đã giành được thỏa thuận rót vốn lên tới 500.000 USD từ 2 đối tác Baseline Ventures và Andreessen Horowit trước đó, thuyết phục hoàn toàn dự định của họ.

Instagram chính thức ra đời, xây dựng nền móng nguồn nhân lực đầu tiên

Có tiền đầu tư và mẫu sản phẩm gốc, nhưng "muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau". Systrom nhận thấy đã đến lúc phải lập ngay cho mình một team riêng và đặt trọng tâm vào Burbn.

Instagram tự truyện: Từ ứng dụng làm chơi theo tên một loại rượu, đến ngôi vị mạng xã hội tiềm năng nhất cho giới trẻ - Ảnh 2.

Người đầu tiên tham gia lời đề nghị để trở thành đồng sáng lập Instagram tương lai là Mike Krieger - 25 tuổi, một sinh viên Stanford giống Systrom, có kinh nghiệm về lập trình và thiết kế giao diện trải nghiệm người dùng cho các nền tảng truyền thông xã hội. Khỏi phải nói cũng có thể đoán được họ từng biết nhau từ thời Đại học và đã có dịp chạm mặt nhau trong các dự án công nghệ.

Sau khi Krieger cùng hợp tác, cả 2 đã cùng ngồi lại vạch ra đường lối cho Burbn, điểm mạnh, điểm yếu và các chiến lược phát triển. Cuối cùng, họ nhận ra rằng phải chọn lấy một thứ duy nhất để đẩy mạnh và làm ngay lập tức: Khả năng chia sẻ ảnh di động.

Sau 1 tuần thử nghiệm ý tưởng mới, Systrom và Krieger cảm thấy mọi thứ vẫn khá lung lay, lộn xộn và rườm rà dù cho đã tập trung vào một tính năng xác định. Sau đó, họ cẩn thận nghiên cứu từng cái tên nổi tiếng trong làng ứng dụng chụp ảnh, rồi phát hiện những tính năng như filter có sẵn và chỉnh sửa được ưa chuộng rất mạnh, nhưng phần lớn chúng chỉ được xây dựng độc lập mà thiếu đi tính chất chia sẻ cộng đồng. Nói cách khác, bộ đôi này đã nghĩ đến một con đường mới, nơi gộp lại đầy đủ của một "Facebook phiên bản 2" dành riêng cho chụp và chia sẻ ảnh.

Instagram tự truyện: Từ ứng dụng làm chơi theo tên một loại rượu, đến ngôi vị mạng xã hội tiềm năng nhất cho giới trẻ - Ảnh 3.

Điều đó đồng nghĩa với việc thiết kế của Burbn được cải tổ hoàn toàn, tất cả bị thay đổi chỉ để lại tính năng chia sẻ ảnh, đi kèm các nút Like, comment "học tập" từ Facebook. Hơn nữa, họ cũng thống nhất đổi tên Burbn thành Instagram - kết hợp của "instant" (ngay lập tức) và "telegram" (tin nhắn, điện tín). Nhờ tay nghề thiết kế giao diện của Krieger, chủ đề tối giản được chọn làm phong cách cho Instagram, với mục đích khiến người dùng cảm thấy nhanh chóng, dễ chịu, tiện lợi nhất bất kể khi cần thao tác thứ gì. Chỉ sau 8 tuần, bản dùng thử đã hoàn thành và được thử nghiệm "thần tốc".

Những thắng lợi trong mơ đầu tiên

Ngày 6/10/2010 chứng kiến lần ra mắt đầu tiên của Instagram trên đấu trường ứng dụng, và ngay trong cùng ngày hôm đó, vị trí top đầu danh mục ứng dụng chia sẻ ảnh đã ngay lập tức về tay Instagram đúng như một phần ý nghĩa của tên gọi của nó. Trong một bài viết chia sẻ và trả lời cộng đồng mạng, nhà sáng lập Kevin Systrom cho biết:

"Ban đầu chúng tôi không dám mong đợi một thành công vượt cả dự tính như thế. Từ việc giành được một số lượng kha khá người dùng dần tăng lên cho tới lúc đạt danh hiệu top 1 ứng dụng chia sẻ ảnh, tất cả chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ."

Sau 1 tuần đầu tiên, Instagram đã có hơn 100.000 lượt tải về, và đến giữa tháng 12/2010, con số đó đã tăng lên 1.000.000. Thời điểm mà họ chọn để ra mắt Instagram cũng rất thông minh khi iPhone 4 vừa được trình làng với camera thế hệ mới, như một bước thúc đẩy cho nền công nghiệp chụp và chia sẻ ảnh trên smartphone, vượt qua những hạn chế của iPhone 3GS trở về trước.

Không ngừng phát triển và đổi mới, xâu xé bởi các đối thủ khác

Trong thời đại công nghệ thay đổi không ngừng, dừng chân là chắc chắn tụt hậu, vì thế không khó hiểu khi Instagram lại nhanh chóng bước vào một guồng quay mới. Khi đó, các nhà đầu tư cũng đã quen mặt và tỏ ra rất hứng thú với mạng xã hội mới này, điển hình là khoản trợ vốn 7 triệu USD từ nhiều bên vào tháng 2/2011. Trong đó, các cặp mắt của nhiều ông lớn sừng sỏ khác trong lĩnh vực mạng xã hội như Mark Zuckerberg từ Facebook hay Jack Dorsey của Twitter cũng đã dần để ý tới Instagram.

Instagram tự truyện: Từ ứng dụng làm chơi theo tên một loại rượu, đến ngôi vị mạng xã hội tiềm năng nhất cho giới trẻ - Ảnh 4.

3 lần thay đổi diện mạo icon ứng dụng cũng là 3 dấu mốc vượt nhảy đáng nhớ của Instagram.

Khi đó, toàn bộ công ty và nhân sự làm việc cho Instagram chỉ là 12 người. Đó là chủ đích của cả Systrom và Krieger khi muốn tối ưu hóa tỷ lệ nhân lực so với hiệu quả công việc, đồng thời tối giản hóa những thứ không cần thiết để dành nhiều sự tập trung cho sản phẩm.

Tại thời điểm bấy giờ, Facebook và Twitter là 2 cái tên đáng gờm nhất đối với Instagram. Systrom biết tới Jack Dorsey của Twitter từ thời còn làm việc ở công ty cũ. Và giờ Dorsey - sau khi về làm lãnh đạo cấp cao cho Twitter vào năm 2011 - lại đang "đánh ý" về việc mua lại Instagram của Systrom, với cái giá đưa ra là 500 triệu USD. Dù vậy, Systrom đã từ chối vì muốn độc lập vận hành công ty theo ý mình.

Tới tháng 3/2012, tổng số người dùng trên Instagram đã lên tới 27 triệu. Một tháng sau đó, Instagram có mặt trên nền tảng Android rộng lớn, nhận được hơn 1 triệu lượt tải về nữa chỉ trong chưa đầy ngày hôm đó. Rõ ràng, những bước tiến của Instagram đang ngày càng cho thấy tiềm năng lớn mạnh và phát triển không ngừng trên con đường của mình.

Instagram tự truyện: Từ ứng dụng làm chơi theo tên một loại rượu, đến ngôi vị mạng xã hội tiềm năng nhất cho giới trẻ - Ảnh 5.

Nói về Facebook, Mark Zuckerberg thực chất đã biết về Kevin Systrom từ thời sinh viên khi tham gia một vài sự kiện ở Stanford, thậm chí đã trao đổi với nhau trong thời kỳ phát triển nhanh chóng của Instagram. Điều gì đến cũng phải đến, Facebook đưa ra lời đề nghị mua đứt Instagram với mức giá 1 tỷ USD vào cùng tháng 4/2012, đi kèm điều kiện rất tâm lý và tinh tế theo ý Kevin Systrom: Instagram vẫn sẽ hoạt động độc lập và quản lý riêng so với Facebook. Rất nhanh chóng, Systrom gật đầu.

Lời kết

Tính đến tháng 6/2018 vừa qua, Instagram chính thức đạt dấu mốc 1 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng, một bước tiến vượt bậc so với 800 triệu vào tháng 9/2017, trở thành một trong những mạng xã hội phổ biến nhất thế giới nói chung và cho giới trẻ nói riêng.

Vui buồn có, thăng trầm cũng có - đó là những điều không thể tránh khỏi ở bất cứ con đường nào được vạch ra. Thế nhưng, Instagram vẫn đang đều đều tiến lên giành thêm nhiều tình cảm từ cộng đồng mạng, phần nhiều đến từ những đặc trưng đơn giản vốn có cũng như cách chăm chút và cập nhật tính năng mới thường xuyên của mình. Mark Zuckerberg đã lựa chọn một quyết định cực đúng đắn và hái ra cực nhiều tiền rồi đó nhỉ!