Gọi tên các kiểu mỳ vằn thắn ở Hà Nội

cafe sữa, Theo 10:00 10/01/2011

Ở Hà Nội có nhiều kiểu mỳ vằn thắn lắm đấy! Nếu không tin thì các bạn cứ thử vào mà xem...

Như các bạn đều biết, mỳ vằn thắn là món ăn có nguồn gốc từ người Hoa, thế nhưng món ăn này đã xuất hiện ở Hà Nội từ rất lâu rồi và có những khi nó đã được biến đổi đi đôi chút cho phù hợp hơn với khẩu vị của người Hà Nội. Giờ chúng mình cùng thử điểm xem ở Hà Nội có bao nhiêu kiểu mỳ vằn thắn nhé!

Mỳ “classic”

Gọi là mỳ classic là bởi đây gần như là kiểu mỳ xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội mà điển hình có hai nhà bán mỳ nổi tiếng theo kiểu này là ở Mai Hắc Đế và phố Huế. Nhưng cũng tại đây, nếu đem so bát mỳ của đầu nhưng năm 90 và bát mỳ của hiện tại thì cũng có sự khác biệt đấy. Hồi đầu, bát mỳ “classic” chỉ gồm có sủi cảo, thịt xíu, trứng luộc, gan luộc và rau theo mùa thôi. Mãi đến sau này, trong bát mỳ mới xuất hiện thêm miếng sủi cảo chiên và miếng bóng. Và đặc biệt là kiểu mỳ này không hề có tôm tươi nhé! Mùi thơm và vị ngọt của nước dùng đều lấy từ tôm khô cả.
 
Ảnh: Flickr Songo

Hồi đầu, hai địa chỉ này được xếp vào hàng ngon và có tiếng ở Hà Nội nhưng đến giờ, chất lượng có vẻ như đang đi xuống rồi.

Mỳ sủi cảo – tôm tươi

Đây là kiểu mỳ xuất hiện sau món mỳ ở trên, khi mà cuộc sống của người dân bắt đầu cải thiện, họ thích ăn có chất hơn. Vào thời đó, hàng loạt các món ăn đã được làm cuộc Cách mạng bổ sung “chất đạm”, ví như bún ốc cho thêm thịt bò, bún riêu cho thêm giò và thế món mỳ vằn thắn cũng được cho thêm tôm tươi. Có vẻ như trong tất cả các món được bổ sung đó thì món mỳ vằn thắn hợp lý hơn cả nhỉ?

Hiện giờ có rất nhiều hàng bán mỳ theo kiểu này. Nhiều nhất thì có thể kể đến mỳ vằn thắn Hàng Chiếu chẳng hạn.

Mỳ Quảng Đông

Đây là kiểu mỳ ở Hà Nội được coi là gần với nguyên gốc Trung Quốc nhất. Nếu nói về thành phần thì nó cũng giống y như hai loại ở trên thôi vì thế để tìm ra sự khác biệt, ta phải để ý đến mùi vị. Nổi vị nhất và đặc trưng nhất của bát mỳ kiểu này là vị tỏi. Tỏi được trộn trong nhân của miếng sủi cảo và tỏi phi được cho kèm thêm khi chan nước. Mới đầu, nếu chưa quen thì bạn sẽ cảm thấy hơi khang khác, là lạ nhưng cũng thấy dậy mùi lắm. Và được cái là, sợi mỳ ở đây nhỏ mà lại dai mềm, có màu vàng đẹp hơn hẳn các nơi khác đấy.
 
 
Tỏi phi được dùng ăn kèm với mỳ

Mỳ Quảng Đông kiểu này có bán ở phố Tuệ Tĩnh nhé!

Mỳ trộn

Hay còn gọi là mỳ khô. Món mỳ này xuất hiện khi trào lưu miến trộn, bánh đa trộn nở rộ. Xuất hiện sớm nhất ở khu phố Đinh Liệt – Cầu Gỗ. Họ dùng tất cả những nguyên liệu trong một bát mỳ vằn thắn bình thường, không tôm tươi, không chan nước, đem trộn với một loại nước sốt riêng của cửa hàng. Không rõ lắm loại nước sốt này được làm từ những gì nhưng được cái là vừa miệng, không chua, không ngọt, chỉ hơi cay nhẹ.
 
 

Và khi ăn, chủ hàng sẽ phục vụ thêm một bát canh nhỏ cùng mấy viên sủi cảo nữa.

Liệu đã đủ chưa nhỉ? Nếu còn thiều kiểu mỳ nào nữa thì các bạn bổ sung thêm cho tất cả cùng biết nhé!