Hà Nội: Bé trai 21 tháng tuổi bị chó dại cắn rách mặt, hoàn cảnh gia đình khó khăn

Minh Nhân, Theo Trí Thức Trẻ 23:26 21/05/2018

Sau khi đi nhà trẻ về, bé Minh Đức (21 tháng tuổi) trong lúc chờ mẹ tắm tinh nghịch chạy ra ngoài nhà chơi. Không may bé bị một con chó lao tới cắn rách mặt, buộc phải cấp cứu trong đêm tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chiều ngày 16/5, bé Bùi Minh Đức (21 tháng tuổi, thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh, Ba Vì) được mẹ đón về từ nhà trẻ. Trong khi đang chuẩn bị nước tắm cho con, chị Bùi Ánh Tuyết không  hay biết con mình tự ý chạy ra ngoài chơi đùa. Không may bé Đức bị một con chó lao tới cắn rách mặt, toàn bộ khuôn mặt máu chảy be bét. 

Người dân sống gần đó biết chuyện vội chạy sang đưa mẹ con chị Tuyết đi cấp cứu. Bé Đức được đưa tới bệnh viện trên địa bàn huyện nhưng không xử lý được. Bé được chuyển gấp lên Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm. 

Hà Nội: Bé trai 21 tháng tuổi bị chó dại cắn rách mặt, hoàn cảnh gia đình khó khăn - Ảnh 1.

Sau khi phẫu thuật, bệnh nhi được tiêm chủng phòng chống bệnh dại. Ảnh: NVCC

11h đêm 16/5, bệnh nhi được phẫu thuật đến hơn 2h sáng. Hiện vết thương đã lành nhưng để phòng ngừa bệnh dại, ngay trong sáng hôm sau, gia đình đã đưa bé đến Trung tâm Dịch vụ Y tế dự phòng (131 Lò Đúc, Hà Nội) để tiêm chủng. 

Dự kiến chiều tối 21/5, bé Đức sẽ được xuất viện về nhà. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Thanh Bùi (hàng xóm) cho biết, gia đình chị Tuyết có hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo trong thôn Ké Mới. Chị Tuyết là mẹ đơn thân, ngoài bé Đức ra chị còn 2 người con khác.

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương.

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Khi bị chó mèo cắn, chúng ta cần thực hiện những biện pháp sau đây để phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại:

- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70° hoặc cồn Iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn.

Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Trong lúc rửa vết thương, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn.

- Đến ngay cơ sở tiêm chủng để được bác sĩ tư vấn và chỉ định tiêm phòng dại.

- Thông báo với bác sĩ về tình trạng con vật đã cắn bạn và theo dõi con vật trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn/cào.

Trong thời gian 15 ngày theo dõi, nếu con vật có biểu hiện bất thường như ốm, chết, mất tích, bị bán hay bị giết…hãy đến gặp bác sĩ ngay.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày