Đa số ủng hộ thi tốt nghiệp THPT bốn môn

Tuổi Trẻ, Theo 16:24 13/02/2014

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, kết quả trưng cầu ý kiến rộng rãi về dự thảo đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT cho thấy đa số ý kiến ủng hộ việc đổi mới ngay trong năm 2014.

Ngày 13-2, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đối với khối giáo dục phổ thông, trong đó vấn đề quan trọng nhất là đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT sẽ được tiếp tục thảo luận.

Cụ thể, dự thảo thi tốt nghiệp THPT 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) được đa số ý kiến đồng ý. Trong số 45 sở GD-ĐT được hỏi ý kiến thì có 42 sở GD-ĐT đồng ý tổ chức thi 4 môn, có 2 sở GD-ĐT cho rằng vẫn nên thi 6 môn. Dự thảo mới nhất của Bộ GD-ĐT đưa ra phương án môn thi tốt nghiệp sẽ bao gồm Văn, Toán bắt buộc, 2 môn thi tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Đa số ủng hộ thi tốt nghiệp THPT bốn môn 1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị sáng 13-2 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Về quy định mở rộng miễn thi cho học sinh có thành tích học tập rèn luyện tốt với tỷ lệ tối đa 20%, Bộ GD-ĐT cho biết hầu hết các ý kiến ủng hộ. Một số ý kiến còn cho rằng tỷ lệ này cần tăng lên. Vì “thực tế cho thấy học sinh khá, giỏi các năm trước đều đỗ tốt nghiệp với kết quả cao nên không cần thiết bắt những em này thi, giảm tốn kém, căng thẳng cho xã hội”.

Tuy nhiên vẫn có một số ý kiến cho rằng, chất lượng dạy học giữa các tỉnh, thành không đồng đều, nhưng Bộ GD-ĐT lại quy định đồng loạt tỷ lệ tối đa miễn thi 20% là không hợp lý. Về dự thảo quy định này, Bộ GD-ĐT giải thích, chủ trương miễn thi nhằm giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực cho học sinh phấn đấu trong quá trình học tập, rèn luyện, nhất là lớp 12. Tuy nhiên, trước tình trạng bệnh thành tích còn chưa đẩy lùi, vấn đề kỷ luật còn phải tăng cường, nếu không khống chế tỷ lệ miễn thi có thể xuất hiện tình trạng nới lỏng để có nhiều thí sinh được miễn thi không thực chất.

Theo tập hợp ý kiến góp ý gửi về Bộ GD-ĐT, hầu hết ý kiến đồng ý không đưa môn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc nhưng các ý kiến phân chia hai hướng, một hướng ủng hộ môn ngoai ngữ là môn tự chọn, một hướng cho rằng nên để ngoại ngữ là môn thi khuyến khích. Tại hội nghị ngày 13-2, Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra một phương án duy nhất là quy định ngoại ngữ là môn thi khuyến khích.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc xét tốt nghiệp dựa trên kết quả điểm thi và kết quả đánh giá học lực, hạnh kiểm của học sinh ở lớp 12. Trong đó có ý kiến cho rằng nên lấy kết quả học tập, rèn luyện của học sinh của cả ba năm học để xét tốt nghiệp.

Cùng với dự thảo phương án đổi mới thi và xét tốt nghiệp đã được điều chỉnh so với lần công bố đầu tiên, Bộ GD-ĐT cũng công bố dự kiến chi tiết thời gian chuẩn bị và thực hiện kì thi tốt nghiệp theo hướng đổi mới đã công bố. Theo đó kì thi sẽ diễn ra vào các ngày 2,3,4 tháng 6. Muộn nhất là đầu tháng 3 sẽ công bố quy chế sửa đổi thi và xét tốt nghiệp THPT để các nhà trường và học sinh có thời gian chuẩn bị.

Tại hội nghị này, các ý kiến tương đối đồng nhất ủng hộ thi 4 môn nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về môn ngoại ngữ, và cách thức xét tốt nghiệp. Một số ý kiến bày tỏ lo lắng khi thực hiện việc đổi mới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, có thể có tiêu cực nếu không có giải pháp ngăn ngừa.