Những sinh viên “đặc biệt” trong kỳ thi đại học

Hồ Viết Thịnh, Theo 00:01 13/07/2010

Có những sinh viên phải đảm trách những công việc vừa “oai” lại vừa “nặng nề” trong kỳ thi đại học.

Có những sinh viên tranh thủ  lúc đàn em "vượt vũ  môn” để tung tăng du lịch đây đó, lại có những sinh viên hào hứng với vai trò  tình nguyện tiếp sức mùa thi. Nhưng cũng có những sinh viên phải đảm trách những công việc vừa “oai” lại vừa “nặng nề” trong kỳ thi đại học.

Sinh viên làm giám thị

Năm nào cũng vậy, cứ đến kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng là một số trường lại "tuyển” sinh viên đi coi thi. Hầu hết những sinh viên được "chọn mặt gửi vàng” đều là cán bộ lớp, cán bộ chi đoàn và phải chưa từng vi phạm kỷ luật. Xoay quanh việc sinh viên làm giám thị cũng có những tình huống bi hài, cười ra nước mắt.

Trần Bích Phương (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) chia sẻ: "Lần đầu tiên được đi coi thi đại học mình thấy “oai” ra phết nhưng cũng thấy hồi hộp xen lẫn chút lo lắng. Các anh chị khóa trên lại bảo đứa nào coi thi “lớ ngớ” bị kỷ luật là đuổi học liền nên càng khiến mình lo. Hôm trước ngày thi đầu tiên không hiểu trằn trọc làm sao không tài nào chợp mắt được, thế là sớm hôm sau phải uống một ly cà phê thật đặc không làm giám thị mà gật gù thì nguy."

Trái với Bích Phương, Hồ Viết Thịnh lại bận viết bài cho báo nên mãi đến 4h sáng mới được ngủ  thì 5h30 đã bị hai chiếc đồng hồ báo thức dựng dậy. “Mình cũng hơi lo lo nhưng may nhờ cô giám thị 1 dày dạn kinh nghiệm nên sĩ tử nào có ý định dùng phao hay nhìn ngang nhìn dọc đều khó thoát khỏi tầm kiểm soát. Cuối cùng thì hai ngày coi thi cũng kết thúc mà không gặp phải sự cố nàoThịnh cho biết.

Có trường hợp các em thấy các "thầy, cô” coi thi quá trẻ, các cô  lại “xinh xắn”  nên đã cả gan trêu cả giám thị. Trần Thị Hồng Hạnh coi thi ở  trường Đại học sư phạm Hà Nội không dấu nổi sự bức tức: "Có một cậu thí sinh vừa vào phòng thi đã nhìn "chằm chằm” vào mình. Đến lúc phát đề, cậu ta không làm được bài thế là hết quay ngang lại quay dọc, mình nhắc nhở mấy lần mà cậu ta cứ trơ ra thế có tức không chứ."

Hà Huy Hiểu coi thi tại điểm thi trường tiểu học Nghĩa Đô thuộc Hội đồng thi Học viện Báo chí & Tuyên truyền lại nhớ mãi việc thí sinh ghi sai số báo danh.  Trong tờ giấy thi yêu cầu ghi số báo danh cả phần chữ và phần số ví dụ như TGC 5630. Thế mà không hiểu mà sao, có bạn lại "chuyển thể” thành năm nghìn sáu trăm ba mươi vào ô số báo danh. Hiểu vừa bực mình vì đã hướng dẫn rất tỷ mỷ mà thí sinh vẫn ghi sai lại vừa phải dịu giọng hướng dẫn lại để các bạn thí sinh không mất tinh thần.
 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Sinh viên làm phụ huynh

Do có thâm niên sống ở thành phố, lại sẵn phòng trọ nên nhiều sinh viên đã được cô, dì chú bác gửi gắm đưa sĩ tử đi thi. Thế là đột nhiên những sinh viên này được “đặc cách” quản lý các cậu ấm cô chiêu thay phụ huynh. Đồng nghĩa với đó là trách nhiệm “đưa đến nơi, về đến chốn” không thì còn mặt mũi nào về quê.

Nguyễn Ngọc Toàn, sinh viên trườngCao đẳng Công nghiệp chịu trách nhiệm đưa em con chú ruột đi thi trường Đại học Giao thông vận tải. Toàn chia sẻ:"Lúc ở nhà ông chú đã dặn đi dặn lại nào là chú gửi gắm em cho cháu,  có gì cháu lo cho em giúp chú. Thế là vinh dự chả thấy đâu chỉ thấy trách nhiệm to đùng. Mọi ngày ngủ nướng được nhưng đã lãnh trách nhiệm nên phải dậy sớm đưa em đi thi, lại phải cẩn thận tránh tắc đường không lỡ muộn giờ thi thì biết ăn nói với chú thế nào”.

Sinh viên nam làm phụ  huynh mà còn thấy vất vả như vậy huống hồ sinh viên nữ. Nguyễn Thị Thanh Tâm (sinh viên trường Đại học sư phạm Hà Nội) đưa chị nhà bác đi thi đã suýt phát khóc vì bị lạc không tìm thấy địa điểm thi.“Hôm trước, mình đưa chị đi làm thủ tục thi rồi thế mà đến hôm thi thật không hiểu hai chị em vòng vèo thế nào mãi không tìm thấy đường. May nhờ bác xe ôm chỉ đường cho nếu không thì không biết làm thế nào”.

Cùng cảnh đưa em đi thi như Toàn, Nguyễn Văn Tự (trường Học viện Báo chí & Tuyên truyền) vừa tranh thủ đi làm thêm lại vừa phải lo cơm nước phục vụ sĩ tử đi thi nên mấy ngày thi là mấy ngày thật sự vất vả."Mình mệt bở hơi tai nhưng vẫn phải cố gắng để “phục vụ” chu đáo nhất. Mệt thì mệt thật nhưng thấy em bảo làm được bài, mình cũng thấy vui lây”- Tự tâm sự.

Bên cạnh những sinh viên hăng say làm tình nguyện ở các bến xe, các địa điểm thi thì cũng có những sinh viên khác khác cùng "gách vác” trách nhiệm đưa sĩ tử vượt vũ môn thành công.