Mẹ tôi bị coi là kẻ “cướp chồng” người ta!

Minh An (PTTH TNT), Theo 00:01 20/09/2011

Một người phụ nữ tự xưng là vợ của bác ấy đã đến tận nhà tôi đòi gặp mẹ. Bà ta dùng những từ ngữ kinh khủng để nói mẹ tôi là kẻ phá hoại, “nhảy” vào gia đình của bà ấy để tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.

Một cô nhóc 10 tuổi chứng kiến cảnh bố đánh mẹ. Nó chỉ biết khóc, bởi với thân hình nhỏ bé không đủ sức cản bố, hay che cho mẹ những cái tát, đành bất lực nhìn những giọt nước mắt lấn át đi nỗi đau tột cùng trong tim. Có khi mẹ bỏ đi, nó ngồi chui trong cái tủ gỗ cũ trong nhà và khóc như mưa mong mẹ quay về, đêm nằm mơ chỉ nói được câu “Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con nhé!”. Rồi mẹ cũng về, con bé khóc ôm chầm lấy mẹ, thở phào nhẹ nhõm. Bạn bè cứ gọi nó là mít ướt, bởi sáng nào nó cũng đến lớp với đôi mắt sưng mọng.

Năm 11 tuổi, nó có thêm một nhóc em trai bụ bẫm dễ thương. Cứ ngỡ là mọi chuyện sẽ qua đi, gia đình nó sẽ tràn ngập tiếng cười hạnh phúc nhưng cái viễn cảnh ấy còn quá xa vời. Cảnh đánh nhau, cãi vã của bố mẹ cứ lặp đi lặp lại, và chuyện gì phải đến cũng đến. Bố mẹ nó ly hôn. Đó là sự mong ước của cả mẹ, và của chính bản thân nó, một sự giải thoát cho tất cả…

Câu chuyện trên là mảnh ghép đầy nước mắt trong cuộc đời tôi. Chuyện ly dị của bố mẹ trở thành vết thương khó lành đối với một đứa con gái 17 tuổi. 17 tuổi, tôi mạnh mẽ hơn rất nhiều, lạc quan và cười cũng nhiều hơn để bù đắp cho quá khứ đã qua, bù đắp cho kỷ niệm và ước mơ tuổi học trò. Nhiều lúc tôi cười một cách vô tư với bạn bè, ai cũng nghĩ tôi có cuộc sống hoàn hảo lắm. Nhưng ít ai biết rằng, tôi cố gắng như thế để che đậy một sự lo lắng, sợ rằng một ngày nào đó, sự bình yên ít ỏi này sẽ rời bỏ mẹ con tôi. Không hiểu sao tôi cứ lo lắng mãi như vậy…

Năm 11 tuổi, tôi chưa thực sự hiểu về hoàn cảnh cụ thể của gia đình mình, chỉ thương mẹ, và chỉ có câu hỏi trong đầu “Tại sao bố cứ đánh mẹ vậy???”. Tôi rất ghét và hận bố. Hồi đó tôi đâu thể hiểu áp lực cuộc sống là như thế nào, nhìn bố đánh mẹ, lòng tôi trào lên sự hận thù. Nhưng bây giờ thì tôi đã hiểu, bố tôi vốn chỉ là một công nhân bình thường, chăm chỉ làm ăn, nhưng do áp lực công việc, cuộc sống, rồi không bằng bạn bè cùng lứa, bố tìm đến cờ bạc, nợ nần chồng chất. Mỗi lần như thế bố lại uống rượu, hàng đêm bố về nhà với bộ dạng say mèm, lại đánh chửi mắng hai mẹ con. Tôi thương mẹ lắm, thương cả bản thân mình. Những cơn say kia đã biến bố tôi thành con ma men. Thật may là sau khi ly dị, bố tôi cũng đã chí thú làm ăn, không còn nát rượu như trước. 3 năm sau, bố lập gia đình mới. Tôi cảm thấy mừng cho sự thay đổi của bố.
 

Tại sao đến giờ phút này, mẹ tôi vẫn không được sống hạnh phúc như mẹ đáng được như thế?

Mẹ tôi là người phụ nữ tần tảo, tiết kiệm và rất tháo vát. Mới sinh em tôi, mẹ đã chở rau, chở gạo ra chợ bán kiếm thêm tiền nuôi con. Mẹ tích góp từng đồng để nuôi tôi và em trai khôn lớn. Từ số vốn nhỏ nhoi đó, mẹ học thêm kế toán và xin vào một công ty dược phẩm làm. Mẹ tôi không từ một việc gì, miễn sao đủ tiền để chúng tôi không bao giờ phải chịu cảnh đói khát. Ngày tôi còn bé, mẹ đạp xe đi giao thuốc, tôi vắt vẻo ngồi sau cứ tưởng được đi chơi. Đâu biết rằng mồ hôi mẹ đang chảy thành dòng vì nắng nôi, mệt cũng chẳng dám nghỉ vì không giao đủ sẽ bị cắt bớt công. Thế rồi những ngày vất vả cũng qua, nhờ chăm chỉ lại khéo léo, mẹ đã tự mở được một cửa hàng thuốc. Rồi từ đó phát triển thành công ty nhỏ. Từ trước đến nay tôi luôn ngưỡng mộ mẹ, một người đàn bà trải qua mọi nỗi đau sóng gió trong cuộc đời, mà vẫn vững vàng đứng lên, một mình nuôi dạy hai đứa con và cũng thành đạt trong công danh sự nghiệp.

Tôi không bao giờ muốn làm mẹ buồn. Tôi cố gắng thi đỗ vào trường cấp 3 chuyên của thành phố, điều đó làm mẹ rất hãnh diện, và đó cũng là một món quà nho nhỏ để xoa dịu vết thương tình cảm trong lòng mẹ. Em trai tôi cũng khá ngoan, tôi thường chơi với em mỗi lần mẹ đi làm xa nhà, lau dọn nhà cửa, cơm nước chu đáo. Tôi mong muốn chia sẻ được phần nào vất vả của mẹ khi vừa đi làm kiếm tiền, vừa phải chăm sóc con cái. Tôi cứ nghĩ  rằng mẹ rất hạnh phúc, sẽ yên tâm với gia đình ba người nhỏ bé nhưng ấm áp này.

Thế rồi, bỗng một ngày mẹ dẫn về nhà một người đàn ông. Mẹ nói rằng đây là bạn mẹ, một người bạn thân đã ở bên và giúp đỡ mẹ bấy lâu nay. Tôi ngỡ ngàng. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy bác ấy, tại sao bác ấy có thể ở bên mẹ một thời gian dài mà tôi không biết?? Từ ngỡ ngàng, tôi chuyển sang lo sợ và tức giận. Khi mẹ hỏi tôi về bác ấy, tôi thẳng thừng nói “Bác ấy mới quen mẹ à? Con không có cảm tình lắm”. Thực ra tôi không ích kỷ đến mức cấm đoán mẹ có mối quan hệ khác, bởi mẹ tôi đã hy sinh cả đời vì con cái, giờ mẹ cần một người chia sẻ, giúp đỡ là bình thường. Nhưng quả thực tôi không thấy ông ấy có điểm gì đáng tin cả. Tôi biết khi tôi nói ra ý kiến của mình, mẹ đã buồn đến mức nào.

Mỗi lần ông ấy tới nhà thăm mẹ tôi, là tôi thái độ ra mặt, không thèm chào hỏi, lên thẳng phòng mình và gọi em xuống nhà chơi với mẹ. Sau 6 năm, nỗi sợ hãi ngày nào lại quay về. Tôi sợ mất đi người thân của mình, giống như chúng tôi đã chẳng còn được ở cạnh bố. Nếu mẹ chọn bác ấy, lẽ nào mẹ sẽ bỏ chúng tôi?

Một hôm khi đang dọn nhà, tôi vô tình tìm được trang nhật ký của mẹ. Tôi đọc mà mắt cay xè, trong đó không chỉ những vất vả đơn thuần trong sự nghiệp và mẹ tôi phải chịu, mà còn là sự cô đơn, trơ trọi mỗi khi đêm về. Nhất là vào những hôm lễ tết, ba mẹ con bên nhau nhưng vẫn thiếu một người đàn ông trụ cột. Lần này tôi lại khóc thầm, tôi thực sự thương mẹ nhiều lắm. Tôi biết mẹ có tình cảm với bác ấy, nhưng không hiểu sao tôi lại sợ ông ấy sẽ bỏ rơi mẹ, sẽ lại khiến gia đình tôi rơi vào cảnh cô đơn. Và tôi tin chắc rằng, ở tuổi này, mẹ sẽ không còn cứng rắn, vững vàng được như ngày chia tay bố.

Vì thương mẹ, tôi đã gạt bỏ đi ác cảm của mình với bác ấy. Tôi cố an ủi rằng đây chỉ là sự ích kỷ và lo lắng, vừa không muốn mẹ ở bên người khác, vừa lo cho hạnh phúc của mẹ mà thôi. Tôi dần dần thay đổi thái độ, tôi cười nhiều hơn và nói chuyện với bác ấy nhiều hơn. Mẹ vui lắm. 4 người đã có những buổi đi chơi như một gia đình thực sự. Và chỉ một chút nữa thôi, tôi sẽ gọi bác ấy là bố…

Những tưởng mọi chuyện đến đây đã là một cái kết, nhưng cuộc đời thật trớ trêu. Một người phụ nữ tự xưng là vợ của bác ấy đã đến tận nhà tôi đòi gặp mẹ. Khi ấy, mẹ tôi và em không có nhà. Bà ta làm ầm lên, dùng những từ ngữ khủng khiếp để nói mẹ tôi. Cả khu tập thể đổ ra xem, nhìn tôi đứng chết trân hứng chịu lời lẽ của một người đàn bà đang ghen “Bảo mẹ mày khôn thì tự biến đi. Tao cũng biết công ty mẹ mày rồi, đừng để tao cho mẹ mày hết đi làm luôn. Ai ngờ 2 đứa con rồi lại còn thích nhảy vào nhà người ta…”. Từng lời bà ấy nói như xé tim gan tôi ra từng mảnh, nhục nhã, đau đớn và cay đắng kinh khủng. Thế là sự lo lắng, nghi ngờ của tôi đã thành sự thực như thế này đây. Đáng lẽ tôi phải ngăn mẹ lại chứ?? Tại sao tôi đã nghi ngờ ông ấy, mà lại tặc lưỡi nghĩ vì thương mẹ nên im lặng bỏ qua và vun vào cho mẹ?!!

Sau vụ ấy, ông ta không còn đến nhà tôi nữa. Mẹ thì chỉ im lặng. Mẹ không nói một lời nào về chuyện ấy, và tôi cũng hết sức tránh nhắc tên ông ta. Nhưng đứa em tội nghiệp của tôi thì vẫn cứ vô tư hỏi “Bác Cường hứa đưa con đi mua ô tô điện mà mãi chưa thấy!”, nó có biết gì đâu. Tôi hiểu mẹ đang đau khổ thế nào, hàng đêm mẹ vẫn chôn mình trong phòng rồi khóc. Mất mát về tình cảm, về một chỗ dựa tinh thần đang hành hạ mẹ, nhưng tôi có cảm giác điều đó không kinh khủng bằng mẹ sợ rằng, tôi sẽ coi thường mẹ đi phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác. Thực lòng, tôi đâu dám nghĩ như thế. Tôi cho rằng mẹ không biết ông ấy đã lừa dối, có thể ông ấy nói đã ly dị rồi nên mẹ mới tin tưởng và để ông ấy về nhà gặp chúng tôi.

Nhưng cái tiếng xấu “1 đời chồng, có 2 con rồi còn đi cướp chồng người ta” đã bị thêu dệt và lan đi khắp nơi. Tôi sợ rằng em tôi còn quá non nớt, nó sẽ bị sốc khi nghe những lời đồn thổi độc địa ấy. Tôi thương gia đình bé nhỏ của tôi quá, tại sao đến giờ phút này, mẹ tôi vẫn không được sống hạnh phúc như mẹ đáng được như thế? Tại sao những đổ vỡ tình cảm cứ tìm đến mẹ tôi và khiến gia đình tôi khốn đốn thế này?...

Để chia sẻ những câu chuyện thật về bạn và một ai đó bạn biết, hãy gửi mail về theo địa chỉ cauchuyenthatcuatoi@kenh14.vn. Những tâm sự của bạn sẽ được mọi người lắng nghe và chia sẻ.