Bỏ cuộc ở “phút 89”

Mực Tím, Theo 15:44 28/06/2012

Kì thi đại học đang gần kề nhưng nhiều bạn bắt đầu bỏ bê bài vở, không muốn ôn thi chỉ vì “quá áp lực và không thể tập trung học”.

Đuối sức khi gần về đích

Chạy ra khỏi một trung tâm luyện thi đại học, Mạnh Quân (cựu học sinh trường THPT PN) thở dài: “Về nhà mình phải làm cả chục bài toán, giải thử đề thi Lý và xem lại cách giải Hóa, mình vẫn còn mù mờ về môn Hóa lắm. Tuần vừa rồi mỗi khi mình học là ba mẹ ngồi kế bên để mình… tập trung hơn. Ba mẹ không biết rằng điều này vô tình gây áp lực cho mình rất nặng.

Mình đã bị cắt mạng nửa tháng nay, toàn phải online bằng điện thoại. Nhưng đến giờ, mẹ mình cũng tịch thu luôn điện thoại để mình “tăng tốc”. Mẹ nói chỉ còn vài ngày nữa, không cố thì làm sao đậu”.


Không chỉ Quân mà nhiều bạn khách cũng bị áp lực đến nghẹt thở do bị tác động bởi bạn bè, người thân, gia đình. Bảo Trung (cựu học sinh THPT GV) chia sẻ: “Bọn mình đều biết rằng sắp tới phải đối diện với kì thi ảnh hưởng cả cuộc đời. Nhưng giá mà những người xung quanh cổ vũ, tiếp thêm động lực để mình quên đi lo lắng. Đằng này họ còn tô đậm sự lo lắng và khiến mình dễ… ức chế, khó chịu.

Mình học cả ngày, tối tranh thủ xem tivi chút thì chị hai bảo: “Lo mà học đi, thi tới nơi rồi mà còn xem tivi được là rớt rồi đấy”. Tất nhiên sau khi nghe xong mình chỉ tắt tivi và ngồi trong phòng suy nghĩ cả thêm, chẳng còn tâm trạng để học nữa”.

Vì sao họ “buông bỏ”?

- Nhiều bạn đã cố sức ôn thi quá nhiều. Gần đến ngày thi thì bỗng dưng cảm thấy “trống rỗng đầu óc”, muốn học mà chẳng thể tập trung, chẳng thể giải bài tập.

- Kiến thức được nạp quá nhiều khiến đầu óc họ bị “bão hòa”. Tâm lí stress, áp lực từ nhiều phía, yêu cầu cao ở bản thân, thiếu kinh nghiệm để vượt qua thử thách… khiến tinh thần họ bị hao tổn nghiêm trọng.

- Suốt một thời gian dài bị gò ép trong khuôn khổ nên họ có tâm lí muốn được giải thoát.



Hãy nghỉ ngơi, nhưng không được dễ dãi

Mai Hoa (sinh viên năm 1 ĐH Ngoại Thương) chia sẻ: “Năm ngoái, mình cũng đã từng có giai đoạn như thế. Ôn tập quá nhiều, còn 7 ngày nữa là thi, mình thấy đầu óc trống rỗng, chẳng nhớ được gì, ôn bài cũng không được. Khi căng thẳng, áp lực lên đến đỉnh điểm, mình buông hết sách vở, đi chơi xả stress và quyết định… không thèm học gì cho đến khi thi, để đầu óc thoải mái.

Nhưng khi còn 2 ngày nữa là thi, mình bắt đầu thấy lo. Thế là ngồi vào bàn trở lại. Áp lực khiến mình tập trung cao độ để ôn tổng hợp theo cách nhanh nhất có thể. Năm đó mình đậu. Kinh nghiệm rút ra được là: Khi bạn không thể học nữa, hãy tạm nghỉ, nhưng đừng lấy đó làm cái cớ để buông xuôi. Không ai có thể khiến bạn áp lực, chỉ có bạn mới tự đặt áp lực lên bản thân mình. Bạn càng buông bỏ, đến phút cuối bạn càng lo sợ. Điều đó không tích cực chút nào”.