Hà Nội có nhiều ngõ nhỏ, nhỏ đến nỗi chỉ vừa một người đi lọt. Vừa đi vừa luồn lách, vừa lom khom, trông khổ sở, nhưng lại là chuyện thường ngày của người dân ở phố cổ. Thậm chí, những lối đi sâu hun hút, chật chội và thiếu sáng còn trở thành nét thu hút riêng biệt và độc đáo đối với khách du lịch.
Là phố mà không phải phố, là ngõ cũng chẳng phải ngõ, chính xác là những góc đường "nhìn mặt đặt tên". "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội", bởi thế từ xưa dù chật, dù bẩn người ta vẫn thích sống ở trong những con ngõ nhỏ như vậy. Bất kỳ "hàng" nào trong số 36 phố phường của Hà Nội cũng tồn tại ngõ nhỏ. Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Nón, Ngõ Gạch, Hàng Điếu... Đặc biệt, Hàng Buồm chỉ dài 300m, nhưng từng con ngõ sâu, chật hẹp cứ xuất hiện xen kẽ, cứ một nhà mặt tiền lớn lại tới một con ngõ. Chiều ngang đoạn hẹp nhất gần 49 cm, rộng nhất hơn 60 cm, nơi thấp nhất 1,68 m.
Con ngõ nhỏ sâu hun hút trên phố Hàng Đường lọt thỏm giữa 2 cửa hàng lớn.
Hộp điện, đường ống nước,... dấu hiệu của sự sống đằng sau những con ngõ nhỏ.
Có nhiều con ngõ hẹp chỉ khoảng 49 cm, rộng nhất hơn 60 cm, chỉ vừa một người đi lọt.
Đèn điện được bật sáng trong ngõ, kể ngày hay đêm.
Người Hà Nội kể, những con ngõ nhỏ đã hình thành từ hàng chục, hàng trăm năm nay. Họ sống quen với cảnh nhiều hộ gia đình cùng dùng chung không gian khoảng 10 mét vuông để nấu nướng. Cuối ngõ, có chút ánh sáng của dãy đèn điện. Ở đây, dù là ngày hay đêm, đèn vẫn cứ bật đều để dẫn đường chỉ lối. Từng cánh cửa nhà san sát nhau, ít ai ngờ trong những con ngõ tưởng chừng không thể đi, lại có những người chấp nhận sống chung với bóng tối.
Từng mớ dây điện chồng chéo, hộp điện mắc nối từ ngoài lề đường,... tất cả là dấu hiệu của sự sống bên trong từng lối đi. Nếu người này ra, người kia phải luồn lách, cúi khom người may ra mới vừa cả 2. Có những con ngõ dường như chỉ được dùng riêng cho người "bản địa". Bất cứ ai bước vào nếu không được sự cho phép của gia chủ, sẽ "được" hỏi thăm tận tình, với chất giọng khá thô và có chút tức giận.
Bên trong ngõ không chỉ nhà dân, thậm chí là cửa hàng, quán ăn. Một nét đặc trưng chắc chỉ Hà Nội mới có.
Người Hà Nội tận dụng những con ngõ nhỏ để kinh doanh, buôn bán.
Lối đi chỉ vừa vặn cho một người. Nếu có "đụng" phải nhau, họ phải luồn lách, khom người.
"Hà Nội không vội được đâu" - câu ví von này đúng chuẩn cho những ai bước vào những con ngõ như thế này. Đôi khi để "giao thông" được suôn sẻ, người này phải nhường người kia.
Nhìn bề ngoài, ngõ siêu nhỏ, tù túng, nhưng đi sâu bên trong lại là một "hệ thống" các ngôi nhà nằm chen chúc nhau hoặc... một cửa hàng, một quán ăn. Ngõ hẹp tới mức, nếu không chú ý kỹ, người đi đường lầm tưởng đó là chỉ là khoảng ranh giới giữa 2 căn nhà. Họ không thể biết rằng, đằng sau đó là cả khu dân cư ngày đêm oằn mình sinh sống.
Ngõ nhỏ Hà Nội là vậy, có chật hẹp, tối tăm nhưng mang đậm những nét đặc trưng mà chỉ riêng Hà thành mới thể hiện một cách sâu sắc. Những con ngõ lưu giữ, tồn tại nhịp sống văn hóa của người dân, mà có lẽ chẳng thể nào thay đổi, phá bỏ và chìm vào quên lãng.
Có ai đó từng ví von, mỗi con ngõ nhỏ ở Hà Nội cũng như một thế giới, ở đó có đầy đủ các hoạt động, các mối quan hệ diễn ra. Những con ngõ "khổ hạnh", nhưng đặc trưng, mang cái chất riêng của đất Kinh Kỳ.
"Nơi tôi sinh Hà Nội.
Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy.
Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó.
Đêm lặng nghe trong gió
Tiếng sông Hồng thở than".
(Hà Nội và tôi - Lê Vinh)
Ở Hàng Buồm, ngõ nhỏ xen kẽ nhau, tồn tại dày đặc dọc con phố chỉ dài 300m.
Hệ thống hộp điện của các hộ gia đình trong ngõ.
Có những con ngõ dường như chỉ được dùng riêng cho người "bản địa".
Ánh sáng ngoài đường phố dường như ngăn cách 2 thế giới với nhau. Mặt phố hào nhoáng bao nhiêu, bên trong chật hẹp, tù túng bấy nhiêu.
Hệ thống dây điện chằng chịt.