Tô bún của "mẹ" - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn

Toàn Nguyễn - Ảnh: Hoàng Việt, Theo Trí Thức Trẻ 00:03 11/10/2016

Anh Thanh và cô Tuyết chẳng phải là họ hàng ruột thịt gì với nhau, cũng chẳng phải hàng xóm láng giềng thân thiết. Thế nhưng đã hơn 1 năm nay, cứ khi nào đói lòng anh Thanh lại đến chỗ cô Tuyết để được cô đút cho từng miếng ăn. Và cũng không biết từ lúc nào anh đã quen gọi cô là mẹ.

Vài ngày trước trên mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cô chủ quán tận tình đút từng miếng bún cho anh chàng bán vé số bị cụt 2 tay ở Sài Gòn. Bức ảnh đầy cảm xúc nhanh chóng nhận được sự đồng cảm của cộng đồng mạng và sự quan tâm của xã hội.

Qua lời kể của nhiều người dân, chúng tôi biết được thông tin là hằng ngày anh bán vé số cụt tay thường đi bán tại các khu chợ ở Sài Gòn. Và thi thoảng lại ghé đến quán của cô Tuyết bún bò ở chợ Bàn Cờ (quận 3) để được cô chăm cho từng miếng ăn. 

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 1.

Bức ảnh cảm động nhận được nhiều sự chú ý trong thời gian qua trên mạng xã hội.

Tô bún của "mẹ"

Chúng tôi ghé chợ Bàn Cờ khi mọi người đã bắt đầu dọn dẹp cửa hàng để về nhà sau một ngày dài buôn bán. Qua hỏi thăm tôi tìm đến quán bún bò cô Tuyết. Đón chúng tôi là một người phụ nữ phúc hậu với mái tóc đã bạc đi nhiều và nụ cười thật niềm nở.

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 2.

Cô Tuyết là một trong hai nhân vật chính trong bức ảnh gây nhiều cảm xúc trên cộng đồng mạng vừa qua.

Cô Tuyết bún bò là cái tên thân thương mà người trong chợ Bàn Cờ vẫn thường gọi cô Lê Thị Cúc (60 tuổi, TP.HCM). Năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, cô Tuyết về khu vực Nhà Bè để làm giáo viên cho một trường tiểu học trên địa bàn. Một thời gian sau, vì nhiều lý do cô không làm nghề giáo nữa mà chuyển sang kinh doanh đồ ăn trong chợ Bàn Cờ. Thấm thoát thế mà cũng đã gần 20 năm kể từ ngày cô rời xa bục giảng.

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 3.

Cô bán bún bò ở chợ Bàn Cờ đã được 18 năm.

Khi được hỏi về anh bán vé số, cô Tuyết kể về anh một cách say sưa, cứ như đang nói về một điều gì đó rất đỗi thân thương. Anh bán vé số tên là Nguyễn Đức Thanh (SN 1986) quê ở Bình Định, cô Tuyết gặp anh lần đầu cách đây hơn 1 năm trước.

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 4.

Cô gặp anh Thanh lần đầu vào khoảng 1 năm trước.

"Lúc gặp Thanh cô thấy thương quá nên đến hỏi thăm. Rồi nó mới kể là bị tai nạn lao động nên mất đi hai cánh tay. Cô hỏi vậy rồi ăn uống làm sao? Thì em nó mới trả lời là nhờ mọi người đút, ai hiểu người ta thương thì đút, còn không thì chịu khó nhịn đói. Nên từ đó cô dặn Thanh nếu đói thì cứ đến hàng của cô" - cô Tuyết thật tình kể lại.

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 5.

Người ta luôn cảm nhận được sự chân tình và ấm áp khi trò chuyện với cô Tuyết.

Kể từ đó cứ mỗi khi ghé qua chợ Bàn Cờ để bán vé số thì anh Thanh lại đến quán bún bò của cô Tuyết để được cô đút cho ăn. Ban đầu anh Thanh trả tiền bún cô Tuyết không nhận, nhưng về sau sợ anh ngại không đến nữa, nên cô nhận của anh 1 tờ vé số để anh vui.

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 6.

Cô luôn tranh thủ thời gian rảnh sau khi bán hàng để đút cho anh Thanh ăn.

Cô Tuyết cười tươi tâm sự: "Cô thì không dám hỏi nhiều về hoàn cảnh của Thanh vì sợ nó buồn. Nhưng thằng nhỏ lại được cái là rất lạc quan. Đến chợ là hay ghẹo người này, ghẹo người kia cho họ cười. Cô thấy vậy cũng vui lây. Thế mà cũng hơn 1 năm rồi, giờ Thanh gọi cô là mẹ đó, thấy thương ghê không!".

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 7.

Cô Tuyết vui vì anh Thanh luôn biết cố gắng và lạc quan.

Thị thành và nỗi cô đơn của chàng vé số không tay

Chúng tôi đang trò chuyện với cô Tuyết một lát sau thì thấy anh Thanh ghé đến. Anh chàng hơi bỡ ngỡ nhưng lại nhanh chóng nở một nụ cười thật tươi chào mọi người. Kể về hoàn cảnh của mình, anh Thanh cho biết: "Cách đây 10 năm, lúc tôi còn làm thợ hồ ở Bình Định, trong một lần kéo những thanh sắt lên tầng cao thì bị chạm mạch điện dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Sau khi được mọi người đưa vào bệnh viện Quy Nhơn thì bác sĩ cho biết không thể giữ lại hai cánh tay..."

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 8.

Anh Thanh mất hai cánh tay trong một tai nạn lao động từ 10 năm trước.

Thời điểm đó anh Thanh dường như rơi vào tuyệt vọng, thế mà người con gái anh yêu từ thời thanh mai trúc mã cũng rời xa anh vì không muốn phải chịu khổ. Anh cười nhẹ: "Thật ra anh chưa bao giờ oán trách cô ấy. Bởi vì nếu ở bên anh thì cô ấy sẽ không có tương lai".

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 9.

Mất đi hai cánh tay, anh Thanh cảm giác như mình đã mất đi tất cả, cũng nhiều lần anh muốn tìm đến cái chết nhưng gia đình luôn ở bên động viên giúp anh bình tĩnh hơn. Sau một thời gian nằm ở nhà không làm được gì ra tiền, anh Thanh cảm nhận rằng mình đang trở thành gánh nặng cho cha mẹ. "Đàn ông con trai mà không tự nuôi sống được mình, lớn rồi mà còn làm khổ cha mẹ thì còn ra gì nữa. Anh cảm thấy rất khó chịu nên quyết định lên Sài Gòn tìm kế mưu sinh".

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 10.

Anh đã từng rơi vào tuyệt vọng và muốn tìm đến cái chết để thanh thản.

Hai năm trước anh Thanh rời quê nhà lên Sài Gòn bán vé số. Anh mướn một căn nhà trọ ở quận Bình Thạnh, rồi mỗi ngày bắt xe bus đi bán ở những khu chợ trong thành phố. Bất cứ nơi đâu, xa hay gần anh cũng đều cố gắng bởi hơn ai hết anh biết rằng nếu mình không nỗ lực thì sẽ lại làm khổ gia đình.

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 11.

Và rồi anh Thanh nhận ra rằng dù gặp phải bất cứ chuyện gì cũng phải cố gắng để không phụ lòng cha mẹ.

Sống một mình giữa đất thành thị, lại không có đôi bàn tay, làm việc gì cũng khó. Thế nhưng anh Thanh may mắn gặp được nhiều người tốt sẵn sàng giúp đỡ anh trong một số sinh hoạt hằng ngày. Nói về cô Tuyết, anh trìu mến nói: "Không biết từ khi nào anh luôn xem cô như là mẹ của mình. Có thể là vì có rất nhiều người đối tốt với anh nhưng cô là người tận tâm nhất. Cũng có thể là vì sống xa mẹ lâu nên anh luôn muốn được gọi cô là mẹ để vơi đi nỗi nhớ".

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 12.

Giữa Sài Gòn đông đúc, chúng ta vẫn tin rằng luôn tồn tại tình yêu thương giữa con người với con người.

"Cũng nhiều lúc cô đơn, buồn tủi muốn trở về quê, nhưng nghĩ lại nếu trở về lại làm gánh nặng cho cha mẹ, thế nên anh vẫn phải cố gắng từng ngày ở nơi đây" - giọng anh Thanh buồn hẳn.

Tô bún của mẹ - Câu chuyện về bà giáo về hưu và anh bán vé số không tay ở Sài Gòn - Ảnh 13.

Tương lai phía trước là vô định, đi được đến đâu thì cố gắng đến đó. Ở ngoài kia, Sài Gòn xô bồ và bon chen lắm! Thôi thì khi nào chùn gối mỏi chân thì anh cứ quay về đây, vì nơi này luôn có "mẹ".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày