Theo người phát ngôn của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong, tính đến cuối ngày 3/3, tỷ lệ phục hồi tại thành phố Vũ Hán đã tăng lên 50,2%, trong khi con số này trên toàn tỉnh Hồ Bắc là 76,8%. Bên ngoài tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã ghi nhận tỷ lệ phục hồi ở mức 87,3%. Tính đến ngày 4/3, Trung Quốc đã ghi nhận tổng cộng 49.856 bệnh nhân phục hồi và xuất viện.
Ngày 4/3, NHC thông báo đã ghi nhận thêm 119 ca nhiễm và 38 ca tử vong trong ngày 3/3 tại Trung Quốc đại lục, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2- tại Trung Quốc đại lục lên 80.270 người.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số trường hợp được xác nhận nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã lên tới 10.566 người, lần đầu tiên vượt qua con số 10.000 người. Trong ngày 4/3, Ba Lan và Argentina đã vào danh sách các quốc gia có ca nhiễm, trong khi Tây Ban Nha và Iraq ghi nhận ca tử vong đầu tiên. Cùng ngày, một quan chức tại Cơ quan Phòng thủ châu Âu đã trở thành ca nhiễm đầu tiên trong cơ quan hành chính của Liên minh châu Âu (EU). Quan chức này gần đây đã đến Italy. Như vậy, đã hơn 70 quốc gia ngoài Trung Quốc xác nhận có trường hợp mắc COVID-19, với 166 ca tử vong.
Nhân viên y tế tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tại Daegu, Hàn Quốc, ngày 3/3/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Tình hình dịch tại Hàn Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp khi tổng số ca nhiễm tại nước này đã lên 5.621 ca, 33 ca tử vong. Trong khi đó, Italy đang cân nhắc thiết lập thêm "vùng đỏ" cách ly mới gần thành phố Bergamo ở miền Bắc nước này khi số ca nhiễm đã vượt 2.500 người. Tính đến thời điểm này, tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Italy đã lên đến 2.502 trường hợp, trong đó 79 ca tử vong. WHO cũng bày tỏ lo ngại tình hình dịch bệnh tại Iran, nơi 2.300 người nhiễm, trong đó 77 người tử vong. Các quan chức WHO cảnh báo việc thiếu các thiết bị bảo hộ cho các nhân viên y tế có thể khiến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh tại nước này trở nên rất khó khăn.
Nhằm đối phó với các thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên mạng xã hội, Facebook thông báo sẽ hỗ trợ WHO tuyên truyền về SARS-CoV-2 cũng như những nguy cơ và cách ứng phó với virus nguy hiểm này. Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg cho biết hãng sẽ tạo điều kiện để WHO tuyên truyền về những nỗ lực ứng phó với COVID-19 trên nền tảng này mà không tính phí. Theo đó, những người dùng tìm kiếm thông tin về virus SARS-CoV-2 trên Facebook sẽ thấy một bảng thông tin chuyển hướng tới những nguồn thông tin mới nhất về dịch bệnh do WHO hay các cơ quan y tế địa phương cung cấp. Ông Zuckerberg cũng cam kết Facebook sẽ gỡ bỏ những thông tin sai lệch và "các thuyết âm mưu" về virus SARS-CoV-2 và COVID-19 đã được các tổ chức y tế toàn cầu cảnh báo. Facebook sẽ hợp tác với các chuyên gia y tế toàn cầu và sẵn sàng tài trợ hàng triệu USD quảng cáo cho các tổ chức y tế chính thống khác.
Trong một diễn biến khác, các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu về nguồn gốc bùng phát dịch COVID-19 ngày 4/3 thông báo phát hiện 2 loại chính của virus SARS-CoV-2 gây ra căn bệnh này. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy virus SARS-CoV-2 gồm 2 loại, trong đó 1 loại có độc lực mạnh hơn liên quan đến dịch COVID-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán chiếm khoảng 70% số chủng virus đã phân tích, trong khi loại còn lại có độc lực kém hơn chiếm 30%. Theo các nhà nghiên cứu, sự xuất hiện của loại virus mạnh hơn đã giảm kể từ sau tháng 1/2020. Những phát hiện trên cho thấy tính cấp thiết của việc tiến hành thêm các nghiên cứu toàn diện, kết hợp dữ liệu về gene, dữ liệu dịch tễ học và các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Nhằm đẩy nhanh quá trình xét nghiệm, công ty Shimadzu Corp. của Nhật Bản đặt mục tiêu vào cuối tháng 3 này, có thể phát triển một phương pháp kiểm tra giúp phát hiện virus SARS-CoV-2 trong 1 giờ. Hiện nay, phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) đang được dùng rộng rãi để phát hiện virus. Quá trình này đòi hỏi lấy dịch ở họng và mất khoảng 6 giờ để có kết quả sau khi đưa mẫu xét nghiệm vào máy chuyên biệt. Trong khi đó, phương pháp mới sẽ giúp giảm thiểu thời gian và chi phí cần thiết để kiểm tra thông qua việc sử dụng một loại thuốc thử điển hình để xét nghiệm virus. Phương pháp mới của Shimadzu là một hình thức xét nghiệm giống PCR, nhưng bỏ qua thủ tục lấy ADN từ virus để giảm thiểu thời gian phân tích. Shimadzu nhấn mạnh trong bối cảnh số người cần kiểm tra ngày càng tăng, công ty đã nhận được yêu cầu phát triển một phương pháp rút ngắn thời gian cho kết quả. Shimadzu đang nỗ lực thương mại hóa bộ dụng cụ này sớm nhất có thể và lên kế hoạch sản xuất khoảng 50.000 bộ dụng cụ/tháng. Nhiều cơ sở nghiên cứu và công ty dược phẩm đang đẩy mạnh nỗ lực phát triển các phương pháp xét nghiệm mới trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan nhanh chóng.
Cùng ngày, Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố gói hỗ trợ 12 tỷ USD để giúp các nước đối phó với dịch bệnh. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch WB David Malpass cho biết mục tiêu của gói hỗ trợ này là nhằm cung cấp hành động nhanh chóng, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo hiện đang phải "oằn mình" để chống chọi với sự lây lan của dịch COVID-19. Gói cứu trợ trên sẽ được sử dụng để mua trang thiết bị hoặc vật tư y tế, cũng như chi phí tư vấn về chuyên môn và chính sách. Một khoản trong số tiền 12 tỷ USD này được phân bổ tới các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Ông Malpass cho biết số tiền trên, trong đó có 8 tỷ USD là huy động mới, sẽ được chuyển đến các quốc gia đã đề nghị được trợ giúp. WB trước đó đã liên hệ với nhiều quốc gia thành viên, song Chủ tịch WB không cho biết nước nào sẽ nhận được khoản viện trợ đầu tiên. Ông nhấn mạnh WB muốn tận dụng tốt nhất các nguồn lực và chuyên môn toàn cầu, cũng như các kinh nghiệm ứng phó với các cuộc khủng hoảng như dịch Ebola và Zika trước đây để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, khoảng 3,4% số ca nhiễm COVID-19 đã tử vong, cao hơn nhiều so với tỉ lệ tử vong dưới 1% của cúm mùa, tuy nhiên chủng mới của virus corona này là có thể kiểm soát được. Ông Ghebreyesus khẳng định "tựu chung, COVID-19 không lây lan bằng cúm, sự truyền nhiễm dường như không đến từ những người không bị bệnh. COVID-19 gây bệnh nghiêm trọng hơn cúm, hiện chưa có vaccine hay liệu pháp điều trị, và nó có thể kiểm soát được". Ngoài ra, WHO bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩu trang, kính và nhiều thiết bị bảo hộ khác của các nhân viên y tế đang khan hiếm do người dân đổ xô đi mua cũng như sự thao túng của thị trường.