Hậu Đại học – Đi làm hay học tiếp?

Hồ Anh Thư, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/07/2014

Kết thúc 4-5 năm trên giảng đường Đại học, đa số các bạn sinh viên đều mong muốn sau khi nhận được tấm bằng tốt nghiệp trong tay sẽ tìm kiếm được công việc thích hợp cho bản thân. Tuy nhiên, xu hướng đi làm dường như lại ngày càng trở nên ế ẩm.

Nền kinh tế khó khăn, số lượng cử nhân ra trường từ bằng khá cho đến những tấm bằng đỏ chói với điểm số bắt mắt vẫn không thể nào làm tấm khiên bảo hộ chắc chắn một công việc ổn định và thuận lợi. Vì vậy, tiếp tục việc học lên bằng cấp cao hơn hay lựa chọn những chuyên ngành khác trở thành một cứu cánh vô cùng cần thiết cho các sinh viên.

“Học xong mà lại không có việc, thôi thì lại tiếp tục học lên để vừa tiết kiệm thời gian, vừa kiếm được cho mình tấm bằng cao hơn” – cô P.U – phụ huynh sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH-NV chia sẻ khi được hỏi về lí do đồng ý cho con mình học bằng Thạc sĩ khoa QHQT thay vì bắt đầu nộp đơn xin việc.

Không làm thì phải học, đó chính là quan niệm không của riêng ai trong thời buổi ngày nay. Một số ý kiến khác lại còn làm tăng thêm tính cạnh tranh của thị trường khi cho rằng, chỉ một bằng thôi là chưa đủ.

“Gia đình mình bảo tiếp tục học lên để lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành, sau này học xong với tấm bằng cao hơn thì kiếm việc cũng sẽ dễ hơn. Bây giờ thời buổi khó khăn cạnh tranh, chỉ bằng cử nhân thôi thì không thể làm gì được” – T.A, sinh  viên vừa tốt nghiệp khóa 10 Đại Học Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia TP.HCM tâm sự. 

Tâm lý chung các bạn đều cho rằng, chỉ cần học lên học tiếp, nhiều bằng cấp thì sẽ thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng, cơ hội được lựa chọn sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đó chỉ là một sự biện hộ cho vấn nạn thất nghiệp của bản thân. 

N.T, trưởng phòng nhân sự tập đoàn Ms. chia sẻ: “Các bạn đều nghĩ rằng bằng nhiều bằng cao thì sẽ dễ dàng hơn. Điều đó không sai. Việc có thêm một bằng cử nhân, hay thêm một bằng Thạc sĩ sẽ là điểm cộng cho các bạn, nhưng chính các bạn lại không nhận ra rằng, điểm cộng tuyệt đối cho mỗi ứng viên chính là sự trải nghiệm, hay nói cách khác là kinh nghiệm thực tế mà các bạn có được. Mỗi nhà tuyển dụng đều mong muốn tuyển được những “chú gà” tốt về đội của mình, nhưng không phải là tốt về kiến thức không thôi, mà còn cần những kĩ năng tích lũy được từ những gì các bạn đã trải qua. Với vai trò là người tuyển dụng, đặc biệt là vào các phòng ban liên quan đến Truyền thông, Marketing, những ứng viên “học nhiều làm ít” thường không được đánh giá cao.”


Những năm ngồi dùi mài kinh sử trên giảng đường đại học đã cung cấp cho sinh viên một hành trang vừa và đủ để các bạn có thể từng bước tiến vào con đường thực tế. Tốt nghiệp ra trường là thời điểm thích hợp để các bạn bắt đầu sử dụng những gì mình đã học qua để áp dụng vào thực tế. Không ai muốn tuyển dụng một nhân sự chỉ với những kiến thức rỗng tuếch thông qua những bằng cấp mà các bạn đạt được.

Trong những buổi thuyết giảng với sinh viên, thầy P.C.G.K – hiệu phó trường ĐH KTL có chia sẻ về một vào trường hợp đã từng gặp qua: “Tôi đã từng tuyển dụng rất nhiều người, cũng đã gặp qua rất nhiều hồ sơ, trong đó có một hồ sơ thật sự rất ấn tượng. Bằng cử nhân xuất sắc với điểm tổng kết cao chót vót, bằng Thạc sĩ nước ngoài ưu tú từ một trường ĐH cũng danh giá, nhưng tôi lại lựa chọn một hồ sơ khác cho vị trí cần tuyển. Sẽ có rất nhiều thắc mắc, nhưng đơn giản tôi không muốn tuyển dụng bằng nhiều bằng cao mà lại không có kinh nghiệm làm việc, kể cả những câu hỏi thực tế cơ bản liên quan đến chuyên ngành cũng không giải đáp được, thì hồ sơ này cũng chẳng có gì xuất sắc.”

Học tiếp được xem là một dạng thất nghiệp sang chảnh, tuy nhiên, đó không phải là sự lựa chọn sai lầm, chỉ là một lựa chọn sai thời điểm. Các sinh viên cần phải biết cách mang kiến thức của giảng viên thành “tài sản” và kinh nghiệm của bản thân. Đi làm 1-2 năm sau khi vừa tốt nghiệp, rồi lại tiếp tục học lên hay học thêm bằng cấp khác. Việc học hành không bao giờ là muộn, chỉ cần bạn có quyết tâm, và kiên trì với những mục tiêu mình đặt ra.