Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ

Nano Kwon, Theo Trí Thức Trẻ 18:18 04/11/2019

Trong cuộc sống, có những khó khăn bất ngờ ập đến, từ chuyện gia đình, công việc đến các mối quan hệ đôi lúc nó không được như ý nguyện của chúng ta. Thế nhưng đừng vội ngưng hy vọng về một điều gì đó tốt đẹp hơn từ những bài học nhỏ bé trong cuộc sống, bởi tất cả rồi sẽ có cách giải quyết.

Dạo gần đây tôi có tâm sự với mẹ về chuyện mình đang ôm đồm quá nhiều việc, bao gồm cả việc học hành, đi làm và những vấn đề khác trong cuộc sống. Tôi không biết phải bỏ việc gì đi, bởi việc gì cũng đang làm rồi, mà nó đều cho tôi học được cái gì đó. Tôi không muốn bỏ việc gì cả, nhưng lại thấy mình cũng không đủ sức.

Mẹ tôi nghe xong thì nói tôi hay đi chợ mua một túi sỏi. Về nhà chia túi sỏi ấy ra thành những viên to và bé sau đó đánh số lại. Những viên to nhất tượng trưng cho những công việc quan trọng nhất mà tôi cần phải ưu tiên. Ở trường hợp của tôi thì là việc học. Sau đó những viên to vừa thì tượng trưng cho việc đi làm kiếm tiền, đó là việc cần ưu tiên thứ hai vì trong trường hợp phải tự kiếm sống thì chuyện kiếm tiền vẫn rất quan trọng. Tiếp theo là những viên sỏi bé sẽ tượng trưng cho những lúc tôi gặp bạn bè, đi ăn uống chơi bời.

Sau đó tôi cần kiếm một chiếc lọ. Chiếc lọ này sẽ tượng trưng cho khả năng, bản lĩnh và thời gian của tôi. Tôi hãy tìm cách xếp các viên sỏi kia vào trong lọ sao cho vừa vặn. Những viên sỏi ở trong lọ sẽ tượng trưng cho những việc tôi có thể làm. Những viên sỏi để lại bên ngoài chính là những gì tôi không sẽ làm được thì tôi cần gạt bỏ nó đi.

Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ - Ảnh 1.

Tôi nghe câu chuyện này xong thấy rất quen, liền lên mạng tìm lại. Hóa ra đó là câu chuyện về những viên sỏi và kỹ năng quản lý công việc. Một giáo sư đã mang tới lớp học một chiếc bình thật lớn, rồi lần lượt cho những viên sỏi to, sỏi nhỏ vào. Những tưởng cái bình đã đầy, vị này tiếp tục lấy đá dăm để xen vào những khe hở. Sau đó ông lôi ra một túi cát đổ vào. Sinh viên nghĩ rằng bình này đã rất đầy, nhưng ông lại tiếp tục mang ra một vại nước và đổ vào bình trước ánh mắt trầm trồ của tất cả mọi người. Cuối cùng ông lấy thêm một vài chai bia đổ nốt vào, và chiếc bình lúc này mới thật sự được làm đầy.

Sau khi xong xuôi, vị giáo sư hỏi mọi người ý nghĩa của ví dụ này. Có người trả lời là nếu biết cách sắp xếp thời gian, chúng ta luôn luôn có thể làm thêm một vài công việc nữa. Vị giáo sư lắc đầu và nói: Ví dụ này có nghĩa là nếu chúng ta không đặt những viên đá to vào trước thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể cho nó vào sau được.

Bài học rút ra là chúng ta cần phải biết ưu tiên những công việc quan trọng, chiếm nhiều thời gian và công sức lên đầu. Sau đó còn thời gian thì mới làm tới những việc nhỏ hơn. Nếu ngay từ đầu đã bắt đầu làm những chuyện chi li hoặc thực hiện những việc linh tinh thì hiệu quả công việc lúc nào cũng kém hơn. Cuộc sống thật ra không giống những bài thi chúng ta hay làm câu dễ trước câu khó sau. Mà ngược lại, đối với mọi công việc, bạn sẽ đạt được thành quả tốt nhất nếu biết ưu tiên làm những việc quan trọng. Chúng ta thường thiếu thời gian giải quyết công việc, nguồn lực luôn bị ách tắc. Người thông minh biết rằng: không thể giải quyết hết tất cả mọi việc thì chỉ còn cách giải quyết việc quan trọng trước.

Nghe mẹ tôi nói xong, tôi không đi tìm mua sỏi vì thật ra đó không phải việc quan trọng. Thay vào đó tôi có ghi lại những việc cần ưu tiên và cố gắng sắp xếp sao cho thật khôn ngoan và hợp lý. Tôi nhận ra, mẹ tôi kể câu chuyện đó cũng không phải ý bảo tôi đi mua lọ sỏi về đâu. Mẹ kể câu chuyện đó là để dạy tôi về cách sắp xếp thời gian, ưu tiên công việc. Mẹ không mấy khi bảo tôi phải làm gì cụ thể mà hay kể ra những bài học để dẫn dắt tôi tự giải quyết vấn đề của mình. Tôi cảm thấy đây là một cách giáo dục con rất lành mạnh và hiệu quả.

Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ - Ảnh 2.

Mẹ hay kể ra những bài học để dẫn dắt tôi tự giải quyết vấn đề của mình

Thời nào cũng vậy, nhiều cha mẹ luôn luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái mà không hiểu được rằng, những gì mình cho là đúng, là tốt chưa chắc đã áp dụng được với con cái. Dạy con ăn thì cần phải chỉ cho nó cách cầm thìa, không thể giữ tay cho nó mãi được. Nếu con phân vân giữa những lựa chọn, hay bối rối trước những con đường thì cha mẹ hãy ngồi xuống, phân tích giúp con cái để chúng biết chọn đường nào mà đi. Chứ nếu họ thấy con phân vân lại vội vàng chỉ ngay cho con lối đi, thì sẽ gây cho con cái một căn bệnh lười suy nghĩ, thụ động hơn trong cuộc sống. Đồng thời cũng làm chúng cảm thấy áp lực bởi chúng biết đây vốn dĩ không phải lựa chọn của mình.

Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ - Ảnh 3.

Sau đây là những thứ cha mẹ có thể làm để giúp con cái tự giải quyết vấn đề của mình:

1. Vạch ra những giới hạn rõ ràng và kiên trì với những giới hạn đó

Trước khi tìm được cách giải quyết hợp lý cho một vấn đề, các con cần phải hiểu có những việc không được phép làm rồi mới có thể đánh giá, nhận định tình hình để đưa ra được những giải pháp phù hợp.

2. Giúp con cái hiểu được cảm xúc của chính mình

Khi giận dữ hay chán nản thì rất khó để có thể suy nghĩ mạch lạc. Bằng cách dạy con hiểu và kiểm soát được cảm xúc của chính mình, chúng có thể học được cách phân biệt giữa cảm xúc và vấn đề thực sự để tìm được giải pháp khách quan nhất.

Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ - Ảnh 4.

Giúp con hiểu được cảm xúc của chính mình

3. Đặt những câu hỏi đáng suy ngẫm

Thỉnh thoảng bạn nên đặt ra cho con những câu hỏi sẽ kích thích suy nghĩ và trí tò mò của con, khiến con phải tự nghĩ, tự khám phá để tìm ra được gốc rễ của vấn đề.

4. Hướng dẫn con xẻ nhỏ vấn đề ra để giải quyết

Giống như việc bẻ một bó đũa thì rất khó, nhưng rút từng cái riêng lẻ ra thì rất dễ dàng. Việc gì cũng vậy, nếu biết xẻ nhỏ ra để phân tích thì việc giải quyết vấn đề cũng sẽ không còn nhiều khó khăn.

5. Trấn an con rằng bạn tin con sẽ làm được

Các con sẽ luôn có phản ứng tìm đến bố mẹ khi có vấn đề xảy ra. Nếu bạn biết con có khả năng tự giải quyết (và chúng thậm chí còn chưa kịp thử!) thì hãy thể hiện rằng bạn có niềm tin mãnh liệt vào việc con sẽ tìm ra được giải pháp hợp lý cho chuyện đó.

Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ - Ảnh 5.

Trấn an con rằng bạn tin con sẽ làm được

6. Đừng vội giải quyết hộ con những chuyện nhỏ nhặt

Nhất là từ khi con còn nhỏ. Không nên chỉ cho chúng cách làm vội. Để học được kỹ năng giải quyết vấn đề, trẻ nhỏ cần học được cách kiên trì và tư duy logic. Điều này sẽ không xảy ra nếu bố mẹ chúng luôn làm mọi thứ cho chúng.

7. Khuyến khích suy nghĩ sáng tạo

Giải pháp đến từ những ý tưởng. Để sản xuất ra ý tưởng, trẻ nhỏ cần học cách suy nghĩ sáng tạo. Cha mẹ nên khuyến khích con suy nghĩ sáng tạo thông qua những hoạt động thường nhật hay nhiều hình thức khác nhau như động viên con viết chuyện cười, vẽ vời, xây lâu đài cát trên biển, làm đồ chơi từ vật liệu tái chế,... hay nói với con về chuyện "nếu…thì…" hoặc vừa làm vừa giải thích cho con tại sao cha mẹ lại giải quyết một vấn đề này bằng cách này cách kia.

8. Tạo cơ hội để con được khám phá và trải nghiệm môi trường bên ngoài

Trẻ nhỏ cần có không gian để thỏa sức tò mò và để tiếp xúc với những thứ sẽ khiến chúng tự hiểu phần nào về chuyện nguyên nhân và hậu quả. 10 lần nghe không bằng 1 lần trải nghiệm. Những bài học trẻ tự nhận được sẽ ở lại trong tâm trí chúng lâu hơn là những bài học cha mẹ cố công dạy bảo.

Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ - Ảnh 6.

Tạo cơ hội để con được khám phá và trải nghiệm môi trường bên ngoài

9. Cho phép con cái mắc sai lầm

Khi con đang làm một việc gì đó mà cha mẹ nhìn là đã biết chúng sẽ thất bại, nếu cha mẹ can thiệp vào lúc này và sửa chữa lỗi sai đó ngay lập tức thì đứa trẻ có thể không học được cái gì là sai. Thế nên cha mẹ hãy cứ để con thất bại, sau đó chúng sẽ có cơ hội để sửa chữa vấn đề và từ những lần sau tự rút ra bài học cho mình để không phạm phải lỗi sai đó nữa.

10. Dạy con về sự đồng cảm

Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ - Ảnh 7.

Dạy con về sự đồng cảm

Trẻ nhỏ thường xuyên phải đối mặt với những ý muốn của những đứa trẻ khác mà trái với nguyện vọng của chính mình. Mặc dù vấn đề này khá to lớn và khó lý giải, nhưng vẫn cần thiết để có thể dạy con biết cách đồng cảm với người khác. Cha mẹ nên nói chuyện với con vào những lúc con đang bình tĩnh và không cảm thấy bị đe dọa. Để lần sau khi có những trường hợp xảy ra, mà ở đó chính con mình là người muốn đòi hỏi, chúng sẽ hiểu được rằng cảm xúc của chúng không phải là duy nhất mà còn nên để ý tới cảm xúc của người khác nữa.

(Ảnh: Unsplash)

Chuyện chiếc lọ sỏi và bài học về cách dạy con giải quyết những khó khăn trong cuộc sống của người mẹ - Ảnh 8.