Đừng sợ thử thách, cứ làm đi, rồi "quả ngọt" sẽ đến

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 11/08/2018

Con người không sợ thử thách. Họ chỉ sợ kết quả không được như ý muốn, đồng thời sợ việc bị phán xét mỗi lần thất bại.

Thất bại có thực sự là mẹ đẻ của thành công?

Có câu nói: “Chúng ta sẽ không học được gì cả nếu sợ thất bại”. Chúng ta sẽ không biết đi, nếu không chập choạng, vấp ngã từ những bước đầu tiên. Chúng ta không thể lái xe, nếu ban đầu không xảy ra va chạm. Chúng ta không biết năng lực của mình đến đâu, mình còn thiếu sót ở điểm gì, nếu chưa từng mắc phải sai lầm và bị khiển trách.

Tuy nhiên, những người vấp phải nhiều thất bại trên đường đời đều có tâm lí sợ sệt: “Liệu thất bại có thật sự là mẹ đẻ của thành công?". Tại sao mình cố gắng và chấp nhận vấp ngã nhiều lần rồi mà quả ngọt vẫn chưa đến?

Không có một lời đảm bảo nào cho người trẻ rằng, cứ sau một (hoặc vài) thất bại là họ sẽ đủ tỉnh táo, dày dặn và đầy kinh nghiệm để gặt hái ngay được thành công. Có những người vật lộn với thất bại cả đời và chưa một lần nhìn thấy quả ngọt sau bao lần nếm “trái đắng”. Thành công được sinh ra từ thất bại không phải là thành công cho những dự án kế tiếp, mà là thành công trong việc rút ra kinh nghiệm và những bài học bổ ích để lần tới, nếu có thất bại, ta không dẫm vào vết xe đổ của chính mình nữa, mà phải là một thất bại hoàn toàn mới, cho ta những bài học hoàn toàn mới.

Vì sao người trẻ thường ngại đối diện với thử thách?

Vì họ chưa dám phá vỡ “ngưỡng an toàn” của mình. Đây không hẳn là một điều đáng trách. Ai chẳng muốn sống một đời an yên, thong thả. Ai chẳng muốn mình được như câu hát “nếu là mây, tôi sẽ làm một vầng mây ấm?”. Nhưng cuộc đời đâu chỉ có những ngày trời quang mây tạnh? Cuộc đời là cả những chuỗi ngày nắng đẹp và những ngày âm u. Bất an, sợ hãi là điều khó tránh khỏi và hoàn toàn không đáng trách.

Archimede đã từng nói chỉ cần một điểm tựa, ông có thể nâng bổng cả thế giới. Nhưng nếu ông thất bại trong việc đó, thì một chỗ dựa sẽ đóng vai trò quan trọng để ông nghỉ ngơi, rút ra bài học và sẵn sàng cho những thử thách “nâng bổng thế giới” tiếp theo. Người trẻ thường sợ thất bại vì họ thiếu đi chỗ dựa. Chỗ dựa tinh thần là những người bạn, người thân có thể an ủi, động viên, thúc đẩy họ vượt qua nỗi đau thất bại. Chỗ dựa về vật chất là tiền bạc, phương tiện giúp họ làm lại từ đầu. Khi còn trẻ, chúng ta có thể có người thân, bạn bè làm chỗ dựa tinh thần và vật chất, nhưng nỗi ám ảnh về việc làm gánh nặng cho người khác ở độ tuổi sức dài vai rộng, “đủ lông đủ cánh” khiến chúng ta mãi e dè. Không ai có thể vững tin bước về phía trước nếu không có một nơi để quay đầu lại.

Không chỉ là thiếu đi điểm tựa, người trẻ còn sợ bị phán xét, đàm tiếu và coi thường mỗi khi thất bại. “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, phải đối mặt với dư luận xã hội với hàng ngàn câu hỏi lặp đi lặp lại:

Tại sao lại làm thế?

Tại sao không làm cái này cho ổn định?

Tôi đã khuyên cậu nhiều lần rồi mà cậu không nghe để bây giờ chuốc lấy thất bại.

Đừng sợ thử thách, cứ làm đi, rồi quả ngọt sẽ đến - Ảnh 1.

Đây thực sự là cơn ác mộng với những người trẻ muốn thoát ra khỏi “ngưỡng an toàn” của mình để làm điều gì đó thật sự đáng giá và có ý nghĩa với cuộc đời ngắn ngủi của họ.

Mỗi khi chấp nhận thử thách, chúng ta phải đối mặt với 50% (thậm chí nhiều hơn) xác suất thất bại. Thất bại là xấu hổ, thất bại là mất mát, là bế tắc. Đây là suy nghĩ rất thường gặp và hết sức dễ hiểu không chỉ những người trẻ non nớt, ít va vấp mà cả ở những người già dặn và từng trải. Dễ hiểu thôi, nỗi sợ hãi là một trong những cảm xúc cơ bản của con người với vai trò nguyên thuỷ là bảo vệ chính chúng ta khỏi những tác động tiêu cực từ thế giới bên ngoài. Bản năng của con người là sợ, là e dè, là do dự, là cân nhắc trước những gì mới mẻ, không quen thuộc với họ, những thử thách là một trong số đó. Nhưng khi ta để nỗi sợ hãi lớn dần, nó cũng sẽ trở thành vật cản lớn nhất trên con đường hướng đến thành công của chúng ta.

Dám làm, dám nghĩ, chấp nhận thất bại là chìa khoá của thành công

Câu hát “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?” luôn động viên chúng ta phải xung phong “đứng mũi chịu sào”, phải xung phong làm việc khó, không ngại gian khổ, không ngại thử thách, không sợ thất bại để có thể trở nên đặc biệt trong hàng triệu người ở lứa tuổi của mình, trình độ học vấn như mình và cũng đang nỗ lực hết sức giống như mình.

Ca sĩ Đức Phúc có thể coi là một trường hợp “sao sáng" trong việc dám đương đầu với thử thách.

Trước khi nổi tiếng nhờ danh hiệu Quán quân cuộc thi “Giọng hát Việt 2015”, Đức Phúc đã nhiều lần thất bại ở các cuộc thi âm nhạc. Giọng ca “Ánh nắng của anh” tâm sự: trước khi đến với The Voice 2015, Đức Phúc đã thử sức ở nhiều cuộc thi khác nhau song tất cả những gì nam ca sĩ nhận về là nỗi buồn vì thất bại. Cái cảm giác chát đắng khi chờ đợi kết quả tin nhắn vẫn như chuyện hôm qua. Thi xong về, cả tối Đức Phúc chỉ gục mặt vào điện thoại chờ câu trả lời. Anh chàng còn như bị “tẩu hoả nhập ma”, đến đêm đi ngủ vẫn mơ được gọi đến sơ tuyển. Sáng dậy vẫn tưởng là thật nhưng thực tế, không có tin nhắn nào và cũng không có cuộc sơ tuyển nào dành cho Đức Phúc. 

Đừng sợ thử thách, cứ làm đi, rồi quả ngọt sẽ đến - Ảnh 2.

Nhưng thất vọng thì đã sao? Đức Phúc vẫn cố gắng, vẫn vượt qua, và vẫn thành công đấy thôi.

Đến “Giọng hát Việt” mùa thứ 3, Đức Phúc định không tham gia nữa vì quá nản. Thế nhưng may mắn thay, chiều hôm diễn ra vòng sơ tuyển, Đức Phúc được nghỉ học nên quyết định thử vận may thêm một lần nữa. Nào ngờ, trong lần thử sức ít kì vọng nhất, Giọng hát Việt đã trở thành một bước ngoặt lớn của cuộc đời Đức Phúc. Rời xa vòng tay cha mẹ, lần đầu tiên đi máy bay tới Tp. HCM… là những thứ bắt đầu cho cuộc hành trình chinh phục ước mơ âm nhạc của anh chàng ngây thơ trong gia đình “Hoa dâm bụt”. Và trong cuộc thi có hàng ngàn người tham gia ấy, Đức Phúc đã được lên truyền hình, được cả 4 HLV lựa chọn, trở thành thành viên của đội Mỹ Tâm và đăng quang một cách đầy thuyết phục.

“Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận về những năm tháng đã sống hoài, sống phí”, nhà văn Nikolai A.Ostrovsky đã từng viết những dòng đầy cảm hứng đó trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Thép đã tôi thế đấy. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, từng phút giây bạn đang có đều là vô giá, hãy tận dụng trân trọng nó để chấp nhận thử thách và tiến đến thành công. Thử thách không chỉ cho ra hai kết quả đó là thất bại và thành công. Thử thách cho chúng ta trải nghiệm, tôi rèn cho chúng ta đức tính dám nghĩ, dám làm, không sợ sệt, không tự đặt ra giới hạn cho mình để bứt phá và giành giật lấy từng cơ hội. Tài sản quý giá nhất của đời người chính là trải nghiệm, thất bại hay thành công đều là những trải nghiệm quý báu, làm sao ta có thể gặt hái được những trải nghiệm đó, nếu không chấp nhận thử thách?

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Nếu là con chim, là chiếc lá - Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh”. Tỉ phú Phạm Nhật Vượng cũng từng tâm sự: “Trót làm người rồi, không thể sống một cuộc đời hoài phí”. Không ai cấm chúng ta mưu cầu sự an nhàn và hưởng lạc, nhưng khi còn trẻ, còn sức khoẻ và ý chí, đôi chân còn vững để bước tiếp sau khi vấp ngã, hãy tranh thủ rèn luyện ý chí, vun đúc tham vọng, nuôi dưỡng khát khao để dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thử thách, dám vấp ngã và chạy nhanh hơn sau khi đứng dậy. Bởi chúng ta còn trẻ mà, đừng sợ thử thách, cứ làm đi rồi quả ngọt sẽ đến.

Đừng sợ thử thách, cứ làm đi, rồi quả ngọt sẽ đến - Ảnh 3.

Để cổ vũ người trẻ sống trọn tinh thần chinh phục mọi cơ hội, Samsung cũng ra mắt website http://tuoitrechinhphuc.com giúp tiếp thêm lửa cho giới trẻ tiến xa hơn nữa trên hành trình cuộc sống của mình.