Tấm HCV Olympic quốc tế và câu chuyện của hai cậu trò nghèo làm rạng danh "quê lúa"

Thùy Dung - Ảnh: Đầu Tròn, Theo Trí Thức Trẻ 00:35 20/07/2015

Không chỉ có niềm đam mê bất tận với Toán học và vừa đạt thành tích rất cao trong cuộc thi vừa qua, cả Hoàn và Trung còn là nơi gửi gắm ước mơ được thoát nghèo của cả hai gia đình khó khăn vùng quê lúa Thái Bình.

Năm nào cũng thế, mỗi lần biết tin Đoàn HS Việt Nam đạt giải cao tại các kỳ thi Quốc tế, không chỉ bản thân các em và gia đình cảm thấy phấn khởi mà ai cũng vui mừng cho một thế hệ học trò mới đầy tài năng. Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 56 được tổ chức tại Chiangmai, Thái Lan năm nay, Đoàn Việt Nam đã xếp thứ 5 với thành tích 2 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Trong đó, cả 2 tấm huy chương vàng đều thuộc về hai cậu học sinh đến từ quê lúa Thái Bình - nơi vốn đã nổi tiếng rất lâu về tinh thần hiếu học, đó là Nguyễn Thế Hoàn và Vũ Xuân Trung.

Chúng tôi vừa có một chuyến về thăm gia đình của hai em để chúc mừng cho kết quả rất xuất sắc này và cũng là để hiểu hơn về hoàn cảnh riêng của Thế Hoàn và Xuân Trung.

Nguyễn Thế Hoàn - chuyện đi "lấy vàng" lần thứ 2 và giấc mơ du học cháy bỏng

Nguyễn Thế Hoàn

Lớp 12 Toán 1 Trường THPT chuyên tự nhiên - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội)

Đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 2014

Đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 2015



Chân dung của cậu bạn Nguyễn Thế Hoàn.

Lần thứ hai đến thăm gia đình Hoàn tại thôn Bổng Thôn, xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, chúng tôi để ý thấy căn nhà của cậu bạn đã tươm tất hơn so với cùng thời điểm này của năm ngoái. Cũng vì đến vào buổi trưa nên chúng tôi đã lỡ mất dịp được thấy cảnh họ hàng, hàng xóm tập trung đông vui tại nhà để chúc mừng cho tấm HCV thứ 2 Hoàn vừa đạt được. Vì bận công việc ở Hà Tây nên bố của Hoàn vắng nhà, tiếp chúng tôi là bà nội, mẹ của Hoàn, Hoàn và cậu em trai tên Tuấn. 

Bảng thành tích của Hoàn ngày một nhiều thêm.

Bà nội rất vui khi kể về cháu trai.

Không còn mang dáng vẻ bẽn lẽn và trông khá non nớt như năm ngoái, cậu học sinh đạt HCV từ năm lớp 11 đã lớn và chững chạc hơn rất nhiều. Chia sẻ về cảm xúc lúc biết tin mình lại giành thêm một chiếc HCV nữa, Hoàn nói: "Lúc đó em rất vui và bất ngờ. Thực sự thì lần này em làm bài không được tốt lắm. Lúc nhận được điểm thầy giáo đã động viên rằng kết quả này xứng đáng với công sức của em. Khi biết Đoàn Việt Nam xếp thứ 5 trong số các đoàn tham gia dự thi thì tất cả mọi người đều vui mừng".

Đã là lần thứ 2 tham dự một kỳ thi quốc tế, Hoàn có lợi thế hơn so với các bạn khi đã đúc rút được cho mình những kinh nghiệm quý giá từ lần thi trước. Những tưởng điều này sẽ khiến Hoàn thoải mái hơn khi bước vào kỳ thi nhưng cậu bạn cho biết rằng chính vì năm ngoái đã đạt được HCV nên năm nay lại càng áp lực, nếu như kết quả năm nay không được tốt bằng chắc chắn mọi người sẽ rất thất vọng. 





Hai năm liền dốc sức cho việc ôn luyện của đội tuyển môn Toán, Hoàn có một chút thiệt thòi khi phải sớm đối mặt với lịch học dày đặc, gánh nặng tâm lý, áp lực thi cử và gần như không có nhiều chơi gian để vui chơi, thư giãn như các bạn cùng trang lứa. Tâm sự về điều này, Hoàn kể rằng: "Ở trên lớp mình chỉ đi học mỗi năm lớp 10, còn lại thời gian đều dành cho đội tuyển môn Toán. Có những bạn ở lớp mình còn chưa bao giờ nói chuyện nữa. Nhưng mất cái này thì sẽ được cái kia thôi, mình lại chơi khá thân thiết với các bạn trong đội tuyển, rồi cũng quen biết những anh chị đã từng thi IMO các năm trước nữa. Mình nghĩ điều này cũng là bình thường vì khi dành thời gian để ôn thi thì đành phải chấp nhận mất một cái gì đó".


Trong lúc Hoàn nói chuyện với chúng tôi thì bà nội và mẹ - chị Thảnh luôn chăm chú nhìn Hoàn và có những khi còn rơm rớm nước mắt. Kể từ lần đầu tiên về đây, chúng tôi đã được nghe chị tâm sự về hoàn cảnh gia đình khá khó khăn của mình. Và cho đến nay, tình hình kinh tế của cả nhà vẫn chưa khá khẩm lên bao nhiêu. Bố của Hoàn - anh Hòa vẫn làm phụ hồ trên Hà Nội với số tiền lương 150.000/ ngày. Còn mẹ của Hoàn, vì Tuấn - cậu em trai năm nay lên lớp 9 bị viêm màng não đang điều trị tại nhà nên phải đi đi về về thường xuyên giữa Hà Nội - Thái Bình để còn tiện chăm sóc. 

Số tiền kiếm được từ nghề phụ hồ của hai vợ chồng chỉ đủ để gia đình sống một cách tằn tiện. Niềm vui khi đứa con giỏi giang, ham học của mình xuất sắc đạt được tấm HCV thứ 2 chính là niềm an ủi, động viên lớn nhất cho gia đình Hoàn trong những ngày qua.


Hoàn và cậu em trai năm nay lên lớp 9.

"Lúc biết tin Hoàn đạt được giải cao cả gia đình tôi bỏ cả ăn cơm vì quá vui mừng. Suốt đêm đó hai vợ chồng cũng chẳng ngủ được mà cứ nằm nói chuyện về Hoàn. Cả nhà và họ hàng đã cùng thuê xe ra Hà Nội để đón em ở sân bay. Vì gia đình cũng còn vất vả nên Hoàn rất tự giác học hành. Từ bé đến giờ, chuyện học đều tự em quyết định. Vợ chồng tôi chỉ biết cố gắng kiếm tiền để trang trải cho cả nhà rồi thi thoảng vào kí túc xá thăm con, gọi điện động viên con mà thôi". - chị Thảnh vừa rơm rớm nước mắt vừa tâm sự.

Hiện tại, Hoàn vẫn đang cố gắng cho giấc mơ du học của mình. Sắp tới cậu bạn sẽ lên Hà Nội học tiếng Anh và tìm kiếm học bổng để được học tập trên nước Mỹ.

Vũ Xuân Trung - đứa con út "chỉ biết ăn và học" của gia đình cả nhà làm ruộng

Vũ Xuân Trung

Lớp 11 chuyên Toán - Trường THPT chuyên Thái Bình - Tỉnh Thái Bình

Đạt giải nhất môn Toán kỳ thi HSG Tỉnh năm lớp 9

Đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế 2015 với điểm số cao nhất toàn đội (34 điểm).



Tạm biệt Hoàn, chúng tôi lại hỏi đường để tìm về gia đình của em Vũ Xuân Trung. Mặc dù chỉ mới học lớp 11 nhưng Trung chính là người đạt số điểm cao nhất toàn đoàn trong kỳ thi vừa qua và xuất sắc giành HCV. Khi tới cổng làng Lịch Động, xã Đông Các, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, chúng tôi dừng lại để hỏi thăm về địa chỉ cụ thể của nhà Trung. Ngay từ đầu làng nhưng ai cũng biết nhà ông Hảo có con vừa đạt HCV quốc tế. Khắp làng xóm ai cũng vui mừng và tươi cười khi nghe chúng tôi nhắc đến Trung và thành tích của em.

Chào chúng tôi là nụ cười tươi rói của ông Vũ Xuân Hảo (52 tuổi), bố của Xuân Trung. Nhanh chóng mời chúng tôi vào nhà, ông Hảo đã phấn khởi chia sẻ: "Mấy hôm nay gia đình được nhiều người hỏi thăm và đến chúc mừng cho em nó lắm. Lúc đọc được thông tin trên báo cả nhà vui lắm. Đây này, cả nhà tôi đang chuẩn bị mọi thứ để ngày mai hai bên nội ngoại cùng liên hoan", ông Hảo vừa nói vừa chỉ về khoảng sân nơi mẹ của Trung cùng họ hàng đang sửa soạn bát đũa.  


Đang nói chuyện thì Trung biết nhà có khách nên xuống để chào hỏi. Điều đầu tiên khiến chúng tôi ấn tượng về em chính là nụ cười rất duyên và hiền lành của cậu học sinh lớp 11. Tuy nhỏ tuổi nhất đoàn nhưng Trung lại chính là người đạt số điểm cao nhất, chia sẻ cảm xúc về điều này, Trung khiêm tốn nói rằng đã khá bất ngờ vì không nghĩ lại được kết quả cao như thế. 

Vì đang là học sinh lớp 11 nên khó khăn lớn nhất của Trung trong kỳ thi vừa qua chính là kiến thức: "Vì em mới học lớp 11 nên kiến thức chưa được nhiều như các anh chị. Trong quá trình học em luôn phải tập trung để tiếp thu thêm kiến thức càng nhiều càng tốt. Còn về tâm lý thì em luôn cố gắng để mình thoải mái nhất, nhưng cũng không tránh khỏi lo lắng vì sợ đi thi mà kết quả tệ quá thì cũng không được" (cười). Khi được hỏi về bí quyết ôn tập trong suốt kỳ thi, Trung thật thà bảo: "Em cũng chẳng biết nói thế nào. Chắc là do em cân đối được thời gian dành cho việc học và giữ được tâm lý vững, có thế thì học mới hiệu quả được". 


Trung chia sẻ rằng bản thân đam mê Toán đã từ rất lâu. Lớp 5 Trung đạt giải nhất cuộc thi toán tuổi thơ và được tuyển thẳng vào lớp 6 của trường điểm tại huyện. Sau đó, lên cấp 3, Trung lại học chuyên Toán của trường chuyên Thái Bình. Sang năm, Trung cũng có dự định sẽ theo ngành Toán tại trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Trung bên góc học tập của mình.

Bằng khen mà Trung vừa mới nhận được trong kỳ thi vừa qua.

Sinh ra trong gia đình có 5 chị em, 4 chị gái trước của Trung đều đã đi lấy chồng ở xa, nên cậu con trai út ở nhà cùng bố và mẹ. Tự nhận mình là người không có trình độ về văn hóa, bố của Trung kể rằng hoàn cảnh của gia đình khá khó khăn khi vợ chồng chỉ làm nông nên ông hiểu được những nỗi khổ của việc ít học. Bản thân Trung cũng chịu nhiều thiệt thòi, những khi gia đình không có người ở nhà, cậu bạn lại tự mò mẫm nấu ăn để còn kịp đi học. 


Lúc chúng tôi đang nghe bố của Trung không giấu được xúc động chia sẻ nỗi niềm về cậu con trai ngoan ngoãn, ít nói của mình thì ông nội của Trung sang thăm. Năm nay đã 86 tuổi và tai hơi nghễnh ngãng, thế nhưng, mỗi lần nhắc đến Trung, cụ đều cười rất tươi và khen hết lời. Được biết khi gia đình nghe tin Trung đạt HCV, ông nội đã đòi bằng được để ra Hà Nội cùng đón Trung. Cụ bảo với chúng tôi rằng: "Thằng Trung nó chỉ biết ăn với học thôi, ngoan lắm!".


Căn nhà nhỏ bỗng trở nên rộn rã và nhiều tiếng nói cười hơn khi cậu con trai út giành được giải cao trong niềm hân hoan của cả làng, cả xóm. Mặc dù đối mặt với hoàn cảnh gia đình khá khó khăn nhưng cả Hoàn và Trung đều đã cùng nỗ lực để vượt lên điều đó. Có lẽ, chẳng có phần thưởng nào, niềm an ủi nào lớn hơn những thành tích học tập mà hai em đạt được để dành cho bố mẹ mình - những người đã suốt một đời hi sinh, tần tảo vì con. Giọt nước mắt mà những người thân của Hoàn và Trung hôm nay đã rơi chính là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của niềm tự hào không kể xiết dành cho đứa con thân yêu của mình.

Tạm biệt mảnh đất Thái Bình với những tấm gương sáng học giỏi, chúng tôi xin chúc cho Hoàn và Trung sẽ luôn giữ vững tinh thần và sự cố gắng như bây giờ để sớm đạt được những điều mà các em đã ấp ủ từ lâu.