Hơn 30 triệu bé gái "vô hình" tại Trung Quốc

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 15:57 01/12/2016

Theo thống kê, tại Trung Quốc có khoảng 30 đến 60 triệu "bé gái mất tích" mỗi năm. Thực chất, con số này ra sao và những bé gái đó, các em mất tích đi đâu?

Tại Trung Quốc, truyền thông và báo chí thường nhắc đến con số 30 đến 60 triệu bé gái mất tích do chính sách một con của đất nước này, tạo nên sự mất căn bằng giới tính. Nhiều người đã nghe tới thuật ngữ "missing girls" (tạm dịch: những bé gái mất tích). Vậy thực chất, con số khổng lồ các bé gái kia, các em mất tích đi đâu?

Tuy nhiên, các bé gái này không mất tích đi đâu cả. Đó chỉ là một câu chuyện được thêu dệt để nói về những bé gái tại Trung Quốc không được đăng ký khai sinh vì chính sách một con chặt chẽ của đất nước này. 

"Mọi người thường nghĩ rằng có khoảng 30 triệu bé gái mất tích mỗi năm tại Trung Quốc. Con số này tương đương với dân số California", John Kennedy, một giáo sư về khoa học xã hội từ đại học Kansas cho biết.

Hơn 30 triệu bé gái vô hình tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Có khoảng 30-60 triệu bé gái "mất tích" tại Trung Quốc.

"Phần lớn mọi người tìm được lời giải thích rằng con số đó là kết quả của nạn phá thai và tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm thấy những lý do hợp lý hơn", Kennedy cho biết.

Theo trang Scmp, trong nhiều thập kỷ về trước, có khoảng 30 - 60 triệu các bé gái "mất tích" vì cha mẹ không dám đăng ký giấy khai sinh cho con, hoặc đăng ký muộn vì sợ bị phạt.

Kennedy và đồng tác giả Shi Yaojiang từ trường đại học Thiểm Tây, Trung Quốc đã phân tích những số liệu và đưa ra lý do giải thích hợp lý hơn cho những bé gái mất tích kia: đa phần các em sinh ra và không được đăng ký khai sinh với địa phương. Trên thực tế, các em không hề tồn tại trên giấy tờ của nhà nước. Những phát hiện này được công bố trên tạp chí China Quartely.

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng quan chức địa phương cũng nới lỏng cho các gia đình nông dân. Theo họ, đó là cách hợp lý để giữ ổn định tình hình địa phương, nguồn nhân lực. Chính quyền địa phương cũng không báo cáo số ca sinh con ngoài kế hoạch mà kết quả đã ảnh hưởng tới số liệu thống kê dân số cả nước. Những đứa trẻ không được nằm trong số liệu điều tra dân số ban đầu nhưng sau khi lớn lên, chúng sẽ được đăng ký muộn để hưởng các phúc lợi xã hội như y tế và giáo dục.

Hơn 30 triệu bé gái vô hình tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Trên thực tế, các em không được đăng ký khai sinh để tránh chính sách một con của nhà nước.

Theo ông Kennedy, dù là quan chức của nhà nước, họ vẫn là người dân địa phương và họ vẫn sống trong các ngôi làng cùng với mọi người. Do đó, những chính sách được thi hành cũng phải đảm bảo "hài hòa" với cuộc sống của người dân.

Nghiên cứu của Kennedy và các đồng sự bắt đầu từ năm 1996 khi họ phỏng vấn một người dân làng tại tỉnh Thiểm Tây và phát hiện ra rằng, anh ta có 2 con gái và 1 con trai. Tuy nhiên, cô con gái giữa được coi là "không tồn tại".

Từ giữa những năm 1980, người dân có thể sinh con thứ 2 nếu đứa trẻ đầu tiên là con gái. 

Các nhà nghiên cứu sau đó đánh giá dân số Trung Quốc dựa trên nhóm tuổi. Họ so sánh số trẻ được sinh ra vào năm 1990 với số lượng nam giới và nữ giới 20 tuổi vào năm 2010. Với nhóm tuổi này, họ phát hiện có thêm khoảng 4 triệu người và trong số đó, lượng nữ giới nhiều hơn nam giới là 1 triệu người.

Năm 2010, tỷ lệ giới tính tại Trung Quốc là 118 nam/100 nữ. Con số này cao hơn tỷ lệ của toàn thế giới khi trên toàn cầu, tỷ lệ nam nữ là 105 nam/100 nữ.

"Sau 25 năm kể từ năm 1990, có thể có khoảng 25 triệu bé gái không được đăng ký khai sinh", Kennedy cho biết.

"Nếu 30 triệu phụ nữ thực sự mất tích, sẽ có nhiều nam giới hơn nữ giới trong độ tuổi kết hôn và họ sẽ phải vất vả trong việc tìm vợ. Điều này sẽ dẫn đến sự mất căn bằng và bất ổn định trong xã hội".

 Năm 2015, truyền thông Trung Quốc đã tuyên bố về việc nhà nước cho phép các cặp đôi có thể có 2 con, chấm dứt chính sách 1 con kéo dài 35 năm tại nước này.