Chuyện buồn về Ryan Halligan - nạn nhân bị cyberbully gây chấn động Hoa Kỳ thế kỷ 20: Khi những lời sát thương gây ra hậu quả kinh khủng ngoài tưởng tượng

Vũ Huế, Theo Helino 00:10 07/11/2019

Trong thập kỷ vừa qua, có không ít vụ bắt nạt trực tuyến đã dẫn đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng liên quan đến mạng người, gây ảnh hưởng lớn đến nỗi cả quốc gia phải rúng động. Một trong số đó là Ryan Halligan - cậu học sinh phải chịu đựng cyberbully nhiều năm trời, để rồi phải đưa ra quyết định vô cùng đáng tiếc.

Pháp luật Mỹ quy định, các hành động bị xét là bắt nạt trực tuyến bao gồm: Đăng tin đồn vô căn cứ, kích động sự thù hận, đặc biệt là trong trường hợp nhằm thẳng vào một cá nhân, liên tục viết các dòng đơm đặt, phỉ báng… gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần.

Kể từ khi các phương tiện truyền thông xã hội xuất hiện, hoạt động bắt nạt trực tuyến cũng bắt đầu. Về cơ bản, nó giống như bắt nạt học đường. Nhiều học sinh sẽ cố ý cô lập, hành hạ một học sinh khác. Song phạm vi của bắt nạt trực tuyến thì không giới hạn. Nếu bắt nạt học đường chỉ xoay quang một nhóm cá nhân, trong góc lớp, hành lang hay sân trường, thì bắt nạt trực tuyến có thể vượt ra ngoài biên giới quốc gia.

Chuyện buồn về Ryan Halligan - nạn nhân bị cyberbully gây chấn động Hoa Kỳ thế kỷ 20: Khi những lời sát thương gây ra hậu quả kinh khủng ngoài tưởng tượng - Ảnh 1.

Phương tiện truyền thông xã hội là hố đen với các nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến

Cái tiện lợi của hệ thống phương tiện truyền thông xã hội là kết nối rộng khắp. Nhưng trong trường hợp bắt nạt trực tuyến, nó trở thành thảm họa.

Người bị bắt nạt trực tuyến không giới hạn, nhưng chủ yếu rơi vào giới trẻ, đặc biệt là các em học sinh trung học. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) Mỹ, số lượng người trẻ tuổi tự sát đang ngày càng nhiều. Ước tính lên đến khoảng 4400 ca tử vong/năm.

Tự tử đứng thứ 3 trong số nguyên nhân dẫn đến tử vong nhiều nhất, chỉ sau bệnh tật và tai nạn. Giới trẻ không còn thiết sống liên tục thử tự sát, chí ít cũng 100 lần/người trước khi tự tử thật và mất mạng.

Cũng theo CDC, có đến hơn 14% học sinh trung học từng nghĩ đến chuyện tự tử, và 7% đã tự sát. Trong 7% này, có không ít trường hợp đau lòng, gây rúng động toàn quốc gia.

Ryan Halligan (1989-2003) - nạn nhân bị cyberbully gây chấn động thế kỷ 20

Ryan Halligan sinh ngày 18/12/1989, tại Poughkeepsie, New York. Cậu bị mắc chứng chậm phát triển, nên khả năng giao tiếp có phần thua thiệt bạn bè đồng trang lứa.

Theo cha của Ryan - John P. Halligan, đây là một cậu bé cực kỳ hiền lành và nhạy cảm. Mặc dù đi học theo đúng lứa tuổi có khó khăn, cậu vẫn chăm chỉ đến trường. Mỗi ngày, Ryan đều nỗ lực hết mình. Cho đến hết năm lớp 4, cậu vẫn là một học sinh vui tươi, đáng mến.

Ryan Halligan (1989-2003)

Nhưng khi lên lớp 5, Ryan đột ngột trở thành nạn nhân bị bắt nạt. Nghe con kể chuyện ở lớp, John không mấy bận tâm. Ông cứ nghĩ đám trẻ chỉ chọc ghẹo nhau hơi thái quá một chút, vì Ryan bỗng nhiên lại chuyển sang say mê âm nhạc và kịch.

Năm 2002, Ryan lên cấp 2. Cậu lại lần nữa bày tỏ với cha mẹ việc bị bắt nạt ở trường, còn xin phép được học đấm bốc để đối phó. John bắt đầu lo lắng. Ông muốn đến trường, nói chuyện với hiệu trưởng để tìm biện pháp xử lý. Tuy nhiên, Ryan đã cố ngăn cản cha. Cậu khẳng định mình có thể tự giải quyết. Bởi vì nếu có người lớn xen vào, mọi chuyện sẽ càng tồi tệ đi.

Tin tưởng con trai, John cùng Ryan luyện boxing mỗi tối. Đến tháng 2/2003, Ryan đã đủ mạnh mẽ để chống lại "tên đầu sỏ" nhóm bắt nạt mình. Cuối năm lớp 7, cậu khoe với cha đã làm hòa và trở thành bằng hữu tốt với chính kẻ bắt nạt. John rất mừng, nhưng vẫn không quên nhắc nhở con trai hãy cẩn thận "chọn bạn mà chơi".

Tin đồn và sự rêu rao quá đáng dẫn đến cái kết đau đớn

Ryan và kẻ bắt nạt làm bạn với nhau một thời gian khá dài. Thế rồi bất ngờ, kẻ bắt nạt tung tin đồn Ryan là gay. Bằng ứng dụng chat AIM và nhiều chương trình nhắn tin miễn phí khác, hắn phao tin khắp nơi. Bạn bè xúm vào chế nhạo Ryan. Suốt mùa hè năm 2003, Ryan những muốn phát điên vì các tin nhắn bêu rếu mình trên trực tuyến. Nhưng lần này, cậu lại không nói cho cha mẹ biết chuyện.

Nhờ vào việc các cuộc hội thoại của Ryan được lưu lại, John sau này mới phát hiện con trai đã gặp phải những gì. Khi Ryan bị bắt nạt, có một cô bạn là tên là Ashley đã luôn đứng ra bảo vệ, khiến cậu sớm "phải lòng" cô bé. Tiếc thay, những gì Ashley làm chỉ là... diễn. Cô bé cố ý gần gũi Ashley để lừa cậu bộc lộ tình cảm, sau đó đem các tin nhắn riêng tư giữa hai người "chia sẻ" tứ tung. Mục đích là để "hút fame" và khiến Ryan hổ thẹn, không ngẩng đầu lên nổi.

Vốn dĩ, Ryan là một cậu bé hết sức vui tươi và thánh thiện

Chưa hết, Ashley còn chê bai Ryan là "kẻ thua cuộc". "Chính những đứa con gái như cô khiến tôi muốn chết đi cho rồi" - Ryan nhắn tin trả lời. Cậu bắt đầu trao đổi qua mạng Internet với một bạn thân từ năm lớp 3 về ý định tự sát. Cậu bạn này đồng ý với Ryan, còn cùng Ryan tìm kiếm các trang web dạy cách tự tử mà không gây đau đớn.

Một hôm, Ryan hỏi John rằng, liệu ông đã bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử chưa? John trả lời là "có", nhưng lập tức khuyên can con trai ngay. "Nhưng mà Ryan à, con hãy thử tưởng tượng nếu cha đã làm như thế mà xem. Chúng ta đã chẳng thể nào là một gia đình rồi."

Thế nhưng vào ngày 7/10/2003, khi John bận đi công tác xa nhà, Ryan đã tự treo cổ bằng chiếc áo choàng tắm của chị gái.

Người cha nỗ lực kêu gọi, cảnh giác mọi người

Sau cái chết của Ryan, John mở sổ kỷ yếu của con trai ra xem. Ông phát hiện, Ryan gạch mực nguệch ngoạc trên ảnh chân dung kẻ bắt nạt, người đã giả vờ làm bạn cậu rồi tung tin đồn cậu bị đồng tính. John cũng dùng tài khoản của Ryan, truy ra Ashley và "cậu bạn thân từ thời lớp 3".

John P. Halligan, cha của Ryan vẫn ngày ngày kể lại câu chuyện đau lòng, nỗ lực cảnh giác mọi người

Ban đầu, John muốn nộp đơn tố cáo những cô cậu bé này. Nhưng luật hình sự lại không bao gồm trường hợp bắt nạt trực tuyến. Ông chuyển sang nỗ lực vận động chấm dứt hành động bắt nạt trên mạng, bằng cách đi tới nhiều trường học, phát biểu về tác động khủng khiếp của bắt nạt trực tuyến với tâm lý thanh thiếu niên, kêu gọi sự quan tâm.

Tháng 5/2004, dự luật phòng chống bắt nạt tại bang Vermont được thông qua. Sang năm 2005, Đạo luật 114 (phòng chống tự tử) được soạn thảo theo bản kiến nghị của John có hiệu lực. Các bài báo, phim tài liệu về Ryan Halligan cũng được đăng tải rộng rãi.

Hiện tại, John vẫn ngày ngày ghé các trường học mới, kể lại câu chuyện đau lòng về con trai và cảnh giác mọi người về hậu quả của những lời sát thương - dù là trực tiếp hay qua mạng ảo. Lời nói gió bay, nhưng hậu quả bi thảm sẽ còn mãi.

Tham khảo: Now Comment

“Bye Bye Bully - Ngừng buông lời ác” là một campaign được thực hiện nhằm nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ về vấn nạn bắt nạt online (cyber bully). Cho dù bạn có là nạn nhân hay một kẻ bắt nạt ẩn sau màn hình máy tính đang chật vật tìm cách quay đầu đi chăng nữa thì tại đây, bạn đều sẽ được lắng nghe và nhận được sự giúp đỡ.