Clip: "Trông mày như bê đê!"

Thực hiện: Diệp Nguyễn, Hồng Lĩnh, Hồng Ngọc, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/06/2015

Bao nhiêu người trong số chúng ta dùng cụm từ "như bê đê" như một cách để chế nhạo hành động, cử chỉ hay cách ăn mặc của một ai đó?

Ắt hẳn nhiều người trong chúng ta, đã từng có lần chế nhạo bạn bè của mình hay thậm chí là bị chế nhạo bằng cụm từ "nhìn như bê đê". "Mày đi đứng nhìn như bê đê", "Ăn mặc nhìn như bê đê", "Tác phong như thằng bê đê". Đại ý của những cụm từ này, đó là chế nhạo những người nam vì họ có tác phong ẻo lả, ăn mặc "đồng bóng", màu mè. Nhưng liệu bản thân những người đồng tính, khi bị lôi ra làm đối tượng so sánh trong câu chế nhạo đó có thật sự giống như những gì mà bạn nghĩ về họ?

Chúng tôi đã thử làm một cuộc "kiểm tra" nho nhỏ, để mô tả lại phần nào cách mà chúng ta vẫn đang nghĩ về người đồng tính. Chúng tôi đưa một vài bạn trẻ vào phòng và yêu cầu họ làm theo một vài hành động nhất định với cử chỉ mà theo họ là "như bê đê". Sau đó, chúng tôi đề nghị các bạn trẻ cộng đồng LGBT thực hiện các hành động vừa rồi với cử chỉ của chính bản thân họ.

Trong clip có sử dụng những hình ảnh trong trích đoạn phim "Để mai tính".


Nghe điện thoại nhìn "như bê đê".


Đi lại nhìn "như bê đê".


Dáng ngồi nhìn "như bê đê".


Từ bao giờ, "như bê đê" trở thành một cách để chế nhạo lẫn nhau?


Điều này thực sự khiến chúng tôi nghĩ rằng, sự kỳ thị thật ra có thể đến từ những cử chỉ và những lời nói tưởng chừng như vô hại nhất. Câu nói "như bê đê" tồn tại đủ lâu bên những lời chê bai, miệt thị,.. dẫn đến việc chúng ta nghĩ đến nó như một cái gì rất xấu xa và lố bịch. Và những điều mà chúng ta tưởng như rất bình thường, không hề có chút ác ý nào, thực ra lại góp phần đào sâu thêm sự kỳ thị trong tiềm thức của mỗi người.

Rất nhiều bạn sẽ cho rằng, người đồng tính ngoài đời thực sự có rất nhiều người có biểu hiện hay cử chỉ lả lướt, màu mè như thế. Nhưng hãy nghĩ rằng, cá tính và cách thể hiện của mỗi người là muôn màu muôn vẻ. Chúng ta không thể phán xét người khác chỉ vì họ có cách hành xử khác ta, và càng không thể sử dụng những đặc điểm tính cách của họ để chế nhạo lẫn nhau, như thể họ là một điều gì đó rất tồi tệ. Chúng ta nói nhiều về sự bình đẳng và tôn trọng, nhưng nếu chúng ta không tôn trọng người khác từ chính những lời nói và suy nghĩ của mình, sẽ chẳng có sự bình đẳng và tôn trọng nào cho họ nữa.

Những từ ngữ tưởng chừng như rất vô hại, nhưng tác động chúng để lại là vô cùng lớn. Người đồng tính có thể "tặc lưỡi" cho qua vì họ... quen rồi. Nhưng chừng nào chúng ta còn coi nhẹ những thứ tưởng chừng như rất nhỏ nhặt đấy, thì chừng đó hố sâu kỳ thị vẫn không thể lấp đầy và sự bình đẳng vẫn còn ở một chân trời nào xa xôi lắm.