Chuyện thật như đùa: Cảnh sát Phần Lan phá án nhờ vào sự giúp đỡ của con muỗi!

Đức Khương, Theo Đời sống và Pháp luật 16:34 04/03/2024

Một kẻ tình nghi trộm xe đã bị bắt - nhờ mẫu DNA lấy từ máu tìm thấy trong cơ thể một con muỗi.

Trong thế giới thám tử, các công cụ thường gợi lên hình ảnh nghề nghiệp chính là kính lúp, bàn chải lấy dấu vân tay và đèn xanh nhấp nháy. Nhưng đôi khi, những chi tiết khó ngờ nhất lại xuất hiện dưới hình thức bất ngờ nhất. Đây là câu chuyện về việc một con muỗi nhỏ được chứng minh là chìa khóa để giải quyết một vụ trộm ô tô ở Phần Lan, để lại dấu ấn đáng chú ý trong biên niên sử của khoa học pháp y.

Hãy hình dung thế này: một buổi sáng trong lành ở Phần Lan năm 2008. Các sĩ quan cảnh sát ở Seinaejoki đang kiểm tra một chiếc xe bị đánh cắp mới được thu hồi, vẻ thất vọng hằn rõ trên khuôn mặt họ. Những manh mối thông thường – dấu vân tay, nhân chứng, bằng chứng ngoại phạm – đều không mang lại kết quả nào để tìm ra hung thủ trộm xe. Ngay khi họ sắp kết thúc một ngày làm việc trong vô vọng, thanh tra Sakari Palomaeki bỗng nhiên bật cười khúc khích. Hóa ra, anh phát hiện có một con muỗi nhỏ đã chết trên ghế bọc của ô tô, gần như không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Palomaeki sau đó kể lại trong một cuộc phỏng vấn rằng con muỗi trông khá "đầy đặn", và điều này khiến họ băn khoăn. Nếu muỗi đã cắn thủ phạm thì sao? Và điều gì sẽ xảy ra nếu nhờ sự kỳ diệu của khoa học hiện đại, lượng máu mà con muỗi mang theo có thể nắm giữ chìa khóa để xác định kẻ trộm?

Chuyện thật như đùa: Cảnh sát Phần Lan phá án nhờ vào sự giúp đỡ của con muỗi! - Ảnh 1.

Với một tia hy vọng, cảnh sát đã gửi con muỗi đến Cục Điều tra Quốc gia ở Helsinki. Ở đó, dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhà khoa học pháp y, máu từ bụng con muỗi đã được phân tích DNA nghiêm ngặt. Vài ngày sau, kết quả đã được trả về, và điều đó đã khiến mọi người không nói nên lời. Hồ sơ DNA khớp với một nghi phạm đã có trong cơ sở dữ liệu của cảnh sát về các tội danh khác.

"Việc sử dụng muỗi trong điều tra là một điều không hề phổ biến. Trong quá trình huấn luyện, chúng tôi không được dạy rằng phải để mắt đến những con muỗi tại hiện trường vụ án", Palomaeki chia sẻ.

Anh nói thêm: "Không dễ để tìm thấy một con muỗi nhỏ trong ô tô, điều này chỉ cho thấy quá trình điều tra hiện trường vụ án kỹ lưỡng đến mức nào".

Nghi phạm phủ nhận việc trộm xe và khẳng định anh ta chỉ đi nhờ xe với một người đàn ông. Tuy nhiên, với những bằng chứng mới tìm thấy này, cảnh sát đã bắt giữ được nghi phạm. Nhiều năm sau, vẫn chưa rõ liệu người đó cuối cùng có bị kết án hay không.

Chuyện thật như đùa: Cảnh sát Phần Lan phá án nhờ vào sự giúp đỡ của con muỗi! - Ảnh 2.

Một nghiên cứu cho thấy có thể tách được ADN của người trong máu muỗi. Một con muỗi có thể hút máu trong phạm vi 106m từ 1 địa điểm và chỉ có thể bay xa 170m. Điều này có nghĩa những con muỗi trong một phạm vi nhất định của hiện trường vụ án có thể cung cấp bằng chứng để xác định thủ phạm.Trên thực tế, việc phá án nhờ vào những con muỗi cũng xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới.

Năm 2022 cảnh sát thành phố Phúc Châu, Trung Quốc, đã tìm ra thủ phạm trong một vụ trộm nhờ dấu vết ADN từ máu được để lại bởi 2 con muỗi đã chết. Vụ cướp xảy ra vào ngày 11/6 khi tên cướp đột nhập vào một căn nhà lúc 13h và lấy đi nhiều đồ đạc có giá trị. Tuy nhiên, tên trộm đã nấu mỳ trứng để ăn và ngủ qua đêm tại hiện trường, dẫn đến việc bị muỗi hút máu. Sau khi thu thập mẫu máu và phân tích ADN, kết quả trùng lặp với ADN mẫu của một người mang họ Chai, người sau đó đã bị bắt vào ngày 30/6 và thừa nhận chính mình là tội phạm.

Các nhà khoa học pháp y, những người có thể kiểm tra máu người từ dạ dày muỗi và đối chiếu DNA để xác định ai bị cắn. Kỹ thuật này có thể giúp cảnh sát tìm ra ai có mặt tại hiện trường vụ án và trong tương lai, có thể cung cấp bằng chứng có thể được sử dụng để kết án kẻ phạm tội. Nhưng vẫn còn câu hỏi về việc muỗi mất bao lâu để tiêu hóa máu người và mất bao lâu để DNA không thể nhận dạng được. Nhóm nghiên cứu của Đại học Nagoya cho thấy máu người chiết xuất từ muỗi vẫn có thể phân tích DNA (trong vòng hai ngày sau khi nó hút máu).

Tác giả của nghiên cứu Yuuji Hiroshige giải thích: "Chúng tôi đã yêu cầu một số tình nguyện viên để muỗi đốt họ". "Sau khi cho muỗi tiêu hóa máu trong một khoảng thời gian nhất định, chúng tôi đã trích xuất DNA của con người và sử dụng kỹ thuật PCR để khuếch đại mẫu nhằm định lượng và xác định kiểu gen".

Phản ứng chuỗi polymerase, hay PCR, là một công cụ tiêu chuẩn trong pháp y để khuếch đại một lượng nhỏ DNA. Một đoạn DNA có thể được nhân lên hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lần. Sau đó, nhóm nghiên cứu có thể sử dụng các mẫu được khuếch đại để tìm hiểu xem lượng DNA còn lại sau khi muỗi ăn và nó thuộc về ai.

Bằng cách kiểm tra DNA trong máu được tiêu hóa bởi hai loài muỗi khác nhau trong một khoảng thời gian sau khi cho ăn, nhóm nghiên cứu có thể truy tìm mẫu máu của từng tình nguyện viên, thậm chí sau hai ngày tiêu hóa ở muỗi. Và sau khoảng ba ngày muỗi có thể tiêu hóa hoàn toàn máu và lúc này chúng ta không thể xác nhận được DNA.

Nguồn: Earthlymission; Phys