Cơ hội nào cho loài người nếu toàn bộ núi lửa trên Trái đất bùng nổ?

J, Theo Trí Thức Trẻ 16:52 16/06/2016

Và câu trả lời là chỉ có một: thảm hoạ.

Xét từ thuở khai thiên lập địa, Trái đất đã từng trải qua hàng triệu vụ phun trào núi lửa. Nhưng nếu chỉ tính từ 10.000 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 1.500 ngọn núi đang hoạt động, trong đó có những ngọn núi mang trong mình một nguồn năng lượng khổng lồ.

Nhưng vấn đề là chúng không nổ cùng một lúc. Vậy câu hỏi đặt ra là, nếu 1.500 ngọn núi cùng hoạt động một lúc, chuyện gì sẽ xảy ra?

Cơ hội nào cho loài người nếu toàn bộ núi lửa trên Trái đất bùng nổ? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Matthew Watson - chuyên gia núi lửa thuộc ĐH Bristol (Anh) đã thực hiện một nghiên cứu để giải quyết vấn đề này. Và câu trả lời là chỉ có một: thảm hoạ.

Thảm họa cho những khu vực lân cận

Những người sống tại khu vực núi lửa sẽ bị ảnh hưởng trước tiên, nhưng không chỉ bởi dòng dung nham nóng ngàn độ, mà còn vì tro bụi núi lửa.

Cơ hội nào cho loài người nếu toàn bộ núi lửa trên Trái đất bùng nổ? - Ảnh 2.

Nguồn dung nham nóng cả ngàn độ

Núi lửa phun trào, một khối tro bụi khổng lồ với nhiệt độ cực cao, lên tới 1.000 độ C. Khối tro này có thể di chuyển với vận tốc lên tới trên 700km/h, nên chuyện chạy thoát khỏi chúng là không thể.

Cơ hội nào cho loài người nếu toàn bộ núi lửa trên Trái đất bùng nổ? - Ảnh 3.

Chính vì thế, thiệt hại về người phải nói là khủng khiếp. Ước tính, xung quanh ngọn núi lửa Vesuvius nổi tiếng của Ý có khoảng 3 triệu người sinh sống. Còn tại quần đảo Java (Indonesia), con số này lên tới 130 triệu người.

Nhưng đó mới chỉ là chương khởi đầu của một câu chuyện dài...

Khối tro bụi khổng lồ có thể di chuyển tới cả ngàn cây số. Và vấn đề ở chỗ, tro bụi núi lửa không giống tro bụi khi chúng ta hoá vàng, mà bao gồm cả vụn thuỷ tinh, đất, đá. 

Những thành phần này nếu xuất hiện trong không khí sẽ đe doạ nghiêm trọng đến an toàn hàng không, vì động cơ máy bay có thể hỏng bất kỳ lúc nào.

Cơ hội nào cho loài người nếu toàn bộ núi lửa trên Trái đất bùng nổ? - Ảnh 4.

Hàng nghìn chuyến bay sẽ phải ngưng hoạt động, gây thiệt hại hàng tỉ USD cho nền kinh tế. Khối tro bụi này cũng rất nặng. Dù không cùng lúc rơi xuống, nhưng lượng tro tích tụ cũng đủ để đánh sập cả một toà nhà.

Hít thở lúc này cũng là một hành động liều lĩnh, khi mang lại nguy cơ viêm phổi, khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức, gây kiệt sức và thậm chí là tử vong.

Cơ hội nào cho loài người nếu toàn bộ núi lửa trên Trái đất bùng nổ? - Ảnh 5.

Hình ảnh tro bụi núi lửa bao kín cả một thị trấn

Không chỉ vậy, toàn bộ hệ thống liên lạc cũng sẽ ngưng hoạt động. Tức là không điện thoại, không Internet, không gì cả. Thảm hoạ là đây chứ đâu!

Biến đổi khí hậu kéo dài

Chúng ta thường cho rằng núi lửa thì phải nóng. Điều này là đúng, có điều lượng tro bụi và khí gas chúng thải ra lại hạ thấp nhiệt độ trên phạm vi toàn cầu.

Tiến sĩ Watson cho biết: "Sulphur dioxide do núi lửa thải ra sẽ chuyển thành các phân tử nhỏ hơn, có thể phản xạ lại một phần ánh Mặt trời. Nó sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu giảm xuống, thậm chí giống như kỷ băng hà".

Cơ hội nào cho loài người nếu toàn bộ núi lửa trên Trái đất bùng nổ? - Ảnh 6.

Tuy nhiên trong dài hạn, chúng ta lại thấy nhiệt độ tăng lên rất nhiều. Sau hàng trăm năm, lượng khí CO2 từ núi lửa sẽ "nung" Trái đất, khiến nhiệt độ tăng lên tối thiểu là 2 độ C so với hiện nay.

Những sự việc tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ. Năm 1815, núi Tambora tại Indonesia phát nổ, khiến nhiệt độ toàn cầu giảm xuống, huỷ hoại rất nhiều cây lương thực trong thời điểm đó.

Nếu một ngọn núi có thể tạo ra hiệu ứng như vậy, thử tưởng tượng xem nếu 1.500 ngọn núi cùng hoạt động, hậu quả sẽ như thế nào.

Cơ hội nào cho loài người?

Thật không may là dù chuẩn bị kỹ thế nào, cơ hội sống sót của con người là... hên xui. Nếu đen mà ở gần khu vực núi lửa phun trào, chẳng có thứ gì cứu được bạn. Thứ duy nhất có thể cứu loài người là chế tạo những con tàu khổng lồ và phi thẳng ra khơi.

Những con tàu phải được trang bị đầy đủ thực phẩm, nước uống, thuốc men, và quan trọng nhất là... không được ở gần bất kỳ dãy núi lửa nào.

Cơ hội nào cho loài người nếu toàn bộ núi lửa trên Trái đất bùng nổ? - Ảnh 7.

Tuy nhiên, sự thực là những con tàu này chỉ là nơi trú ẩn trong ngắn hạn. Loài người sẽ phải cập bến để bổ sung thực phẩm, nước uống. Và vấn đề nằm ở chỗ thực phẩm lúc này sẽ cực kỳ thiếu hụt, do tro bụi núi lửa đã huỷ diệt tất cả.

Ngoài ra, tro bụi đã che lại ánh nắng, khiến cơ thể chúng ta khó lòng hấp thụ vitamin D từ Mặt trời, tăng nguy cơ bị loãng xương. 

Chưa kể, ánh nắng không xuất hiện sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sản sinh serotonin - hormone vui vẻ của con người. Kết quả là cuộc sống của chúng ta luôn chìm trong căng thẳng và lo lắng.

Thậm chí tiến sĩ Watson còn cho rằng về mặt lý thuyết, nếu tất cả núi lửa trên Trái đất cùng nổ, có thể nói sự sống trên Trái đất đã đi vào hồi kết.

Tuy vậy cũng không phải lo lắng quá, vì cơ hội để toàn bộ núi lửa cùng nổ một lúc là... dưới 1%.

Nguồn: Daily Mail