Không về ăn Tết, du học sinh Việt tất bật làm thêm

Phan Hằng, Theo Pháp luật xã hội 00:00 04/02/2014

Vì điều kiện không cho phép nên nhiều du học sinh (DHS) chấp nhận đón một cái Tết xa quê để tất bật đi làm thêm trang trải cuộc sống đắt đỏ nơi xứ người.

Muôn kiểu làm thêm của du học sinh

Chẳng hạn như ở Nhật vì 2 nước đón tết trong khoảng thời gian khác nhau nên trong khi chúng ta được nghỉ tết thì ở bên Nhật vẫn sinh hoạt bình thường, mặc dù sắp tới trong khoảng thời gian này sẽ có kỳ nghỉ xuân. Thế nên, dù rất muốn về quê ăn tết, đoàn tụ cùng với gia đình nhưng nhiều bạn đành ngậm ngùi đón một cái tết xa quê.

Một số bạn thì nói rằng mình mới qua nên cũng chưa muốn về ăn tết lắm, với lại mỗi lần đi về lại rất tốn kém nên để sang năm về hoặc tới kỳ nghỉ hè sắp đến về cũng được. Hơn nữa, vào kỳ nghỉ xuân mình có nhiều thời gian để đi làm thêm hơn, có thể làm đến 8 tiếng một ngày thay vì là 4 tiếng như những ngày bình thường khác. Đây chính là dịp để “cày” tiền nộp học phí cho kỳ học tháng 4 sắp đến.

Bạn T.Trinh (22 tuổi, du học sinh Nhật) cho hay: “Tết năm nay bố mẹ cũng muốn mình về quê ăn Tết cho vui với gia đình, nhưng mà mình là SV năm 3 rồi, cũng khá là bận bịu với nhiều kế hoạch ở trường. Thời gian nghỉ Tết ở Việt Nam được 10 ngày, nhưng mà bên mình vẫn đi học bình thường, mình không thể bỏ học về quê được. Thời gian này mình cũng tranh thủ kiếm thật nhiều tiền để vào dịp hè mình sẽ về. Sáng đi học, chiều mình làm trong các combini (siêu thị nhỏ), tối thi thoảng mình có nhận dạy thêm tiếng Việt cho một số bạn. Một số người bạn của mình làm một lúc 2, 3 công việc để kiếm tiền đấy. Đi làm đi học mà cứ như chạy sô vậy, không kịp nghỉ luôn. Trung bình một ngày chỉ ngủ được khoảng 4 tiếng thôi, thời gian còn lại là đi học và đi làm, đến thời gian đi chơi cũng chẳng có nữa là.”

Thường những công việc mà du học sinh có thể làm là bưng bê, dọn dẹp, phát tờ rơi, phát báo, làm công nhân trong các nhà máy… Tuy nhiên, tùy theo từng trình độ năng lực của mỗi người mà sẽ có những mức lương khác nhau. 

Không về ăn Tết, du học sinh Việt tất bật làm thêm 1

Bạn N.Mai (20 tuổi, du học sinh ở Trung Quốc) chia sẻ: “Tết này là năm thứ 2 mình không về quê, vì mỗi lần về là phải tốn rất nhiều tiền mà mình đang muốn tiết kiệm để phụ giúp gia đinh. Hiện tại mình đang làm thêm tại một nhà hàng, cuối năm khách rất đông, mình làm không xuể việc. Khi xong việc về đến nhà lúc nào cũng 12h đêm, ban ngày thì mình cũng đi bán hoa cho một shop, thu nhập tính lại cũng rất là cao đủ để mình chi trả học phí cho học kỳ tới.”

Đa số các bạn đều chia sẻ rằng sẽ tiết kiệm tối đa chi phí để dành dụm tiền nộp tiền học sau này, tiền gửi về cho gia đình nên trung bình cứ 2 năm sẽ về quê thăm nhà một lần.

Nỗi nhớ nhà da diết

Tết Nguyên Đán là thời khắc sum vầy, mọi người quây quần bên nhau cùng nhau chia sẻ những vui buồn suốt một năm qua. Khoảnh khắc cùng nhau đón giao thừa, cùng nhau nấu bánh tét, bánh chưng, cùng nhau ăn bữa ăn đón năm mới, cùng nhau đi chùa hái lộc… thật thiêng liêng biết bao. Trong cái không khí đón xuân về nỗi lòng những người con xa quê lại dâng lên những cảm xúc vui buồn khó tả, ai ai cũng mong muốn về nhà đoàn tụ cùng với gia đình nhưng đành phải nén nỗi nhớ ấy vào tim.

Không về ăn Tết, du học sinh Việt tất bật làm thêm 2

Hằng năm cứ vào dịp Tết, các bạn trong hội du học sinh Việt tại một số nước lại đứng ra kêu gọi mọi người cùng nhau tổ chức một cái tết. Mặc dù cái tết ấy chỉ đơn giản là một buổi gặp mặt, hay cùng nhau làm bánh chưng, nấu những món ăn Việt, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng cũng đủ làm ấm lòng những người con xa quê.

Bạn T.Mai (du học sinh Nhật) kể rằng: "Mọi người bàn tính tết năm nay sẽ ở lại rồi mua nguyên liệu về nấu bánh chưng, cũng canh giao thừa để đón năm mới. Suốt năm ai nấy cũng tất bật đi làm thêm nên vào những dịp như thế này mọi người mới có cơ hội gặp mặt đông đủ, cùng nhau chuyện trò để vơi đi nỗi nhớ nhà. Ở siêu thị Nhật có bán những nguyên liệu nhập khẩu từ Việt Nam nên mọi người mua rất nhiều thứ rồi chế biến thành rất nhiều món ngon. Tuy món ăn không được đậm đà nhưng hương vị của nó cũng đủ để mọi người nhớ về quê hương hơn.”

Dù có bận bịu đi làm thêm như thế nào đi chăng nữa thì mỗi du học sinh cũng nên dành một chút thời gian cho bản thân. Hãy gọi bạn bè của mình đến vui chơi xả láng một bữa thật hoành tráng, trút bầu tâm sự, chia sẻ nỗi nhớ nhà, những kỉ niệm buồn vui cho mọi người nghe và đừng gặm nhấm nỗi cô đơn một mình trong cái tết cổ truyền này nhé.