Cựu học sinh Ams nói gì về ngôi trường nổi tiếng và "đầy áp lực cạnh tranh"?

Suzz, Theo Trí Thức Trẻ 00:18 28/05/2015

Chúng tôi đã phỏng vấn một số cựu học sinh Ams để nghe chính họ nói thẳng thắn về ngôi trường mà mình đã từng theo học, về những điều mà họ đã trải qua tại đây - một ngôi trường nổi tiếng bậc nhất, nhưng cũng kèm theo đó là không ít áp lực cạnh tranh.

Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội có khá nhiều cuộc tranh luận về học sinh trường Ams, cho rằng các Amsers phần lớn là vô cảm, ngôi sao, môi trường ở Ams quá khốc liệt, tạo ra những cuộc cạnh tranh gay gắt, không còn tình bạn.

Chúng tôi đã phỏng vấn một số cựu học sinh Ams để nghe chính họ nói thẳng thắn về ngôi trường mà mình đã từng theo học, về những điều mà họ đã trải qua tại đây. 

Mai Mỹ Linh (Học sinh chuyên Địa - khóa 2010 - 2013): "Đến giờ vẫn thấy đúng đắn khi đã học Ams, để được tôi luyện và trải qua bao cảm giác khủng khiếp khi đối mặt với những khó khăn đầu đời"

Ở Ams, đặc thù cạnh tranh cao trong học tập và các hoạt động ngoại khóa, việc ganh ghét đố kị là rất dễ xảy ra. Nhưng điều lạ là trong những việc cần sức mạnh tập thể thì lại khó có nơi nào liên kết khăng khít với nhau được như Ams. Nói xấu cũng có, chia bè kéo cánh cũng có, nhưng lễ tốt nghiệp thì hai đứa không đội trời chung cũng ôm nhau khóc như mưa. Mình biết có những người bạn bị ghét, bị bôi nhọ nhưng phần đông những nạn nhân từng trải qua môi trường chọn lọc khắc nghiệt của Ams đều trưởng thành và tốt lên rất nhiều. Đứa ích kỷ thì biết nghĩ cho cộng đồng hơn, ít nhất cũng phải đóng tiền "Ngày Hội Anh Tài" và tham gia vào tiết mục văn nghệ, đứa ngôi sao thì cũng bị kéo xuống bùn lầy một chút vì cứ tỏa sáng một mình không ai nhìn, còn bị khinh thì cũng chẳng lấy gì làm oai. 

Có lẽ là thế hệ đi trước, các cô các bác hiểu rõ hơn chúng mình, rằng cuộc sống này khắc nghiệt như thế nào. Khi thực sự bước vào đời và tự đi trên đôi chân của mình, khó khăn nào cũng phải một lần trải qua. Ams chúng mình có lẽ già hơn tuổi một chút, nên cái môi trường của chúng mình nó hơi giống một xã hội nhỏ để từng cá nhân được trải nghiệm và thử lửa sớm hơn. Đến giờ mình vẫn luôn thấy đúng đắn khi đã học Ams, để được tôi luyện và trải qua bao cảm giác khủng khiếp khi đối mặt với những khó khăn đầu đời. Để bây giờ khi ngày càng nhiều khó khăn xảy đến, luôn sẵn sàng và vững tin hơn. 


Mình  nghĩ, giá trị của Ams và rất nhiều ngôi trường cấp 3 nổi tiếng khác là ở chỗ đó. Không phải là điểm đầu vào, đầu ra, kết quả học bổng, đại học... Mà là ở sự chọn lọc, tôi luyện về tư duy, ý chí và cảm xúc của mỗi học sinh. Sự thay đổi của lối sống và lối tư duy khi tiếp xúc với xã hội thu nhỏ chuẩn mực khá cao này. Đây là cảm nhận chân thành của mình, một cựu học sinh đã lăn lê bò toài khắp từng góc hành lang, tham gia vào gần như toàn bộ những gì Ams có, đội tuyển học sinh giỏi, đoàn đội, câu lạc bộ, ăn chơi hội hè, cãi lộn, bè phái, rồi lại là những ngày yêu thương, free hug free đủ thứ, dạy nhau học thêm đến 9h 10h tối để thi qua môn sau mấy tháng ngày hội anh tài chơi bay sạch chữ. 

Hãy tin tưởng Ams. Đây thực sự là một môi trường đủ tốt để gửi gắm tương lai, dù nó không hề dễ dàng và bình yên cho bất kì ai!

Hàn Ngọc Linh Chi (học sinh chuyên Pháp khóa 2008 - 2011): Cái quan trọng là nếu mở lòng và hoà nhập với mọi người, người ta cũng sẽ tin tưởng và mở lòng với mình

Với mình thì quãng đời học sinh cấp 3 của mình rất tuyệt, vì ngày nào đến lớp gặp mọi người cũng vui như Tết. Đến tận bây giờ lớp mình vẫn liên lạc với nhau thường xuyên qua group chung trên Facebook dù đã tốt nghiệp được 3 - 4 năm rồi. Mặc dù mình đi du học xa nhưng mỗi lần có dịp về là vẫn đi ăn uống tụ tập với mọi người, và hè nào bọn mình cũng tổ chức đi chơi xa với nhau để mọi người lại thân nhau hơn.

Bản thân mình chưa bao giờ bị phụ huynh áp lực là phải thi vào Ams cho bằng được hay phải ganh đua với người nọ người kia cả, và mình cũng chưa bao giờ cảm thấy học lực ảnh hưởng tới cách mọi người chơi với nhau trong lớp. Giáo viên trong trường cũng không bao giờ tự khen học sinh của mình; không biết bao nhiêu lần bọn mình đã "được" các thầy cô so sánh với học sinh trường khác để bọn mình phải kiểm điểm lại bản thân rồi. Tuy vậy nhưng thầy cô luôn biết cách động viên học sinh đúng lúc và kiểm điểm khi cần thiết.

Thời học sinh làm sao tránh được việc người này người kia không chơi với nhau, tính mỗi người một khác, và việc chơi với ai là quyền của mỗi người, không ai bắt ai phải chơi hay không chơi với nhau cả. Lớp mình ban đầu cũng không quá thân thiện với nhau, vì những ai quen nhau từ trước thì một cách tự nhiên sẽ tụm lại chơi riêng với nhau, nhưng đấy là điều dễ hiểu vì không phải ai cũng đủ cởi mở để chạy đi làm quen với tất cả mọi người ngay được. Cái quan trọng là tự mình phải mở lòng và hòa nhập cùng mọi người, thì người ta mới có thể yên tâm tin tưởng và mở lòng với mình. Lớp mình dần dần thân với nhau và thậm chí là với cả lớp khác phần lớn cũng nhờ những hoạt động ngoại khóa Ams tổ chức cho học sinh. Qua mỗi lần cùng nhau làm chung một thứ gì đó là mỗi lần bọn mình lại hiểu nhau hơn và thông cảm với nhau hơn. Nếu không có những dịp đặc biệt dành cho học sinh có lẽ bọn mình đã không được như hôm nay.



Còn về chuyện gia cảnh, trong lớp những bạn có thể gọi là “nhà có điều kiện” chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay, hoặc hơn hay kém thì bọn mình cũng không rõ bởi đơn giản đó chưa bao giờ là vấn đề quan trọng đối với bọn mình. Mỗi lần tụ tập đi chơi mà có ai đó nói là không đi được vì hết tiền, chắc chắn cả lũ sẽ hùn tiền hoặc cùng nhau nghĩ đi đâu đó phù hợp hơn để tất cả đều đi được.

Có lẽ mình may mắn vì có được những người bạn như vậy, nhưng mình chắc chắn đây không phải là trường hợp hiếm có ở Ams. Không phải vô cớ mà cựu học sinh Ams lại luôn sẵn sàng lên tiếng bảo vệ ngôi trường trung học của mình. Nếu nó thực sự tệ đến vậy thì có ai muốn quay lại để bảo vệ nơi đã đào thải mình không?

Quốc Dũng (Học sinh chuyên Lý - Khoá 2010 - 2013)"Ams là nơi hội tụ của những con người có tham vọng, tất yếu đi kèm với sự cạnh tranh"

Theo mình nhận thấy, Ams là một nơi tụ hội của những con người có tham vọng, và tất yếu đi kèm với sự cạnh tranh từ hoạt động ngoại khóa cho đến việc học tập mà nhiều lúc đánh mất con người thật của mình hay quên đi mình bé nhỏ với thế giới bên ngoài đến nhường nào. Bản thân mình cũng đã nhiều lúc vô tình rơi vào vòng xoáy cạnh tranh này hay chính là nạn nhân của nó. Vì vậy, Ams liệu có là một môi trường tốt hay không phụ thuộc vào tính cách của mỗi học sinh cũng như sự chuẩn bị và hỗ trợ tinh thần từ phụ huynh bởi thất vọng luôn luôn đến từ sự kì vọng mơ hồ. 

Còn nếu ai đó đặt câu hỏi về tính đoàn kết trong nội bộ học sinh của trường thì mình nghĩ rằng cộng đồng Ams không chỉ nằm gọn trong khuôn viên mà còn nhân rộng và gắn kết mọi khóa và nhiều nơi trên thế giới. Bản thân mình cũng đã giúp đỡ và nhận được giúp đỡ cũng như định hướng bởi rất nhiều các em, các bạn và anh chị khóa trên của trường ở khắp mọi nơi. Sự trưởng thành, chai sạn, những bài học đắt giá và sự kết nối giữa các thế hệ là điều mình trân trọng nhất sau 3 năm học cấp ba ở đây.


Trần Phương Thanh (học sinh cấp 2 Ams - khóa 2003 - 2007): Mình đã được chứng kiến ở đây những cá tính, những trào lưu rất "chất"

Trong quãng đời học sinh của mình thì khoảng thời gian học Ams là đáng nhớ nhất. Mình vào Ams từ cấp 2, ấn tượng đầu tiên là tất cả bạn bè đều rất ngoan và giỏi. Khi lớn hơn, tầm lớp 8-9, mình bắt đầu được chứng kiến những cá tính, những trào lưu rất "chất" từ bạn và các anh chị xung quanh, mà có lẽ nếu không học Ams chắc mình không thể biết, và không hề hiểu được rằng sẽ quá phí phạm nếu không bắt nhịp với những xu hướng như vậy. 

Các hoạt động mang tính truyền thống của Ams như Ngày Hội Anh Tài, thậm chí việc 2 người kéo cờ đầu tuần đều phải là 2 học sinh ưu tú có các thành tích xuất sắc, đều khiến mình không bao giờ quên được. Bạn bè học Ams của mình tới giờ hầu như đều thành đạt. Và mình chợt nhận ra, điều quan trọng nhất đối với mỗi đứa trẻ tuổi đi học phải là môi trường nơi chúng theo học: lành mạnh, cởi mở, luôn hướng tới những điều tốt đẹp, và có sẵn xung quanh một cộng đồng văn minh.



Đinh Ngọc Vân Hương (Học sinh chuyên Văn Khóa 2008 - 2011): Sau này nếu con mình muốn học Ams, mình sẽ hỏi con vì sao muốn vào đó?

Nhà mình rất bình thường, và có cả 2 anh em đều học Ams. Anh mình còn học ở Ams 7 năm. Lớp mình cũng có nhiều bạn nhà rất giàu, hay bố mẹ làm to, nhưng Ams chưa bao giờ khiến mình hối hận khi lựa chọn. Ở đây mình có tình thầy trò và tình bạn quá đỗi tốt đẹp. Ở đây mình hiểu thế nào là tự do.

Rời Ams 4 năm khiến nhiều thứ ở Ams mình không biết được hết, chỉ có thể cập nhật qua mạng. Nhưng mình nhớ sự kiện gần đây nhất mình xem clip của các em là Made In 12, thì vẫn cảm nhận các em vẫn vậy, vẫn như tụi mình ngày xưa thôi. 

Nếu sau này con mình muốn học Ams, mình vẫn sẽ cho con mình vào. Chỉ là trước khi quyết định, mình sẽ hỏi con mình tại sao muốn vào Ams, vậy thôi. Vì kinh nghiệm bố mẹ (yêu hay ghét 1 ngôi trường) mà đi tuyên bố tôi chỉ cho con vào trường này, hay nhất quyết không vào trường kia, chắc gì đã là tốt nhất.

Tạm kết

Tất cả những nhân vật chúng tôi phỏng vấn đều có chung một quan điểm rằng, ở môi trường nào cũng sẽ tồn tại những điểm tốt, điểm chưa tốt, nhưng không nên vì thế mà đánh đồng cả một tập thể. Dù gì đi nữa, cựu học sinh Ams vẫn rất tự hào về môi trường mà mình theo học. Ams vẫn là nơi mà nhiều thế hệ học sinh ao ước được học tập, là nơi bồi dưỡng, đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, là nơi mà rất nhiều cựu học sinh đã gọi là "mái nhà thứ 2". Giống như câu khẩu hiệu của họ "Once Amser, Forever Amser".