Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì 1)

Ngân Long - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 11:54 01/07/2018

Những công việc mà người Việt Nam làm hằng ngày, đôi khi lại mang trong mình cả bức chân dung dân tộc, là hồn Việt. Chỉ tiếc là, chúng vẫn chưa được khai thác hiệu quả bởi các nhà làm phim.

Phim Việt Nam ngày càng phát triển, khán giả Việt đã có dịp được xem nhiều thể loại phim hơn chứ không chỉ gói gọn trong phim hài. Thế nhưng, có những ngành nghề, những thứ rất đơn giản, gắn liền với văn hóa và cuộc sống con người Việt nhưng chẳng mấy khi được đưa lên phim.

1. Món ăn Việt: Bếp ăn của thế giới nhưng nhạt nhẽo trên phim Việt

Câu nói "Nghề ăn uống muôn đời thịnh" vẫn đúng cho đến thời điểm này. Dù là vùng quê hẻo lánh hay chốn phồn hoa đô hội, người ta vẫn cần những quán ăn để đủ sức lao động. Lịch sử Việt Nam đã bị nhiều tổn thất khi các tác phẩm văn hóa, các di tích bị tàn phá bởi chiến tranh, thiên tai. Thế nhưng nét văn hóa ẩm thực thì vẫn trường tồn, giúp người Việt gìn giữ bản sắc dân tộc. Từ bát phở nước trong vắt nơi kinh kì, đến chén cơm hến vùng cố đô, hay đĩa cơm tấm nơi Sài thành hoa lệ… tất cả là tâm huyết của người bán, mà cũng là tinh hoa được gìn giữ bởi cha ông.

Thế nhưng buồn thay, những món ăn đó không được người ta khai thác triệt để trong điện ảnh. Người hâm mộ điện ảnh thích thú khi nghe Tilo (Aishwarya Rai đóng) giảng giải về từng loại gia vị trong The mistress of spices: "Đàn hương hóa giải những kỉ niệm đau thương, trong khi hạt thìa là đen bảo vệ ta khỏi đôi mắt quỷ dữ" hay trong Thực thần của Châu Tinh Trì, các nhân vật giải thích vô cùng tỉ mỉ về cách nấu món ăn khiến cho người xem phải thèm thuồng khi xem phim.

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì 1) - Ảnh 1.

Nhân vật Tilo quyến rũ người xem bằng kiến thức của cả nền văn hóa Ấn Độ

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì 1) - Ảnh 2.

Ngoài yếu tố hài hước thường thấy, nghệ thuật ẩm thực của Thực thần là một điểm nhấn đầy tinh tế

Thế những món ăn Việt liệu có yếu tố tinh tế và thăng hoa như Ấn, Trung?

Câu trả lời là có. Ngay như với món phở, một tác giả tên Tuệ Lam đã từng viết: "Xương ống bò trước khi đem ninh phải được cạo sạch thịt còn bám, rồi thanh tẩy bằng hỗn hợp rượu trắng dấm gạo và muối. Đổ dung dịch đó ngập mặt xương, ngâm liền trong khoảng 3 tiếng đồng hồ cho thôi những chất bẩn bám bên ngoài. Sau đó, vớt xương ra, xếp vào nồi to, cho vài củ gừng tươi vào kèm, đổ nước sạch ngập xương, đun đến khi sôi sùng sục, các chất bẩn trong xương bắt đầu thôi ra, đợi khoảng 10 phút thì nhấc xuống, đưa xương ra rửa lại bằng nước sạch. Nào đã xong, sau đó lại xếp xương vào nồi, chế nước sạch, bỏ thêm hành nướng, gừng nướng, sá sùng khô vào ninh cùng để thêm độ ngọt. Ngoài ra còn là thảo quả, hoa hồi để thêm mùi thơm. Khi đó mới bắc lên bếp ninh. Khi nước sôi phải hạ lửa để không sôi bùng, đồng thời vớt bọt liên tục để nước trong. Xương phải được ninh ít nhất từ 10 tiếng trở lên, quãng thời gian đủ để chất ngọt từ các nguyên liệu tiết ra." - trích "Đời Phở".

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì 1) - Ảnh 3.

Phim "Mùi Ngò Gai"

Với món phở, có rất nhiều người yêu nó, hiểu nó. Thế nhưng khi nhắc về nó trên phim, người ta chỉ nhớ loáng thoáng về Mùi Ngò Gai, một bộ phim truyền hình đậm chất Hàn Quốc với những tình tay ba, con riêng đoạt quyền, doanh nghiệp đấu đá chứ nào thấy phở được nấu ra sao, tô phở mang hồn Việt có tác động lớn như thế nào mà được mang đặt tên phim!?

Bi hài hơn, còn có cả phim điện ảnh tên … Kung Fu Phở, nhưng người xem vẫn chẳng nhớ được gì ngoài những màn đấu võ và câu nói: "Càng giỏi kungfu, nấu (phở) càng giỏi"...

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì 1) - Ảnh 4.

Poster "Kungfu Phở"

Có thể thấy, điện ảnh nước ngoài chọn yếu tố văn hóa trong ẩm thực làm xương sống, sau đó khai thác lãng mạn, hài, hành động… dựa trên yếu tố đó. Còn với điện ảnh Việt, người ta chỉ chọn đại một yếu tố nào đó, rồi nhét các mảng miếng, các khuôn mặt ngôi sao vào với hi vọng sẽ thành công. Điều này không những khiến bộ phim thất bại trong việc giới thiệu yếu tố văn hóa, mà còn trở nên vô hồn, nhàm chán.

Nếu những món ăn hàng ngày như phở, cơm tấm, mì Quảng v.v... có thể đem đến những bộ phim có bối cảnh hiện đại mà vẫn đầy tính dân tộc, thì có những món ăn mà việc kể về nó có thể giúp khắc họa một thời đại trong lịch sử.

Chẳng hạn như chiếc bánh cáy ở miền Bắc. Câu chuyện về sự ra đời của chiếc bánh cáy gắn liền với một thời đại đầy biến động của triều Lê Trung Hưng. Khi đó, tất cả thực quyền rơi vào tay chúa Trịnh, còn vua Lê chỉ là bù nhìn. Chúa Trịnh Sâm vì ghen ghét với hoàng thái tử Duy Vĩ, mà đã tống giam ông, mấy năm sau thì giết. Trong thời gian bị giam, nhờ có bà bảo mẫu Nguyễn Thị Tần nhanh trí làm ra món bánh cáy, mà hoàng thái tử Duy Vĩ vẫn có thể sống khỏe mạnh. Sau khi thái tử chết, bà Tần về quê và dạy con cháu làm món bánh này. Dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao để nhắc về làng Nguyễn Xá, nơi khai sinh ra món bánh này:

Hồn Việt trong phim Việt: Gần ngay trước mắt nhưng xa tận chân trời (Kì 1) - Ảnh 5.

"Nguyễn Xá bánh cáy, khoai ráy Động Trung"

Chúng ta vẫn hay nói rằng người trẻ Việt thờ ơ với văn hóa nước nhà mà chạy theo những giá trị ngoại quốc. Nhưng những nhà làm văn hóa hay những nhà làm phim đã bao giờ hỏi vì sao người trẻ Việt lại thích văn hóa Nhật, thích ăn món Hàn Quốc... không? Vì người nước họ mang những món ăn, những thứ gọi là quốc hồn quốc túy lên phim ảnh bất cứ khi nào có thể. Để rồi khi xem xong một bộ phim Hàn ta liền thèm ngay một đĩa kimchi, xem xong một bộ phim Nhật là muốn thử liền một tô mì udon nghi ngút khói.

Trong khi Việt Nam chúng ta không thiếu những món ăn làm người nước ngoài phải ngây ngất nhưng lại chả mấy khi được xuất hiện trên phim chứ đừng nói là làm phim về chúng. Đâu rồi cảnh những người đầu bếp nấu ra một tô phở mà chỉ nhìn qua màn ảnh, nghe nhân vật nói về chúng thôi mà cũng thấy ngon, thấy thèm? Đâu rồi một bộ phim về gia đình 3 đời chuyên bán cơm tấm ở Sài Gòn? Những khung cảnh đó, bộ phim đó chưa từng xuất hiện thì làm sao mà tìm lại?