Gồng mình đối phó với 1001 thủ đoạn buôn lậu dịp cuối năm

Uyên Hương, Theo Báo Tin Tức 10:50 15/12/2019

Không phải là câu chuyện mới bởi chống buôn lậu cuối năm dường như là cuộc chiến trường kỳ chưa có hồi kết. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề là mọi cung đường trên khắp cả nước lại xuất hiện tình trạng buôn lậu.

Dù đã có nhiều giải pháp, nhưng với những thủ đoạn tinh vi, chiêu thức khó lường nên nhiều chuyến hàng từ biên giới vẫn ngang nhiên thẩm lậu vào thị trường nội địa khiến các lực lượng chức năng phải gồng mình đối phó.

Nóng cửa khẩu vùng biên

Những ngày này, tại khu vực cửa khẩu vùng biên trở nên nhộn nhịp, nhất là khu vực từ thị trấn Đồng Đăng lên đến cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn.

 Gồng mình đối phó với 1001 thủ đoạn buôn lậu dịp cuối năm  - Ảnh 1.

Số thuốc lá điếu nhập lậu bị Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) thu giữ, đêm 8/10/2019. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Ngoài việc đưa hàng bằng xe qua cửa khẩu chính ngạch, tại các đường mòn, lối mở các đầu nậu cũng không quản ngày đêm thuê vận chuyển hàng lậu để tiêu thụ dịp Tết.

Do có vị trí tiếp giáp với các “tổng kho” hàng lậu Lũng Nghịu, Lũng Vài (Quảng Tây - Trung Quốc) nên từ lâu khu vực từ thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) lên xã Tân Mỹ (huyện Văn Lãng) trở thành một “chảo lửa” buôn lậu.

Theo quan sát của phóng viên, cứ chiều tối hàng ngày lại có đoàn người xếp hàng dài lầm lũi cõng những khối hàng lậu to kềnh leo dọc các đường mòn trên núi từ phía Lũng Vài vượt biên sang Việt Nam. Sau đó, hàng lậu được tập kết tại dãy nhà kho dọc tuyến giao thông chính của thị trấn Đồng Đăng lên khu vực xã Tân Mỹ.

Khu vực này, hàng trăm nhà dân san sát và là các kho tập kết hàng để giới buôn lậu chuẩn bị đưa lên xe máy hoặc ô tô vận chuyển về tuyến sau. Tại các kho hàng này luôn khóa cửa kín mít, chỉ khi xe máy vận chuyển hàng lậu đi mới mở cửa, sau đó lập tức đóng lại.

Tiếp tục đi dọc tuyến đường thị trấn Đồng Đăng lúc đêm tối, cả dòng người nườm nượp vận chuyển hàng trên các đường mòn, chỉ trong ít phút hàng trăm xe ô tô, xe máy chở hàng lậu cao ngất lao vun vút trên đường hướng về bến xe Đồng Đăng và ga Đồng Đăng.

Sau khi chuyển hàng từ các kho ở biên giới, giới buôn lậu chuyển hàng về các kho rải rác khắp thị trấn Đồng Đăng. Tại khu vực biên giới xung quanh cửa khẩu Tân Thanh cũng sôi động không kém.

Hai bên cánh gà cửa khẩu và dọc sườn núi, các cửu vạn cũng hối hả vận chuyển hàng lậu xuống núi. Khi đến địa điểm tập kết ở sườn núi, từ các đường mòn, xe chở hàng lậu ào ào ra đường chính hướng về thành phố Lạng Sơn.

Theo quy luật, hàng ngày trong khoảng thời gian từ 16 giờ đến đêm khuya, các xe Su cóc, xe máy vận chuyển hàng lậu công khai trên đường giao thông chính từ biên giới đi sâu vào nội địa.

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ: "Lạng Sơn là tỉnh biên giới có địa hình phức tạp, nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối tắt qua lại biên giới, có hệ thống giao thông thuận tiện tới các tỉnh khu vực phía Bắc nên các đối tượng tội phạm thường lợi dụng để buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa nhập lậu".

Mặc dù chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả đã được các lực lượng chức năng đẩy mạnh, song tình hình buôn lậu luôn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi.

Đặc biệt là tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán hàng năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa cao nên nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có dấu hiệu gia tăng.

Lực lượng mỏng, chế tài chưa đủ sức răn đe nên dẫn tới tình trạng nhờn luật. Chính bởi lẽ đó, dù đã mở nhiều đợt cao điểm cũng như đưa ra những giải pháp phòng chống, nhưng số lượng hàng lậu mà lực lượng chức năng bắt giữ, xử lý được chỉ rất nhỏ so với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Bách - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, thời điểm cuối năm, hàng hoá nhập lậu chiếm số lượng lớn liên quan đến nhu cầu mua sắm Tết cao như: thuốc lá, bánh kẹo, mứt, rượu bia, quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm.

Trên thị trường, hàng hóa nhập lậu không chỉ được bày bán ở vỉa hè, trên các trang mạng, cửa hàng, chợ truyền thống mà xuất hiện ở cả những trung tâm thương mại sang trọng với nhiều hình thức tinh vi.

Tuy vậy, việc phòng chống buôn lậu của TP Hồ Chí Minh đang gặp không ít khó khăn do là địa bàn trung chuyển và cũng là thị trường tiêu thụ của hoạt động buôn lậu.

Hàng lậu được tuồn vào thành phố từ các tỉnh Tây Ninh, Long An thông qua các địa bàn giáp ranh, sau đó đưa vào tiêu thụ tại các quận nội thành của thành phố và phần còn lại được chuyển đến các tỉnh, thành khác.

Mở đợt cao điểm...

Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh cũng là thời điểm hàng lậu được vận chuyển vào nội địa. Vì vậy, chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm càng trở nên phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tập trung kiểm tra các điểm ‘nóng’ của các lực lượng chức năng.