Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý hai vai diễn ra sao ở "Người Phán Xử" và "Cả Một Đời Ân Oán"?

Bảo Anh, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 05/04/2018

2017 là một năm rất thành công đối với Hồng Đăng. Cả hai bộ phim anh tham gia là "Người Phán Xử" và "Cả Một Đời Ân Oán" đều tạo được tiếng vang khá lớn. Thế nhưng có phải vì "Người Phán Xử" quá hot nên Hồng Đăng được giao tiếp vai con rơi sau đó?

Thực sự thú vị khi hai bộ phim liên tiếp lên sóng giờ vàng của VTV mà Hồng Đăng tham gia, anh đều vào cùng một dạng vai: con rơi của một gia đình giàu có. Trong cả hai nhân vật đều có những điểm giống và khác nhau cơ bản. Tuy nhiên có một điểm mà Hồng Đăng vẫn giữ được, đó là phong thái điềm tĩnh và sự chín chắn phù hợp với tướng "con đại gia".

Con rơi của một trùm xã hội đen khác gì con rơi của một đại gia có tiếng trên thương trường?

Nếu trong Người Phán Xử, Lê Thành đột ngột biết mình là con rơi khi đã trưởng thành. Thì sang Cả Một Đời Ân Oán, Phong lại biết rõ mình thiếu đi tình cảm của cha từ khi con nhỏ. Chính vì hai hoàn cảnh này mà Hồng Đăng phải có sự thay đổi nhất định với từng vai diễn. Lê Thành vô tình biết được nhóm máu của mình và bố nuôi không khớp khi ông mất, lúc này anh khá bàng hoàng. Nhưng điều khiến Lê Thành hoang mang hơn đó là bố đẻ mình là một ông trùm khét tiếng của giới xã hội đen. Vậy là một chuyên gia tâm lý, lại gánh thêm chuyện là một "hoàng tử của giới xã hội đen, yếu tố tiên quyết mà anh cần là một sự "rắn" nhất định.

Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý cuộc đời họ như thế nào trong Người Phán Xử và Cả Một Đời Ân Oán? - Ảnh 1.

Còn với Phong, vì bị bỏ rơi từ nhỏ nên Phong luôn nung nấu một ý định trả thù để bù đắp lại quãng thời gian bị những người xung quanh khinh rẻ vì là đứa con hoang. Dù thể hiện ra bên ngoài là mình có chút gì đó khá độc lập, không màng đến mọi chuyện, nhưng ẩn sâu trong Phong là một tâm hồn nhạy cảm. Phong luôn muốn có được tình cảm của cha. Thế nhưng cho đến khi được cha dang vòng tay đón, thì anh lại bài xích với một thái độ rất gay gắt. Chính vì được đẩy vào một môi trường khác Người Phán Xử, nên Hồng Đăng cũng phải thay đổi bản thân cho tương xứng. Anh phải ra dáng hơn sao cho phù hợp hơn với một doanh nhân chứ không phải một nhân vật trong giới xã hội đen. Nói vui thì ở Người Phán Xử, Hồng Đăng phải làm mình bớt sang, còn ở Cả Một Đời Ân Oán thì phải tập cho sang hơn.

Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý cuộc đời họ như thế nào trong Người Phán Xử và Cả Một Đời Ân Oán? - Ảnh 2.

Ấn tượng về một thần thái phù hợp

Điều đặc biệt mà Hồng Đăng có được đó là nhan sắc, và anh đã tận dụng rất tốt ưu thế này. Bằng gương mặt góc cạnh và ánh mắt khá đanh, Hồng Đăng đã khiến khán giả có ấn tượng về một sự chắc chắn trong mọi hành động cũng như phát ngôn. Thú vị là, vẫn cái thần thái ấy, nhưng trong Lê Thành với Phong, khán giả không hề thấy quen thuộc.

Với Lê Thành, đó là sự tinh tế của một chuyên gia tâm lý, sự đanh thép của một người có vị trí trong giới xã hội đen.

Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý cuộc đời họ như thế nào trong Người Phán Xử và Cả Một Đời Ân Oán? - Ảnh 3.

Còn với Phong, điều yêu cầu cao nhất đó là một vỏ bọc cứng cỏi cho danh phận một đứa con rơi. Khi chuyển về sống chung nhà với ông Quang (Mạnh Cường), Phong không chỉ chịu sự o ép của những người anh em cùng cha, mà còn phải nghe cả những lời xỉa xói, trách móc của người vợ trên danh nghĩa của bố mình. Xem những gì Phong thể hiện, khán giả vừa phục, nhưng cũng vừa thương. Dù mọi diễn biến dường như nằm trong tầm kiểm soát của anh, nhưng khán giả vẫn thấy được những sự tủi thân của Phong. Như là việc bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) cứ luôn mặt nặng mày nhẹ với mẹ làm Phong phải phiền lòng, rồi vợ chồng không hoà thuận nhưng Phong vẫn phải nhẫn nhịn để mẹ vui hơn.

Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý cuộc đời họ như thế nào trong Người Phán Xử và Cả Một Đời Ân Oán? - Ảnh 4.

Tông giọng trầm đủ để gây sức ép với nhân vật khác

Bên cạnh ngoại hình và nhan sắc nổi trội, Hồng Đăng còn sở hữu giọng nói ấn tượng, tạo sự tin tưởng khá lớn cho người xem. Tông giọng trầm, tốc độ nói vừa phải chính là cách để Hồng Đăng hút hồn khán giả. Cũng chính nhờ điều này mà lời nói của anh có trọng lượng hơn rất nhiều.

Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý cuộc đời họ như thế nào trong Người Phán Xử và Cả Một Đời Ân Oán? - Ảnh 5.

Trong Người Phán Xử, chính thái độ chắc chắn ở vai diễn Lê Thành nên ông trùm Phan Quân đã hoàn toàn tin tưởng rằng đây là con mình mà không qua một sự kiểm tra nào. Đồng thời, Lê Thành cũng có thể dằn mặt được một Phan Hải (Việt Anh) ngông cuồng, quen hạch sách và đòi hỏi.

Còn với Cả Một Đời Ân Oán, nhờ có sự cộng hưởng giữa giọng nói và hành văn nên Phong đã nhiều lần khiến các nhân vật khác khốn đốn. Trước tiên phải nhắc đến Khôi (Thanh Sơn) - con trai thứ của bà Lan. Khôi có nét gì đó khá giống Phan Hải, khi luôn chỉ biết nổi nóng, hành động thì thiếu suy nghĩ. Đó chính là mấu chốt để Phong lật ngược tình thế và làm Khôi cứng họng trong những lần cãi nhau. Còn với bà Lan, một người luôn thích nói ẩn ý, Phong cũng không thiếu cách đối phó.

Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý cuộc đời họ như thế nào trong Người Phán Xử và Cả Một Đời Ân Oán? - Ảnh 6.

Điểm yếu: Lê Thành thì thiếu dữ dội, Phong lại thừa sự kiêu kì

Dù không thể phủ nhận rằng, Hồng Đăng đã làm rất tốt ở nhiều mặt với vai diễn của mình, nhưng nếu anh khiến Lê Thành tàn nhẫn hơn còn Phong thì biết nhún nhường một chút, có lẽ sẽ hoàn hảo hơn nhiều.

Vẫn biết rằng là một mảnh ghép của giới xã hội đen, không phải ai cũng độc ác, không phải ai cũng chỉ biết chém giết, nhưng nếu luôn luôn có thừa tình thương và sự rung động trước mọi chuyện, thì hình như Hồng Đăng đã khiến khán giả nhìn thấy trước tương lai của Lê Thành, là không thể thế được chỗ của ông trùm Phan Quân.

Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý cuộc đời họ như thế nào trong Người Phán Xử và Cả Một Đời Ân Oán? - Ảnh 7.

Còn với vai diễn Phong, sự tự trọng được đẩy lên quá cao khiến cho đôi lúc anh nhận lấy phần thiệt thòi về mình. Thực ra chuyện được hưởng tài sản từ cha đó là lẽ dĩ nhiên, bởi ông Quang cũng chỉ muốn bù đắp cho con khoảng thời gian thiếu thốn khi còn nhỏ. Nhưng nếu cứ quá vin vào những lời nói cay nghiệt từ Khôi hay bà Lan, thì Phong chỉ đang đánh mất cơ hội thay đổi cuộc đời của chính mình mà thôi.

Hai đứa con rơi, hai số phận, Hồng Đăng đã xử lý cuộc đời họ như thế nào trong Người Phán Xử và Cả Một Đời Ân Oán? - Ảnh 8.

Cái kết của những vai diễn

Lê Thành, vì không quyết đoán, vì có quá nhiều tình cảm và sự rung động nên cuối cùng không đủ cứng rắn thuyết phục cha, kết quả là đã chết bằng phát súng của chính cha ruột mình. Còn với Phong, cái chết của Phong có lẽ chính là cái chết tại tâm - cái chết đáng sợ nhất vì chết ngay khi vẫn còn đang sống.

Nghe có vẻ khá mâu thuẫn, nhưng hãy nhìn lại cuộc sống của Phong hiện tại. Gia đình thì luôn chịu những sức ép ngoại cảnh, vợ thì ghen tuông mù quáng. Cuộc đời Phong cuối cùng cũng chỉ sống vì mẹ mà không lo trước cho tương lai của mình. Phong nhận bố vì mẹ, đi làm ở Vũ gia vì mẹ, lấy vợ vì mẹ. Thử hỏi, nếu cuộc sống của mình nhưng cứ nhắm mắt đưa chân vì người khác như thế, liệu tồn tại được bao lâu?

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày