Lo lắng vì hiện tượng lạ khi bị cận thị

Bác sĩ Mèo, Theo Trí Thức Trẻ 00:12 29/08/2012

Liệu có liên quan gì đến hoạt động của hệ thần kinh không nhỉ?

lo-lang-vi-hien-tuong-la-khi-bi-can-thi

Em bị bệnh cận thị đã 3 năm nay rồi. Trước đây em đeo kính cả ngày, chỉ bỏ ra lúc tắm và đi ngủ nhưng sau khi đọc được thông tin nói rằng nếu đeo kính nhiều thì mắt sẽ lên số nhanh nên em đã đeo ít thời gian đi. Tuy nhiên khoảng 2 tuần trở lại đây, bỗng nhiên mắt em cứ bị nháy liên tục và không thể kiểm soát được nhất là những khi tập trung làm bài hay đọc sách. Mong bác sĩ giải đáp liệu tình trạng này có liên quan gì đến hoạt động của hệ thần kinh không và cách chữa trị ra sao ạ? Em xin cảm ơn! (rabbit.ku...@yahoo.com)
lo-lang-vi-hien-tuong-la-khi-bi-can-thi

Chào em,

Nháy mắt (hay tíc mắt) là cử động không có chủ ý thường xảy ra ở cả hai bên mắt, do co thắt cơ dưới da mi, cơ vòng mi phần trước sụn và cung mày. Khi nháy mắt thì cơ vùng mặt cũng có thể co giật theo và sẽ kéo dài trong vài giây đến vài phút.

Những nguyên nhân cơ bản gây nháy mắt thường thấy như sau:

 
- Khi cơ thể bị mệt mỏi do mất ngủ, căng thẳng thần kinh, thiếu máu hoặc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị, viêm giác mạc...
 
- Bị bệnh liên quan đến hệ thần kinh như: tổn thương của nhân xám trong não, bệnh nơron thần kinh bị giảm tính trơ đối với dopamine hay cường kích thích bởi dopamine.

- Một số hình thái động kinh cơn nhỏ trong các bệnh lý có tổn thương dây thần kinh số V, VII; hoặc dây V, VII bị kích thích bởi các bệnh loét giác mạc, viêm màng bồ đào, khô mắt, zona mắt.

Nháy mắt nặng lên khi người bệnh nhìn tập trung, khi lắng nghe chăm chú, nhưng sẽ thuyên giảm ngay khi được nghỉ ngơi. Vì vậy, điều trị nháy mắt cần phối hợp giữa việc dùng thuốc, nghỉ ngơi và tâm lý liệu pháp. Cụ thể:

- Các thuốc được sử dụng nhằm mục đích chủ yếu là lập lại cân bằng giữa hai hệ thần kinh thể dịch: Dopamine là chất trung gian thần kinh gây co cơ và Cholinergic là chất trung gian thần kinh gây giãn cơ.

- Phẫu thuật gồm nhiều phương pháp như hủy một số nhánh của dây thần kinh số VII; cắt lọc cơ vòng trên sụn và trước sụn, treo mi.

- Một phương pháp điều trị mới là tiêm độc tố gây liệt cơ cũng đang được phổ biến rộng rãi.

- Loại bỏ các nguyên nhân gây nháy mắt bằng cách: ngủ đủ 7 - 8 tiếng/ngày để tránh cho mắt không bị mệt mỏi do thiếu ngủ. Hạn chế những trạng thái gây căng thẳng thần kinh.

- Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị tích cực các bệnh gây nháy mắt như: thiếu máu, cận thị, loạn thị, viêm giác mạc, bệnh gây tổn thương dây thần kinh số V. 

- Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý để rửa mắt mỗi khi mắt có dấu hiệu mệt mỏi.

Cuối cùng, bác sĩ Mèo khuyên em nên đến bệnh viện chuyên khoa kiểm tra nếu thấy bệnh không thuyên giảm hoặc xuất hiện thêm bất cứ triệu chứng tiêu cực nào khác.

Chúc em sớm khỏi bệnh và khỏe mạnh!

lo-lang-vi-hien-tuong-la-khi-bi-can-thi