Cuối cùng khoa học cũng đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh “giờ cao su” mãn tính

Thiên Dung, Theo Trí Thức Trẻ 17:03 04/06/2017

Những thành phần hay "giờ cao su" không những gây ức chế cho người xung quanh mà còn làm chậm tiến độ công việc nữa! Và hóa ra có nguyên nhân đứng đằng sau chuyện này.

Con người ai mà không có một lần đi trễ? Thế nhưng trên đời này có tồn tại một loại người luôn luôn đi muộn ít nhất 5 phút! Tin tôi đi, đó là cả một nghệ thuật đấy, một nghệ thuật về tính cách của con người mà không phải ai cũng có.

Cuối cùng khoa học cũng đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh “giờ cao su” mãn tính - Ảnh 1.

Đừng để em quỳ lạy anh, đừng đi muộn nữa...

Các nhà khoa học đã phải trăn trở suốt hàng thập kỉ để tìm ra đâu là lý do khiến một số người cứ phải hộc hơi chạy đến lớp mỗi ngày, cho lũ bạn chờ dài cổ và không bao giờ đến công ty trước sếp. 

Gần đây, với bài báo của Sumathi Reddy trên tờ The Wall Street Journal, cô đã cho chúng ta thấy được phần nào những nguyên nhân khoa học cho "vấn nạn" này.

Lý do có thể khiến bạn phải tự nhìn lại bản thân

"Có nhiều biện pháp trừng phạt dành cho những kẻ đi muộn, và điều nghịch lý ở đây là họ vẫn cứ muộn dù những thứ hình phạt đó có tồn tại." – theo lời của Justin Kruger, một nhà tâm lý học xã hội tại ĐH Kinh doanh New York.

Một trong những lý do rõ ràng và phổ biến nhất về việc vì sao người ta đi trễ thường xuyên chính là họ không đánh giá được thời gian mà nhiệm vụ sẽ diễn ra, hay nói nôm na là thất bại trong việc lên kế hoạch. Nghiên cứu đã cho thấy rằng trung bình con người "đánh giá thấp" thời gian hoàn thành một công việc tới 40%.

Cuối cùng khoa học cũng đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh “giờ cao su” mãn tính - Ảnh 2.

Có một kiểu người chỉ xuất hiện khi người ta chuẩn bị ra về

Một đặc điểm khác, đó chính là sự "đa nhiệm", nghĩa là những người thích làm nhiều công việc cùng một lúc. 

Trong một nghiên cứu năm 2003 được tiến hành bởi Jeff Conte từ ĐH Bang San Diego (Mỹ), ông đã khám phá ra rằng tại 181 ga tàu điện ở thành phố New York, những người thích ôm đồm nhiều việc lại là những người đi trễ thường xuyên nhất. 

Chính sự ôm đồm công việc khiến cho con người khó có thể nhận thức đa chiều, hiểu đơn giản là không ý thức được mình đang làm gì.

Cuối cùng khoa học cũng đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh “giờ cao su” mãn tính - Ảnh 3.

Ôm cho lắm việc rồi chẳng việc gì ra hồn

Vào năm 2001, Conte cũng đã phát hiện ra rằng có một nhóm nhân cách đặc trưng cho việc đi trễ. Anh chia mọi người thành loại A và loại B. Đối với những người loại A, một phút theo nhận thức của họ chỉ dài 58 giây thôi, trong khi đối với loại B, một phút của họ dài tận 77 giây (và có thể tăng theo thời gian). Đó là lý do mà người B luôn luôn trễ giờ.

Phải làm sao để tình trạng này bớt "kinh dị" đây?

Việc đi trễ đã và đang khiến cho nước Mỹ tiêu tốn khoảng 90 tỉ USD mỗi năm! Đương nhiên, việc hiểu ra câu chuyện chưa đủ để làm giảm nhẹ vấn đề, nhưng các nhà khoa học đang quyết tâm lập ra các kế hoạch "mưa dầm thấm lâu" để cải thiện sự đúng giờ của con người.

Đối với những người thường đánh giá thấp thời gian hoàn thành công việc, họ nên chia nhỏ chúng ra thành những bước cực kì cụ thể. Việc đó giúp họ ước lượng được chính xác thời gian cần làm. 

Cuối cùng khoa học cũng đã tìm ra nguyên nhân của căn bệnh “giờ cao su” mãn tính - Ảnh 4.

Lên kế hoạch cụ thể và rõ ràng bạn nhé

Và cuối cùng, không ai có thể thay đổi bản tính con người, nhưng có một lời nhắc thân thiện dành cho những cá nhân bị bệnh "giờ cao su" mãn tính: bạn cần phải nhận thức được rằng mình không thể phân thân ở 2 nơi cùng một lúc được. Do vậy, bớt ôm đồm và đi đúng giờ vào.

Nguồn: Science Alert, The Wall Street Journal, Business Insider