Đề xuất làm song song 2 phương án thi tốt nghiệp

Vietnamnet, Theo 16:17 13/01/2014

“Với những địa phương HS có điều kiện học môn ngoại ngữ, có thể chọn thi bắt buộc. Những tỉnh vùng núi, khó khăn có thể chọn theo phương án khuyến khích thi môn này” - PGS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Mỏ đề xuất.

Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT sẽ “khóa sổ” vào ngày 20/1/2014.

Đề xuất làm song song 2 phương án thi tốt nghiệp 1
Thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 (Ảnh: Văn Chung).

Góp ý cho dự thảo, PGS Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất đề xuất: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT tiến tới cần giao cho mỗi địa phương tự thực hiện. Bộ chỉ nắm vai trò thanh kiểm tra, xử lí khi có sai phạm. Làm sao để tăng trách nhiệm cho mỗi cơ sở thực hiện nghiêm túc nhưng kinh phí tổ chức lại tiết kiệm, học sinh không áp lực là việc cần làm ở kỳ thi này.

Tại sao không thực hiện song song 2 phương án thi tốt nghiệp như dự thảo đã nêu. Với những địa phương học sinh có điều kiện như Hà Nội, TP.HCM môn ngoại ngữ có thể chọn thi bắt buộc. Những tỉnh vùng núi, khó khăn như Lai Châu, Điện Biên có thể chọn theo phương án khuyến khích thi môn ngoại ngữ”.

Thực hiện như vậy, theo ông Thắng vừa giao quyền quyết định nhiều hơn cho các địa phương và vẫn đảm bảo khuyến khích việc dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường THPT.

Trước đó, đầu tháng 1/2014, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo hai phương án thi tốt nghiệp THPT.

Phương án 1: Thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Toán và Ngữ văn); 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.

Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN); dự kiến: bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.

Phương án 2: Thí sinh thi 5 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ) và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết bộ nghiêng về lựa chọn phương án 1. PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí & Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết do việc dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông còn nhiều yếu kém, bất cập. Giải pháp không chọn ngoại ngữ thi bắt buộc nhằm tạo điều kiện cho nâng cao chất lượng dạy và học theo chuẩn của Đề án ngoại ngữ 2020.

Song không ít ý kiến cho rằng trong xu thế hội nhập toàn cầu môn ngoại ngữ nên trở thành môn thi tự chọn hoặc bắt buộc.