Teen và thói quen học cùng với âm nhạc

Thanh Hằng, Theo 00:01 26/08/2010

Dường như teen đã quen với việc nghe nhạc ở mọi lúc mọi nơi. Ngay cả khi học, teen cũng kè kè cái Mp3 hay Ipod. Học thì không được bao nhiêu nhưng bị phân tâm là chính... <img src='/Images/EmoticonOng/06.png'>

Chúng ta đều biết âm nhạc là một liều thuốc rất tốt cho sự phát triển của trí não. Những giai điệu hòa tấu, giao hưởng nhẹ nhàng của Mozart hay Beethoven sẽ giúp ta dễ tiếp thu bài hơn. Tuy nhiên teen bây giờ thường thích nghe các loại nhạc trẻ, rock, hihop, DJ hoặc kết hợp với những thể loại nhạc mạnh này trong khi học...

Những mặt tích cực từ việc nghe nhạc 

Chúng ta không thể phủ nhận việc nghe nhạc sẽ giúp ta giải trí. Ngoài ra, âm nhạc còn giúp đầu óc chúng ta minh mẫn, xả stress sau những giờ học căng thẳng. Nếu chúng ta nghe những bài hát nhẹ nhàng, tốt nhất là nhạc không lời vào các buổi sáng và tối thì chúng ta sẽ nhớ bài nhanh hơn.

T.Quyên chia sẻ: “Mình có học thêm môn Toán, mình thích học chỗ này vì mỗi khi học thầy đều bật nhạc cho tụi mình nghe. Đó là những giai điệu nhẹ nhàng của thập niên 70, 80. Mỗi lần nghe là tụi mình thấy sảng khoái, đầu óc tỉnh táo hẳn, nghe hoài rồi mình ghiền lúc nào không biết”.

Âm nhạc còn giúp cho teen yêu thích ngoại ngữ hơn. Những teen học tốt ngoại ngữ chắc chắn sẽ không thể quên việc học từ vựng, phát âm qua những bài hát. Đôi khi ta học ngoại ngữ qua các băng video nhưng ta không thể xác định được đâu là giọng chuẩn để học theo, nhưng khi đã hát thì tất cả các giọng đều rạp khuôn theo mức chuẩn. 

H.Hạnh chia sẻ: “Khi học mình không thể thiếu âm nhạc, mình thích nghe nhạc cổ điển, những giai điệu du dương trầm bổng khiến các bài học dễ dàng trôi tụt vào trong đầu. Lúc học thì nghe nhạc không lời, còn khi giải trí thì mình nghe nhạc có lời coi như là luyện tập cách phát âm luôn.” 


Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Mặt trái của việc nghe nhạc 

Nghe nhạc không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả lớn cho teen. Hiện nay có khá nhiều dòng nhạc ra đời, đó là những thể loại nhạc mạnh, thị trường, nghe cứ như đạp thẳng vào tim rất tức ngực. Thế mà teen lại vừa học vừa nghe, thật khó có thể tập trung được. 

Dường như teen đã quen với việc nghe những loại nhạc này nên ngay cả khi học teen cũng kè kè cái Mp3 hay Ipod. Học thì không được bao nhiêu nhưng bị phân tâm là chính. Như trường hợp của bạn T.Quân là một ví dụ điển hình 

Lúc trước Quân là một học sinh khá nhưng từ khi nhiễm phải nhạc hiphop, lúc nào Quân cũng đem mp3 để nghe một cách không hợp lý, không hợp không gian. Ngay cả khi ngồi vào bàn học thì Quân cũng mở âm thanh thật to. Bạn ấy bật mí: “Mỗi lần nghe xong mấy bài thì mình thấy phấn chấn lắm, ngày nào cũng phải nghe".

Trong một lần kiểm tra, cô giáo dạy Văn có đưa ra một đề là môn thể thao nào là em thích nhất. Không chần chừ, Quân bê thẳng một đoạn nhạc đang nghe viết vào giấy kiểm tra mà lúc nào chẳng biết. Đến khi phát bài ra thì một con 0 đỏ chóe nằm trên khung điểm, với lý do là: “Có phải em đang đùa với cô?”. Đây quả là một bài học đáng giá dành cho Quân

Tạm kết 

Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại này nhưng việc lạm dụng nó thì sẽ gây ra nhiều tác hại. Teen cần nghe đúng loại nhạc phù hợp với từng ngữ cảnh để tránh nhiều trường hợp dở khóc dở cười xảy ra. Kinh nghiệm rút ra là muốn đầu óc minh mẫn, sáng suốt thì nên nghe nhạc cổ điển, giao hưởng, hòa tấu nhiều đó teen!