Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị

Hà Nam, Theo Trí Thức Trẻ 09:53 18/12/2016

Tạo hóa trêu ngươi khi không cho em một thân thể hoàn thiện cùng mái ấm gia đình như bao đứa trẻ khác, thế nhưng đã cho em một đôi chân kì diệu để viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.

Đôi chân diệu kỳ…

Đến xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị hỏi cậu học trò Hà Văn Tài (9 tuổi), học sinh lớp 4B, trường tiểu học Lê Văn Tám không ai là không biết. "Chim cánh cụt" là cái tên thân thương mà nhiều người gọi em với sự cảm phục và một tình yêu thương nồng ấm. Bẩm sinh không có đôi tay, suốt 9 năm nay, Tài tự học cách làm mọi việc từ ăn cơm, đánh răng, rửa chén... đến cầm bút, viết chữ bằng đôi chân khuyết tật của mình.

Clip: Đôi chân diệu kỳ của cậu bé mồ côi, không tay ở Quảng Trị. Thực hiện: Hà Nam

Em là kết quả của mối tình buồn giữa chị Hà Thị Hường (SN 1988) với một người đàn ông gốc Huế ra Quảng Trị làm việc. Hạnh phúc không trọn vẹn khi nghe tin chị Hường có bầu, gã "sở khanh" đã lẳng lặng bỏ đi không lời từ biệt…

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 2.

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 3.

Để có thể cầm được cốc nước, tự ăn cơm được như hôm nay là sự khổ luyện đầy đau đớn của Tài

Nuốt ngược nỗi đau vào tim và bỏ ngoài tai bao lời đàm tiếu của dư luận, năm 2006, chị Hường sinh hạ bé Hà Văn Tài. Thế nhưng, số phận trêu ngươi khi Tài sinh ra đã không có đôi tay, còn đôi chân thì bên ngắn, bên dài…

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 4.

Từ nhỏ, Tài phải sống với bà ngoại trong cảnh đói nghèo…

Cất tiếng khóc chào đời, Tài đã không có tình thương từ cha, đến năm 3 tuổi, em lại tiếp tục thiếu vắng hơi ấm của mẹ khi chị Hường đi lấy chồng khác, gửi Tài cho bà ngoại cưu mang. Gần 6 năm nay, Tài lớn lên trong sự đùm bọc của bà ngoại và bà con hàng xóm, láng giềng. Hoàn cảnh khó khăn, tuổi thơ của Tài gắn liền với những bữa cơm đạm bạc thấm đẫm những giọt mồ hôi của người bà khắc khổ…

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 5.

Bà ngoại đặt em tên Tài với mong ước em sẽ lấy cái tài để che lấp đi khiếm khuyết về cơ thể của mình.

Bà Hà Thị Bướm (SN 1958, bà ngoại Tài) chia sẻ, khác với những đứa trẻ bình thường, lúc còn nhỏ, Tài vừa bú mẹ vừa đưa chân lên kẹp vào vú bên kia. Cảm động nhất là khi tập bò, Tài rướn mình như một con sâu đo cố lết từng chút một…

Rồi đến tuổi tập đi, không có cánh tay làm điểm tựa bấu víu, mỗi khi đứng dậy, Tài lại ngã uỵch xuống đất, có khi đập cả đầu vào tường nhà. Cứ thế, vết sẹo cũ chưa lành thì vết thương mới lại xuất hiện trên cơ thể, vậy mà Tài rất ít khi khóc. Và rồi, những bước chân xiêu vẹo, chao đảo cũng dần vững vàng, rắn rỏi sau một quá trình luyện tập gian khổ.

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 6.

Cậu bé "chim cánh cụt" luôn nỗ lực từng bước trong cuộc sống và bên cạnh em luôn có tình yêu thương, chở che của người bà…

Bước đi được, Tài tiếp tục dùng đôi chân diệu kỳ của mình để tập làm những việc mà người khác thường làm bằng tay. Ngay từ khi bé tí, Tài đã cố gắng tự làm những việc cá nhân, em tự làm tất cả mọi việc từ ăn uống, đánh răng đến rửa chén, nấu nước giúp bà…

"Lúc còn nhỏ tí, nó thường hay hỏi ‘Sao con không có đôi tay như các bạn? Khi nào thì tay của con mới mọc ra hả bà?!’. Hình như nó cũng hiểu được sự khiếm khuyết về cơ thể của mình nên mỗi khi ra đường, thấy ai tò mò nhìn mình hay xì xào bàn tán, nó đều rất buồn. Mỗi lần thấy cháu như vậy là lòng tôi lại đau như có nàng mũi dao đâm vào tim vậy. Tôi không biết phải giải thích với cháu sao cả. Chỉ biết ôm nó vào lòng thật chặt và an ủi cho Tài nguôi ngoai nỗi đau mà thôi…

Tội nghiệp, cháu nó chịu khó lắm, chỉ khi nào việc gì khó quá thì nó mới nhờ bà giúp. Còn đa số việc sinh hoạt cá nhân cháu đều cố gắng tự mình làm… Giá như có phép màu nào đó để tôi đổi được hình hài của mình cho cháu thì tốt biết mấy...", bà Bướm đưa mắt nhìn đứa cháu bất hạnh đang ngây thơ chạy nhảy ngoài sân rồi lại vội kéo vạt áo lau dòng nước mắt đang lăn dài trên đôi gò má đầy vết chân chim.

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 7.

Tài nhỏ hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa

Bà Bướm kể thêm, năm 7 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa cắp sách đến trường, Tài cũng nằng nặc đòi đi học. Thấy vậy, bà lo lắng lắm, bà sợ Tài bị cụt cả 2 tay thì làm sao cầm bút viết được. Nhưng rồi, nhìn khát khao được đến trường của Tài, bà đánh "liều" dẫn cháu đến trường Tiểu học Lê Văn Tám xin nhập học. Lúc đầu, nhà trường tỏ vẻ ái ngại, nhưng thấy sự quyết tâm và hiếu học của Tài nên đã nhận cháu vào lớp 1.

Không có tay, Tài tập viết chữ bằng chân. Tài kẹp bút bằng các ngón chân trái, lưng cúi sát xuống bàn, đầu nghiêng vẹo sang một bên nắn nót viết từng nét chữ. Những ngày luyện chữ với Tài là một cực hình đầy đau đớn, bàn chân kẹp bút mỏi nhừ, các kẽ ngón chân sưng tấy lên, tóe máu…

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 8.

Để tạo điều kiện cho Tài viết chữ dễ hơn, nhà trường đã đóng riêng cho em một chiếc bàn đặc biệt

Lúc đầu là những con chữ xiêu vẹo, méo mó không ra hình ra dạng. Nhưng dần dần, các nét chữ cũng đã bắt đầu "nghe theo" điều khiển của cậu bé và trở nên tròn trịa, đều đặn hơn. Bây giờ, chữ của Tài cũng đẹp không thua kém gì các bạn trong lớp.

"Thấy cháu được cắp sách tới trường, tôi vui lắm. Mỗi lần nhìn cháu dùng chân để cố gắng viết từng nét chữ, mặt mũi nhăn nhó vì đau đớn, tôi lại thấy thương cháu lắm…", bà Bướm thở dài.

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 9.

Sau thời gian luyện tập, các nét chữ cũng đã bắt đầu "nghe theo" điều khiển của cậu bé và trở nên tròn trịa, đều đặn hơn

Năm nay, Tài đã là học sinh lớp 3, suốt những năm học vừa qua, em luôn đạt danh hiệu học sinh khá giỏi. Vì khuyết đôi tay nên Tài luôn nỗ lực luyện tập để đôi chân tật nguyền của mình càng ngày càng nhanh nhẹn và làm được nhiều việc hơn…

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 10.

Nhìn những nét chữ đều đặn của Tài không ai nghĩ nó lại được viết từ bàn chân nhỏ nhắn khiếm khuyết của em…

Cô Hoàng Thị Sành, giáo viên chủ nhiệm của Tài cho biết: "Tài là một trong những học trò đặc biệt nhất của tôi. Em rất chăm học, ngoan hiền và biết nghe lời. Hễ có cái gì chưa biết hay không hiểu là hỏi cho bằng được.

Mặc dù cơ thể bị khiếm khuyết nhưng suốt mấy năm liền ít khi nào Tài nghỉ học… Không chỉ học khá, viết chữ đẹp mà Tài còn vẽ cũng rất đẹp. Ở lớp, các bạn cũng rất thương và chưa bao giờ trêu chọc em cả…".

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Tài chia sẻ: "Con sẽ cố gắng học thật giỏi, luyện viết chữ thật đẹp để sau này trở thành giáo viên giống như thầy Nguyễn Ngọc Ký...".

Đôi chân kỳ diệu của cậu bé mồ côi không tay ở Quảng Trị - Ảnh 11.

"Tài thông minh, lanh lợi và ngoan hiền lắm. Em xứng đáng là tấm gương sáng để bạn bè học hỏi, noi theo", cô Hoàng Thị Sành chia sẻ.

Chia tay Tài ra về khi trời vừa chạng vạng tối, xe lăn bánh mà hình ảnh về cậu bé không tay, chạy cà nhắc đến lớp cứ đọng lại trong tâm trí tôi mãi. Có lẽ, bây giờ vẫn còn quá sớm để nói về tương lai của Tài, nhưng nhìn sự quyết tâm trong đôi mắt của em thì tôi tin rằng Tài sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Vì cuộc đời này luôn giành phần thưởng xứng đáng nhất cho những ai bền chí.

Có những lúc, đôi chân của Tài mỏi rã, đồ vật cứ thế rơi ra, không theo sự điều khiển của em, nhưng rồi nhờ sự động viên của bà, Tài lại kiên trì tập luyện tiếp…

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày